xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trực thăng quân sự "cắt mặt" máy bay VNA: Do lỗi kiểm soát không lưu

Tin - ảnh: Tô Hà

(NLĐO)- Chiều 21-11, Cục Hàng không cho biết sự cố máy bay trực thăng quân sự bay "cắt mặt" máy bay Vietnam Airlines vừa cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất là do kiểm soát viên không lưu "không tập trung" trong ca trực.

 

Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh (giữa) chủ trì họp báo về 2 sự cố hàng không nghiêm trọng
Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh (giữa) chủ trì họp báo về 2 sự cố hàng không nghiêm trọng

 

Chiều nay 21-11, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh đã chủ trì họp báo về 2 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra gần đây.

Đó là việc máy bay huấn luyện Mi127 của Quân chủng Phòng không - Không quân bất ngờ cắt ngang đường bay của máy bay Vietnam Airlines (VNA) từ TP HCM đi Huế trên đỉnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29-10 (vi phạm phân cách an toàn) và sự cố sập mạng tại Trung tâm kiểm soát đường dài - Tiếp cận (ACC/HCM) trưa ngày 20-11.

Cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi Cục Hàng không có đoàn lãnh đạo, chuyên gia trực tiếp vào thị sát tại ACC/HCM tối 20-11 và sáng 21-11 họp với các bên liên quan đánh giá tình huống máy bay vi phạm phân cách an toàn.

Đối với sự cố sập mạng tại ACC/HCM, ông Lại Xuân Thanh cho biết nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay.

Về nguyên tắc, hệ thống thiết bị điều hành bay được cung cấp điện từ điện lưới, điện máy phát và thiết bị lưu trữ điện (UPS). Cả 2 nguồn điện lưới và máy phát dự phòng đều được đấu nối qua UPS. Đối với mỗi nguồn điện lại có cấp độ dự phòng riêng, trong đó riêng UPS có 3 bộ để đảm bảo khi UPS 1 hoặc thậm chí là 2 UPS bị hỏng thì UPS còn lại vẫn hoạt động để cung cấp điện cho hệ thống.

Tuy nhiên, trong tình huống xảy ra lúc 11 giờ 5 phút ngày 20-11, UPS số 1 bất ngờ “chết”, làm ngắt điện của cả 3 UPS còn lại. Mặc dù cả 2 nguồn điện là điện lưới và điện máy nổ không mất nhưng hỏng thiết bị lưu điện nên hệ thống máy móc của ACC/HCM bị mất điện và “sập” mạng, kéo theo radar của Đài chỉ huy đặt trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị hỏng.

Để khắc phục, Công ty quản lý bay miền Nam phải thực hiện đấu nối trực tiếp điện lưới vào hệ thống thiết bị, không qua bộ lưu điện. Công việc này kéo dài khoảng 35 phút nhưng phải mất thêm hơn 1 tiếng nữa, hệ thống máy móc mới có thể trở lại hoạt động. Đến trưa 21-11 mới khắc phục hoàn toàn cả 3 UPS. Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu đình chỉ công tác của nhân viên kỹ thuật và Kíp trưởng trực nguồn điện để phục vụ điều tra sự cố.

 

Trên đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh minh họa
Trên đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh minh họa

 

Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về độ tin cậy và quy trình vận hành, bảo dưỡng của thiết bị kỹ thuật điện, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết việc mua sắm, lắp đặt và vận hành thiết bị điện tại các ACC đều phải tuân thủ tiêu chuẩn ngặt nghèo của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cụ thể, tất cả hệ thống trang thiết bị kỹ thuât đều phải mua từ các nhà sản xuất đã được ICAO chấp nhận là đủ tiêu chuẩn bán cho không lưu. Khi lắp đặt xong phải được Cục Hàng không kiểm tra, cấp phép mới được hoạt động. Trong quá trình hoạt động phải có quy trình khai thác bảo dưỡng theo mùa và kiểm tra hàng ngày, thường xuyên có bảo trì bảo dưỡng. Nhân viên vận hành cũng phải có chứng chỉ được Cục Hàng không cấp phép. Kiểm tra sơ bộ cho thấy quy trình vận hành, kiểm tra, giám sát được triển khai bình thường.

“Đây là sự cố nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế vì vùng Thông báo bay (FIR) của ACC/HCM trải dài trên hơn 600.000 km2, bao gồm các chuyến bay trong nội địa và chuyến bay quá cảnh qua vùng trời” - ông Lại Xuân Thanh đánh giá về sự cố.

Đối với sự cố vi phạm phân cách, nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi của nhân viên kiểm soát viên không lưu (KSVKL) hiệp đồng không canh nghe nên không truyền đạt thông tin về việc cất cánh của máy bay VNA cho chỉ huy quân sự. Trong phiên trực ngày 29-10, có 3 KSVKL và 1 kíp trưởng. Trong đó có 1 nhân viên hiệp đồng là Trần Hoàng Phương làm nhiệm vụ theo dõi luồng hoạt động của máy bay trong và sắp vào FIR để thông báo cho người trực chỉ huy.

Trần Hoàng Phương cũng có nhiệm vụ quan trọng khác là làm cầu nối giữa người trực chỉ huy của bên dân dụng và Chỉ huy quân sự cùng ngồi điều hành trong ACC/HCM. Trong đó, điều hành bay dân dụng trao đổi với phi công bằng tiếng Anh, điều hành bay quân sự trao đổi với phi công quân sự bằng tiếng Việt.

Do không tập trung, KSVKL Trần Hoàng Phương đã không nghe thấy huấn lệnh cho máy bay VNA cất cánh để thông báo cho người trực chỉ huy quân sự, dẫn đến tình huống máy bay Mi127 của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng được lệnh cất cánh chỉ sau 1 phút 9 giây. Trong bản tường trình, KSVKL trực hiệp đồng đã thừa nhận sai sót này. Cục Hàng không cho biết đang chờ kết luận điều tra để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Hà Đức Tuế, Trưởng phòng Quản lý điều hành bay Quân chủng phòng không - Không quân, cho biết hoạt động bay huấn luyện của bên quân sự ngày 29-10 nằm trong kế hoạch có từ trước và đã được thông báo, phối hợp hiệp đồng với hàng không dân dụng, không phải công tác đột xuất.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo