xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xâm nhập mặn, hạn hán rất khốc liệt

CA LINH - THỐT NỐT

Chưa bao giờ ĐBSCL lại gặp hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và khắc nghiệt như hiện nay. Lúa chết đầy đồng, người dân thiếu nước sinh hoạt

Tại hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 17-2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL chống hạn, xâm nhập mặn.

Tình hình nguy cấp

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường, El Nino từ năm 2014-2016 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục của năm 1997-1998 và dự báo kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua (khoảng 20 tháng). Mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm làm tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Vì vậy, năm 2015 chỉ xuất hiện lũ nhỏ dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu chảy về ĐBSCL ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Nông dân lấy nước ngọt để sản xuất lúa ở tỉnh Sóc TrăngẢnh: Ngọc Trinh
Nông dân lấy nước ngọt để sản xuất lúa ở tỉnh Sóc TrăngẢnh: Ngọc Trinh

 

Trong khi đó, theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc vận hành các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến hạ lưu, làm mặn xâm nhập sớm và sâu hơn. Ngay từ đầu mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, nồng độ mặn

4 g/l xuất hiện trong tháng 1-2015 có phạm vi ảnh hưởng từ 40-60 km. Một số tỉnh có xâm nhập mặn đến mức báo động là Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Tỉnh Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn.

Vĩnh Long là tỉnh từ trước đến nay ít bị mặn tấn công nhưng trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, mặn đã xuất hiện ở huyện Trà Ôn và xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm) trong 2 ngày. Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, đánh giá xâm nhập mặn ở ĐBSCL đạt mức kỷ lục trong 100 năm qua.

Tại tỉnh Hậu Giang, nếu như những năm trước chỉ có nước biển Tây xâm nhập thì năm nay, nước biển Đông cũng tấn công. Ở thị xã Ngã Bảy, trong dịp Tết vừa qua, độ mặn tại sông đo được là 2%0. Mặn đã xâm nhập sâu và sớm hơn 1 tháng làm khoảng 400 ha diện tích lúa bị mất trắng.

Tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, do bị mặn “ăn” sâu từ tháng 6 đến tháng 7-2015 nên thiếu nước ngọt sinh hoạt. Ngay dịp Tết, các hồ chứa cũng không có nước ngọt gần 1 tuần. Vùng U Minh Thượng bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, lúa chết đầy đồng.

“Từ nhỏ đến lớn, tôi mới thấy lần đầu tiên mặn và hạn hán đạt kỷ lục như vậy” - ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhận xét.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, do xâm nhập mặn, vụ mùa năm 2015 có 30.000 ha lúa bị hạn, vụ thu đông 2015 có 32.000 ha và vụ đông xuân 2015-2016 có 44.000 ha bị thiệt hại. Trong thời gian tới, có khoảng 60.000 ha nữa bị ảnh hưởng. Nếu thời tiết tiếp tục không thuận lợi, diện tích lúa bị ảnh hưởng có thể lên tới 340.000 ha (chiếm gần 30% diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân 2015-2016 toàn ĐBSCL).

Bớt họp, tập trung chống hạn và xâm nhập mặn

Trước tình trạng thiếu nước ngọt, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết đã chỉ đạo khoan ngay 6 giếng nước ngầm, khi đã đủ lượng nước tưới tiêu và sinh hoạt sẽ dừng khoan. Ngoài ra, tỉnh cũng cho làm ngay trạm cấp nước ở huyện Long Mỹ để nâng công suất phát nước do khu vực này thiếu nước ngọt trầm trọng. Tuy nhiên, một số đại biểu tại hội nghị lo ngại rằng việc khai thác nước ngầm gây sụt lún đất, tăng tốc độ xâm nhập mặn.

“Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề án dẫn nước ngọt từ sông Hậu về nên việc này phải tiến hành nhanh, làm sớm để cung cấp nước ngọt cho các tỉnh Nam sông Hậu” - một lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề nghị.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về thực trạng và giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL để chống hạn, xâm nhập mặn; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về mức độ nghiêm trọng của xâm nhập mặn; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho ngăn mặn xâm nhập. Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn như: nạo vét kênh mương, điều tiết công trình thủy lợi ngăn mặn, tranh thủ các thời điểm thuận lợi để lấy và trữ nước ngọt...

 

Vét từng giọt nước

Tại 2 làng H’Văk 1 và H’Vắk 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nhiều ngày nay, người dân khốn khổ tìm nguồn nước mới để dùng. Nay H’Ring, người ở làng H’Văk 1, mang can nhựa đi lấy nước từ sáng sớm nhưng đến nửa buổi cũng chỉ lấy được lưng nửa can (loại 12 lít). “Các con suối ở đây khô hết rồi. Phải đào lỗ dưới suối, chờ nước nhỉ ra mới lấy được nhiêu đây thôi” - Nay H’ring nói.

 

Người dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đào giếng tìm nguồn nước chống hạn Ảnh: Hoàng Thanh
Người dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đào giếng tìm nguồn nước chống hạn Ảnh: Hoàng Thanh

 

Trong khi đó, những nơi khác ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nhiều người đã đào giếng mới hoặc nạo vét giếng nước cũ để lấy nước sinh hoạt.

Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho biết mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn khoảng 20 ngày, lượng mưa cũng chỉ bằng khoảng 50%-70% so với trung bình nhiều năm. Riêng lượng mưa ở vùng phía Bắc Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 50% so với trung bình các năm trong khi nhiều khả năng mùa mưa năm 2016 sẽ tới muộn. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang ở rủi ro cấp 2 trong 3 cấp rủi ro về hạn hán.

Tại Ninh Thuận, một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề từ đợt hạn hán trong năm 2015, hiện tổng lượng nước của 20 hồ thủy lợi toàn tỉnh chỉ còn khoảng 80/192 triệu m3. Để cân đối và dự phòng nguồn nước trong vụ đông xuân năm nay, vụ hè thu 2016 dự kiến lùi thời gian sản xuất khoảng 45 ngày để kiên cố hóa hệ thống kênh Bắc và kênh Chàm. Như vậy, ít nhất 4.481 ha đất sản xuất dọc kênh Bắc, 2.895 ha dọc kênh Chàm phải ngưng sản xuất và khoảng 280.000 con gia súc, gia cầm sẽ thiếu nước uống.

Tại Đắk Lắk, bà Phạm Thị Thu Hiền - Chánh Văn phòng Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này - cho biết các hồ đập, sông suối trên một số huyện như Ea H’leo, Krông Năng… đã cạn kiệt. Hơn 300 hộ dân xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn sử dụng giếng đào đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt.

Cánh đồng Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) từng được xem là vựa lúa của miền Trung nhờ có đập Đồng Cam nhưng nay, theo ông Trần Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam - trong vụ đông xuân này, công ty chỉ gắng gượng bảo đảm nước tưới cho hơn 13.000 ha lúa. Hiện có thời điểm mực nước xuống dưới tràn mấy chục centimét nên nước vào các kênh không đủ. Nhiều nơi giờ đã phải dùng máy bơm vét nước để cung cấp.

Nguồn nước về đập Đồng Cam nhiều hay ít tùy thuộc vào hồ của 2 thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh nhưng hiện cả 2 hồ này nước đã xuống rất thấp. Riêng hồ thủy điện Sông Ba Hạ, nước hồ chỉ còn 10 cm là đến mực nước chết.

Để cánh đồng Tuy Hòa không bị chết trắng, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đã hợp đồng với 2 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh. Theo đó, 2 nhà máy này sẽ chia thời gian để luân phiên chạy máy, cung cấp nước cho đập Đồng Cam. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, khẳng định vụ đông xuân có thể gắng gượng nhưng vụ hè thu tới, nguy cơ thiếu nước sẽ rất trầm trọng.

“Chúng tôi đã lập các phương án chống hạn, trong đó có việc sẽ chuyển một số diện tích không bảo đảm nước tưới sang trồng cây bắp lai” - ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng với diện tích cây cà phê, cần phải áp dụng ngay biện pháp tưới tiết kiệm. Hệ thống gồm có: Ống dẫn nước cấp 1 (đường kính từ 50-60 mm), cấp 2 (42-45 mm), cấp 3 (25-27 mm) và vòi tưới (3-4 mm). Các ống dẫn nước được lắp đặt cố định trên vườn cây; thiết bị cấp phân tự động qua nước tưới và thùng chứa phân (200 lít), các van phân phối nước và điều áp. Kỹ thuật này tiết kiệm nước tưới, không gây xói mòn, rửa trôi.

H.Thanh - C.Nguyên - H.Ánh - L.Trường

 

Triển khai dự án đê bao

Chiều 17-2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát tình hình bị ảnh hưởng bởi hạn và xâm nhập mặn tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Hậu Giang về việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án đê bao ngăn mặn từ biển Tây đi qua xã này và xã Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với tổng chiều dài 30 km.

C.Linh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo