xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thao thức bên bờ Hiền Lương

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI

Giờ đây, chỉ mất khoảng chục giây để xe băng băng qua cầu Hiền Lương hiện đại. Nhưng để có được điều tưởng như bình thường ấy, chúng ta đã phải trải qua 21 năm máu lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ...

Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về, mây lặng lờ trôi”... Phải, đến bây giờ, sau hơn bốn mươi năm kể từ ngày nhạc sĩ Hoàng Hiệp ôm cây đàn mandolin hát bài hát đầu tiên mới sáng tác Câu hò bên bờ Hiền Lương nổi tiếng, mây vẫn lặng lờ trôi. Những áng mây tinh khôi phiêu bồng như những bóng thuyền trôi bất tận giữa bầu trời tháng tư, tôi thấy lòng mình nôn nao hoài niệm. Nỗi hoài niệm bé con của tôi ấy chắc cũng chỉ là một nét trầm tư của người lính nơi tượng đài Người lính giữ cầu Hiền Lương hôm nay. Chỗ ấy ngày xưa là nền móng cũ của “nhà liên hợp” được xây dựng với mong muốn thống nhất hai miền Nam – Bắc theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954. “Nhà liên hợp” không được dùng đến vì âm mưu chia cắt đôi bờ vĩnh viễn của Mỹ, Diệm. Thế là người Việt Nam đành phải làm cuộc kháng chiến trường kỳ suốt hai mươi mốt năm thống nhất Tổ quốc. Sau ngày toàn thắng, có đám rước dâu qua cầu Hiền Lương, nhà thơ Cảnh Trà đã rung động viết: “... Cầu vừa mới bắc xong, sơn còn tươi roi rói / Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng / Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng...”.

Tôi nhìn sông, sông vẫn chảy rì rào... Không biết từ thế kỷ XI xa xưa, khi Lý Thường Kiệt ruổi ngựa vào Nam vẽ bản đồ Đại Việt nơi miền địa đầu Tổ quốc, người đã lội qua sông Hiền Lương ở quãng nào? Thuở ấy, sông có như bây giờ, có rì rào những gợn sóng con bé nhỏ, theo đầu ngọn Nồm, ngọn Nam mát rượi từ Cửa Tùng dào dạt vờn lên? Nhưng từ thuở ấy, sông Hiền Lương đã chính thức nằm trên bản đồ nước Đại Việt, một dòng sông nhỏ, gầy...

Tôi lớn lên khi cuộc chiến tranh tàn khốc ấy đang vào hồi kết thúc. Người Việt đã qua sông trong một đêm không trăng năm 1973, trên chiếc cầu phao bộ đội công binh bắc tạm. Bấy giờ, Hiệp định Paris đã có hiệu lực, giới tuyến quân sự tạm thời được dời chuyển vào sông Thạch Hãn, cách Hiền Lương 35 km, ngăn cách một bên là Chính phủ Cách mạng Miền Nam, một bên là chế độ Sài Gòn. Dĩ nhiên, khi đó tôi vẫn là một công dân bé nhỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người qua sông nhiều quá, tôi mở to đôi mắt bé con nhìn qua vai áo mẹ tôi đang bế mà ngắm nhìn từng đoàn người, đoàn xe màu xanh lá cây, những khẩu pháo nòng dài nườm nượp qua sông. Khi đó tôi chẳng hiểu gì, nhưng kỷ niệm đã khắc vào trí nhớ ngây thơ của tôi. Tôi cũng không thể ngờ rằng những chiếc trụ cầu bê tông còn sót lại giữa lòng sông ấy từng nâng đỡ một chiếc cầu sắt giản dị. Trên cầu có 894 miếng ván; giữa cầu có vạch sơn trắng rộng 1 cm. Vạch sơn ấy, hiểu theo nghĩa hình ảnh, chính là vĩ tuyến 17 chạy qua! Hơn 20 năm để người Việt vượt qua một dòng sông nhỏ gầy, chỗ rộng nhất chưa đến 200 m; hay bước qua vạch sơn trắng oan nghiệt này...

img
Tượng đài Bà mẹ miền Nam trong khuôn viên Khu Di tích cầu Hiền Lương

Một thời gian dài tôi sống trên biển Cửa Tùng, tức là nơi cái vĩ tuyến 17 bắt đầu chạm vào biển Đông. Nhà tôi ở nằm ngay trên nền móng cũ của Đồn Liên hợp Cửa Tùng, đối diện với đồn cảnh sát Cát Sơn bên bờ Nam xưa. Từ chỗ tôi nhìn qua bên nớ mỗi sớm thấy cát trắng và thùy dương xanh. Dân Cát Sơn đi chợ Do đứng đợi đò nơi cái lưỡi cát dịu dàng đằm thắm: “Chao, răng mà cái móng cửa năm ni dài ra dữ rứa, hè?”. Móng cửa chính là cái lưỡi cát, doi cát dịu dàng đằm thắm đó. Mỗi mùa nó lại khác, thành ra cửa sông Hiền Lương lúc rộng lúc hẹp. Cái lưỡi cát dịu dàng ni từng đã in nhiều dấu chân của người lính hai miền sang thay phiên gác ngày xưa theo quy chế “khu phi quân sự”. Rồi nhà văn Nguyễn Tuân đã nhìn thấy cảnh này: “Mỗi ngày nước thủy triều biển Cửa Tùng dâng lên, lại xóa đi những vết chân hai người lính hai chế độ in dấu trên cát sông của cả hai bờ”. Thiên nhiên vô tư, rộng lượng và nhân từ đã mặc nhiên xóa đi... Đấy chính là ý nguyện của thiên nhiên! Ý nguyện của thiên nhiên, suy cho cùng là ý nguyện của nhân dân. Ý nguyện của nhân dân có khi, có lúc vào một thời khắc lịch sử chỉ giản dị là một dòng sông nhỏ gầy, chảy bình lặng giữa hai bờ xứ sở...

Ở đảo Cồn Cỏ vào ngày trời trong, buổi chiều nhìn về đất liền Cửa Tùng thấy sông nhuốm màu hoàng hôn đỏ thắm; rồi nghĩ rằng nếu con thuyền nào ra biển lúc ấy, hẳn sẽ được tắm một màu đỏ ý nghĩa. Chỉ là một vết đỏ mảnh mai nơi đường chân trời nhưng đã cho tôi hình dung trong bao thế kỷ, hôm nay và mai sau cái vết đỏ ấy sẽ mãi mãi tồn vinh không tan được...

Tháng tư này đã tròn 33 năm Tổ quốc toàn vẹn thống nhất từ Bắc chí Nam. Xe qua cầu Hiền Lương mới hôm nay chỉ mất cỡ chục giây, phóng thẳng không cần giảm tốc độ. Cầu Hiền Lương mới được khánh thành tháng 4-1999, là chiếc cầu hiện đại, thi công bằng công nghệ đúc đẩy, mặt cầu rộng thênh thang, phẳng lì. Ban đêm đèn cao áp sáng bừng một khúc sông. Tôi được biết trong số thợ cầu có những người từng đi B, từng vượt sông Hiền Lương ở một quãng sông nơi thượng nguồn, hạ nguồn trong những đêm chiến tranh. Cầu Hiền Lương màu trắng đang vươn qua dòng sông như một cánh tay người Việt. Và bên đó, vẫn còn im lìm chiếc cầu sắt dựng từ năm 1974, sau Hiệp định Paris. Hai chiếc cầu cùng trên một khúc sông, chỉ cách nhau vài mét. Hai chiếc cầu Hiền Lương cùng in bóng mình xuống dòng Hiền Lương, trong bóng nước không thể phân biệt đâu là cầu bê tông đâu là cầu bằng sắt. Cả bóng hai cầu đều xao động trong sóng nước, cùng chụm đầu vào phía bờ Bắc thành hình chữ V đậm nét... Trời trưa tháng tư nắng gắt, gió Lào thổi về ngùn ngụt từ Trường Sơn, vậy mà vẫn có đoàn xe hoa lộng lẫy qua cầu. Đám cưới mùa này e là vất vả, nhưng tình yêu thì kể gì năm tháng. Lại nhớ đến đám cưới xưa cách xa đúng 33 năm, đám cưới mà nhà thơ Cảnh Trà đã tình cờ theo dòng đưa dâu ấy... Trong bao nhiêu năm, bao nhiêu đám cưới đã qua cầu...

Và tôi nhớ đến cái đám cưới cách chúng ta mười thế kỷ, nàng Huyền Trân biền biệt ra đi, để lại vùng đất Ô, Lý hiểm trở, dằng dặc nhớ thương nơi địa đầu Tổ quốc. Chao ôi, lịch sử đã bắt đầu bằng một câu chuyện tình...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo