xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về đây, đồng đội ơi...

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

32 năm chiến tranh biên giới mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên, thân xác các anh đã hóa vào đất đá biên cương. Cả nước luôn nhớ về các anh, những người lính “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”

Đêm 11-7, tại Vị Xuyên và TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang, một trận mưa to đã diễn ra. Chị Kim Thanh, cán bộ tuyên văn của Sư đoàn Bộ binh 356 năm xưa, bảo: “Dường như năm nào cũng vậy, trước ngày giỗ, trời đều đổ mưa to. Có lẽ các anh linh thiêng, nghe thấy lời khấn nguyện của đồng đội”.

Tiếng gọi “hội quân”

Mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Ngày 12-7-1984, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch MB84 giành lại các điểm cao mà quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Những người lính của các đơn vị trong toàn quân, từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến nơi đây, sát cánh bên nhau để ngăn kẻ thù từ bên kia biên giới giày xéo lên mảnh đất này.

Sư đoàn Bộ binh 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với những cánh quân của các Sư đoàn 313, 316 và nhiều đơn vị khác. Trong ngày 12-7-1984, do tương quan lực lượng lớn và địa hình phức tạp, hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

32 năm sau trận chiến ác liệt đó, rất nhiều hài cốt của những người lính vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa thể quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội, để lại nỗi day dứt khôn nguôi trong tâm can của những đồng đội còn sống.

Các cựu binh tưởng nhớ đồng đội hy sinh trên chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên ngày 12-7-1984
Các cựu binh tưởng nhớ đồng đội hy sinh trên chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên ngày 12-7-1984

Sáng 12-7-2016, nhạc sĩ Trương Quý Hải, chiến sĩ tuyên văn của Sư đoàn 356 năm xưa, dậy rất sớm. Anh chỉnh tề trong bộ đồ lính, vai khoác đàn guitar, lên xe cùng các cựu binh sư đoàn xuôi từ TP Hà Giang xuống Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên để thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch MB84.

“Về đây, đồng đội ơi. Người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi!”. Đứng giữa Nghĩa trang Vị Xuyên, nhạc sĩ Trương Quý Hải lặng lẽ ôm đàn và hát.

Anh Hải bảo rằng bài hát “Về đây đồng đội ơi” anh viết chỉ trong một ngày sau khi đồng đội trong sư đoàn có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỷ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để có chỗ “đi về” cho những liệt sĩ đã hy sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ. Bài hát là tiếng gọi “hội quân” của những người còn sống với những đồng đội đã hy sinh.

Ngày 11-7-2014, khi những cựu binh Sư đoàn 356 lên cây hương ở điểm cao 468 thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tất cả cùng nhau hát vang bài “Về đây đồng đội ơi”. “Sau khi hát xong, một cơn mưa rất lớn đổ xuống, trắng trời Vị Xuyên. Vợ của những người lính còn sống bảo rằng có lẽ các anh ấy đã nghe thấy và về với chúng ta” - anh Hải bùi ngùi nhớ lại.

Tại Nghĩa trang Vị Xuyên, chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Đạo, 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh - chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356. Bà khóc ngất bên bia mộ của con trai mình. Anh Thịnh quê ở phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nhập ngũ tháng 3-1983, hy sinh ngày 8-3-1985. Anh ngã xuống khi đang nằm bám trụ chiến đấu trên điểm cao 1.100. “Thịnh ơi, mày bỏ mẹ rồi, con ơi. Mẹ đã đến đây rồi. Về với mẹ đi con” - bà Đạo ôm trán và nức nở bên mộ người con trai thứ ba của mình.

Nén tâm hương cho người đã khuất

Trong 2 ngày 11 và 12-7, không hẹn mà cùng gặp, hơn 150 cựu binh của Sư đoàn 356 đang sinh sống ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ Yên Bái, Phú Thọ đến Thanh Hóa, Thái Bình… tề tựu về chiến trường xưa. Các anh thắp nén tâm hương lên Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh Thủy, Nhà tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên trên cao điểm 468 để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Bài hát “Về đây đồng đội ơi” lại vang vọng khắp núi rừng.

Dưới khói hương nghi ngút là những mái đầu đã điểm bạc, những cái bắt tay, ôm nhau thắm tình đồng đội. Đứng ở cao điểm 468, chỉ tay về cao điểm 685, 772, cựu binh Nguyễn Văn Kim xúc động: “Đồng đội chúng tôi còn rất nhiều trên đó. Các anh ấy đã nằm lại 32 năm rồi”.

Bà Nguyễn Thị Đạo, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, khóc nức nở bên mộ con
Bà Nguyễn Thị Đạo, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, khóc nức nở bên mộ con

Cựu binh Nguyễn Đình Thắng, nhập ngũ khi mới 16 tuổi, là y tá của sư đoàn. 18 tuổi, anh sang mặt trận Vị Xuyên và là y tá của Đại đội 24, Trung đoàn 153. Tại mặt trận Vị Xuyên, anh Thắng đi phối thuộc tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876. Anh đã chứng kiến rất nhiều đau thương khi hàng trăm đồng đội ở Sư đoàn 356 hy sinh trong trận đánh ngày 12-7-1984, cái ngày mà sư đoàn gọi là ngày giỗ trận.

32 năm qua, anh Thắng vẫn không thể quên hình ảnh những đồng đội lần lượt ngã xuống do hỏa lực của quân Trung Quốc. Anh bùi ngùi: “32 năm dãi dầu sương gió biên thùy, nhiều đồng đội tôi vẫn còn nằm lại đây. Thân xác các anh đã hóa vào đất đá biên cương. “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” - đúng như lời của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh - trung đội trưởng ở Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876 - đã khắc ghi trên báng súng”.

Thắp nén hương cho người đã khuất, cựu binh Nguyễn Văn Kim - Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - cho biết đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ của sư đoàn vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm xưa. Nhiều anh em tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ 18-20, đã anh dũng ngã xuống, tuổi xuân gửi lại nơi biên giới Vị Xuyên đến tận bây giờ.

“Tôi chỉ mong ước sớm tìm được hài cốt của anh em, đưa các đồng chí về yên nghỉ nơi quê nhà” - cựu binh Kim day dứt.

Mong sớm quy tập hết hài cốt

Cuộc chiến nào chẳng có mất mát và đau thương. Trở lại chiến trường xưa, những người lính Vị Xuyên bảo rằng họ cũng phần nào được an ủi và có lẽ anh linh những liệt sĩ còn nằm lại chiến trường cũng vậy khi Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên khang trang mới được khánh thành ngày 25-6 vừa qua, trên cao điểm 468, từ sự đóng góp của các cựu binh và từ nguồn xã hội hóa.

Cựu binh Nguyễn Văn Thạch xúc động: “Từ nay, chúng tôi lên đây không còn phải thắp hương vái vọng sang cao điểm 685, 772 như những năm trước nữa”. Nhạc sĩ, cựu binh Trương Quý Hải bày tỏ mong muốn Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền tỉnh Hà Giang làm sao cố gắng để sớm quy tập hài cốt các anh trở về. “Đây có lẽ không chỉ là tâm nguyện của riêng những người lính chúng tôi” - anh bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo