xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tránh phụ thuộc một thị trường

Lê Đăng Doanh

Việt Nam cần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại để giảm rủi ro do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Chúng ta luôn mong muốn phát triển quan hệ thương mại bình đẳng, cân bằng, hai bên cùng có lợi với nước bạn trong tương lai. Nhưng thực tế, chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và trong giao thương đã xuất hiện những rủi ro không thể xem thường.

Phụ thuộc cao, rủi ro nhiều

Theo số liệu của ngành hải quan, năm 2016, tổng giá trị kim ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc cán mức 72 tỉ USD. Còn theo công bố của Tham tán Thương mại Trung Quốc, con số này cao hơn nhiều: 87,84 tỉ USD. Theo đó, Việt Nam xuất 32,96 tỉ USD trong khi nhập từ Trung Quốc 54,88 tỉ USD, nhập siêu lên đến 22 tỉ USD. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Trung sẽ cán mức 100 tỉ USD/năm vào những năm tới.

Số liệu về xuất khẩu do phía Trung Quốc công bố cao hơn công bố của Việt Nam 5 tỉ USD, còn về nhập khẩu cao hơn 22 tỉ USD. Trong những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam nhập đến gần 17 tỉ USD nguyên, phụ liệu dệt may. Trong sản phẩm may mặc của Việt Nam, giá trị nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc chiếm đến 50%-65%, tùy theo mặt hàng. Còn về xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tươi sống của Việt Nam, thị trường Trung Quốc chiếm tỉ lệ áp đảo với dưa hấu, chuối, sắn, cá, thịt heo…

Có thể thấy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và nguồn nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Theo Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường xuất - nhập khẩu là một yếu tố rủi ro không thể xem thường. Nếu có biến động từ thị trường đó về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất thì việc làm, thu nhập của người lao động sẽ gặp khó khăn lớn, kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút, tác động tiêu cực đến cân đối thương mại và thanh toán quốc tế. Ngoài ra, nếu thị trường xuất khẩu bị giảm sút hay hạn chế, hàng hóa ứ đọng cũng gây thiệt hại lớn.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua đường thủy ở Móng Cái luôn diễn ra tấp nập Ảnh: Trọng Đức
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua đường thủy ở Móng Cái luôn diễn ra tấp nập Ảnh: Trọng Đức

Bài học từ thương lái Trung Quốc

Thương mại song phương Việt - Trung được thực hiện qua đường chính ngạch và tiểu ngạch cũng như buôn lậu qua biên giới. Số liệu được công bố bởi cơ quan thẩm quyền hai nước cần được làm rõ. Trong đó, số liệu nhập khẩu cực kỳ lớn từ Trung Quốc vượt con số công bố bởi Hải quan Việt Nam là hết sức đáng lo ngại.

Mặt khác, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc. Nhập cảnh Việt Nam theo đường khách du lịch, thương lái Trung Quốc ngang nhiên đến tận ruộng đồng, trang trại của nông dân ra giá mua dưa hấu, khoai lang, chuối, cá, thịt heo… theo hợp đồng miệng, trả bằng tiền mặt, qua mặt các cơ quan quản lý thị trường trong nước. Sau khi nông dân Việt Nam tin tưởng, gia tăng sản lượng với quy mô lớn, thương lái Trung Quốc đột ngột biến mất, để lại hậu quả nặng nề cho họ, như vụ thừa ứ chuối ở Đồng Nai mới đây.

Thương lái Trung Quốc từng mua móng trâu, bò, rễ cây hồi với giá cao ở biên giới phía Bắc. Việc này làm cho trâu bò mất móng không cày bừa được, cây hồi là đặc sản quý hiếm mất rễ chết hàng loạt.

Mới đây, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện những công ty lữ hành Trung Quốc ký hợp đồng trọn gói 2 năm, bao thầu toàn bộ phòng của một số khách sạn, gạt hẳn các công ty lữ hành của Việt Nam ra khỏi những khách sạn có vị trí thuận lợi nhất của thành phố biển này.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta phải tự trách mình về những yếu kém, thậm chí có biểu hiện dung túng, làm ngơ hay tiếp tay cho thương nhân Trung Quốc lấn át thị trường trên đất nước mình.

Bài học rút ra là chúng ta thiếu nghiên cứu về thị trường Trung Quốc; am hiểu về ngôn ngữ, thông tin về doanh nghiệp (DN), doanh nhân Trung Quốc hầu như không có gì. Việc nghiên cứu về Trung Quốc chủ yếu mới dừng lại ở tầm vĩ mô, thiếu hẳn những lực lượng nghiên cứu cụ thể về tầm vi mô hỗ trợ cho DN và nông dân nước ta. Lực lượng luật sư, tư vấn luật pháp chuyên về thị trường Trung Quốc còn quá thiếu để giúp DN ký kết các hợp đồng theo đúng chuẩn mực quốc tế, có cam kết ràng buộc cụ thể về giao hàng, thanh toán và giải quyết tranh chấp.

Phải đa dạng hóa thị trường

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06 (ngày 5-11-2016) về hội nhập quốc tế, tiếp tục thúc đẩy quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế, bảo đảm độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Để tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường, tránh những rủi ro không đáng có, chúng ta phải mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu hay Trung Đông. Muốn vậy, DN nước ta phải tham gia chuỗi giá trị quốc tế, hợp tác với các nhà nhập khẩu của các thị trường đó, đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác.

Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm, tăng mạnh nhập khẩu hoa quả, rau tươi, gạo và tôm cá từ Việt Nam. Trái cây của nước ta cũng đã xuất được sang các thị trường khó tính như thanh long, vải thiều, xoài... Do vậy, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa nông dân với DN, viện khoa học và DN xuất nhập khẩu để đáp ứng các cơ hội này.

Cảnh giác với công cụ chính sách

Là một nền kinh tế lớn, có tỉ trọng xuất - nhập khẩu lớn nhất hành tinh, quan hệ thương mại của Trung Quốc chịu sự chỉ huy nghiêm ngặt của nhà nước ở mức độ rất cao.

Thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên sử dụng quan hệ xuất - nhập khẩu, đầu tư, du lịch… như một công cụ chính sách với tác động lớn, thậm chí nghiêm trọng đến kinh tế của các đối tác. Điển hình là mới đây, để thể hiện sự không hài lòng về việc Hàn Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa THAAD, Trung Quốc đã đình chỉ du lịch đến nước này, tẩy chay hàng hóa và DN xứ Hàn. Trung Quốc cũng đã ngưng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên từ tháng 2-2017. Trước đó, họ ngưng nhập khẩu nông sản của Philippines khi Tổng thống Aquino nộp đơn kiện về “đường lưỡi bò” lên Tòa án Quốc tế…

Ngược lại, Trung Quốc sẵn sàng phát triển mạnh xuất - nhập khẩu, đầu tư để ủng hộ chính sách của chính phủ những nước thân thiện với mình.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa Phát triển Nông thôn Trường ĐH Cần Thơ:

Đừng để doanh nghiệp tự “bơi”

Trong tình hình hiện nay, xuất khẩu gạo đang “bí” đầu ra nên việc xuất mặt hàng này sang Trung Quốc giải quyết được phần nào khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chủ yếu xuất gạo, thủy sản, nông sản khác sang Trung Quốc thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cách tốt nhất là DN nên tìm thị trường của riêng mình, không chỉ tập trung ở Trung Quốc. Để làm được điều này thì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại rất quan trọng. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí giúp DN đi xúc tiến, đừng để DN tự “bơi”, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vì họ rất thiếu vốn, ngại bỏ tiền ra đi quảng bá hình ảnh.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May:

Cẩn trọng để tránh “cười trước, khóc sau”

Trung Quốc là thị trường có sức hút rất lớn nhưng đi đôi với đó là những mối lo ngại, nhất là chuyện thương nhân Trung Quốc thao túng, đẩy mạnh tiêu thụ rồi đột ngột ngưng mua.

Hiện nay, cá tra được xuất sang Trung Quốc rất nhiều và dễ dàng, thậm chí khách hàng tìm đến nhà máy của tôi để mua bằng tiền mặt. Tuy nhiên, để tránh “cười trước, khóc sau”, phòng trường hợp một lúc nào đó Trung Quốc không mua hàng, tôi đã yêu cầu bộ phận chức năng cơ cấu doanh số xuất khẩu qua thị trường này nằm ở mức giới hạn 30%-40%.

Ông Võ Văn Theo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long:

Phải có sự vào cuộc từ nhiều phía

Huyện Bình Tân là địa phương trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL với diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó khoai lang tím Nhật chiếm 90% diện tích. Do mặt hàng này bán cho Trung Quốc giá cao, lợi hơn trồng lúa gấp 4-5 lần nên nông dân lựa chọn.

Chúng tôi lo ngại là đa số diện tích khoai lang tím tại địa phương đều bán sang Trung Quốc nên hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường này. Việc hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh bị thương lái thao túng cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, nhất là trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

C.Linh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo