xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TÂY TIẾN OAI HÙNG: Khoảng lặng ở Châu Trang

Văn Duẩn - Phú Cương - Thanh Tuấn

Những người lính Tây Tiến năm xưa phần lớn đã về với tổ tiên, người ở lại nay cũng ngoài 80. Nhắc đến quân y xá Châu Trang, ai cũng rưng rưng nước mắt tiếc thương đồng đội

Nữ quân y Nguyễn Thị Thanh Liêm (SN 1931, cựu Trưởng Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến) không khỏi bùi ngùi nhớ lại một thuở đau thương khi bà và các y - bác sĩ của trung đoàn tiễn đưa hơn 200 đồng đội nằm lại Châu Trang.

"Áo bào thay chiếu anh về đất"

Theo cuốn lịch sử của Trung đoàn 52 Tây Tiến, mùa thu năm 1947, trạm quân y trung đoàn chuyển từ Chiềng Sại về Châu Trang (nay là xóm Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Quân số của trạm chỉ có 10 người, gồm 1 bác sĩ, 2 y tá, còn lại là các liên lạc viên làm công tác cứu thương. Vậy mà họ phải đảm nhận cứu chữa hàng trăm bệnh binh cùng lúc.

TÂY TIẾN OAI HÙNG: Khoảng lặng ở Châu Trang - Ảnh 1.

Tượng đài Tây Tiến ở xóm Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Ảnh: Văn Duẩn

TÂY TIẾN OAI HÙNG: Khoảng lặng ở Châu Trang - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Liêm, nguyên y tá của Trung đoàn 52 Tây Tiến

Bộ đội Tây Tiến ăn uống thiếu thốn, da bọc xương, áo quần rách tả tơi, thuốc men vô cùng khan hiếm. Một viên ký ninh phải pha cho 5 người bệnh sốt rét uống. Nhân viên của trạm phải lấy lá chuối cắt ra đem hấp tiệt trùng quấn vết thương vì không có gạc, lấy lá mơ lông hái ở hàng rào hấp với muối để chữa kiết lỵ vì không có thuốc. Mặc dù các cán bộ, nhân viên trạm quân y đã hết lòng cứu chữa nhưng vì thiếu thuốc, đói ăn, mặc rét… nên chỉ trong vài tháng, hơn 200 bệnh binh phải yên nghỉ ở Châu Trang.

Khi "Đội Võ trang Trinh sát miền Tây" do ông Lê Hiến Mai, Anh Đệ, Tuấn Sơn, Lam Ngọc dẫn đầu tiến sang Sầm Nưa năm 1945, đánh trận Mường Láp, bà Nguyễn Thị Thanh Liêm mới 14 tuổi. Bà được giao làm liên lạc rồi sau đó theo đoàn quân về Hòa Bình, làm công tác chăm sóc thương bệnh binh. Bà Liêm phải cấp tốc học kỹ năng tiêm, băng bó, cứu thương. "Ban đầu, tôi lấy kim tiêm cũ tập tiêm vào thân cây chuối; lấy bẹ chuối, lấy dao vuốt cho thật mềm, mỏng để tập băng bó" - bà Liêm nhớ lại.

Làm công tác quân y, bà Liêm đã chứng kiến bao cái chết của đồng đội, trong đó rất nhiều người qua đời vì sốt rét. "Các anh ốm, chúng tôi thương lắm! Khi dứt cơn sốt, các anh tỉnh, trò chuyện với nhau, bảo là trai Hà Nội thì tôi cũng chỉ biết thế, chứ có biết Hà Nội là ở đâu đâu... Khi tôi đi phát thuốc, các anh uống xong lại hỏi: anh nọ, anh kia vừa mới đi hôm nay, vậy liệu mai có đến lượt mình không..." - bà Liêm nghẹn lời.

Hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, người lính già Giang Hồng Phúc kể rằng bệnh xá hồi ấy chẳng có gì. Bộ đội chủ yếu nằm nhờ ở nhà dân, ai ốm nặng quá thì nằm điều trị ở một cái lán rộng 20-30 m2. Hình ảnh ám ảnh nhất trong cuộc đời binh nghiệp, với ông Phúc không phải là khi đối diện quân thù mà là lúc chứng kiến những đồng đội lần lượt ra đi. "Chiều tối hôm trước, mấy anh em còn ngồi nói chuyện với nhau bên bờ suối nhưng sau một đêm, nhiều đồng đội đã không còn" - ông ngậm ngùi.

Ám ảnh tiếng cồng quân y

Một nỗi ám ảnh khác là mỗi khi sáng dậy, tiếng cồng của dân bản lại cất lên báo hiệu thêm bộ đội hy sinh và để huy động dân làng đến đưa tiễn những người lính. Chỉ trong vòng 3 tháng, hơn 200 chiến sĩ tại Châu Trang đã hy sinh. Đó là còn chưa kể "rải rác biên cương mồ viễn xứ" khắp vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Sâm bùi ngùi kể: "Có ngày, sáng tôi đi chôn một đồng chí, trưa một đồng chí, chiều lại một đồng chí. Cứ một tiếng cồng vang lên là báo hiệu một đồng chí đã ra đi. Ban đầu, mỗi liệt sĩ còn được đắp một manh chiếu và mang đi chôn, về sau chiếu cũng không còn. Dân quân đến đem đi mai táng, liệm thi hài bằng những mảnh dương phên nứa, không có quan tài hay mảnh chiếu khi chôn cất... Hình ảnh ở Châu Trang là nỗi ám ảnh nhất đối với những chiến sĩ Tây Tiến còn sống" - người cựu binh già bày tỏ.

Tin bộ đội Tây Tiến ở trạm quân y chịu đựng gian khổ, hy sinh lan truyền đi khắp vùng Thượng Cốc. Bắt đầu là chuyến đi thăm của 4 bà mẹ: Phó Khôi, Tài Thọ, Phẽm Nhỡ, Lý Mô… Họ đã đi bộ 9 km từ Vụ Bản (Lạc Sơn) đến Châu Trang. Sau khi tình cờ tiếp xúc 2 bộ đội vừa xuất viện, các mế đã vận động đồng bào quyên góp để ủng hộ các chiến sĩ. Sau đó, việc này đã trở thành phong trào rộng rãi trong hội phụ nữ, thanh niên, các em nhỏ ở Vụ Bản. Chỉ trong một thời gian ngắn, các mế đã mua 100 đôi chiếu, gạo, đậu, đường và một số tiền mặt tặng trạm quân y.

"Nhân dân Hòa Bình đã đùm bọc, giúp đỡ anh em chúng tôi, những cán bộ đi hoạt động. Nhà dân gạo hết, sắn hết, có con gà bằng nắm tay cũng đem nuôi cán bộ… Hết gạo thì chúng tôi vào rừng đào củ vớn ăn cùng đồng bào. Nghĩa tình ấy tôi không thể nào quên được" - ông Giang Hồng Phúc xúc động.

Lần giở cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thượng Cốc, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tiến cho biết trên đường 12B, khi hành quân chuẩn bị chiến dịch biên giới Sơn La, Mai Châu, Thanh Hóa…, Trung đoàn Tây Tiến đã đóng quân tại xóm Trang, xã Thượng Cốc. Nhiều bộ đội bị thương, sốt rét, ngã nước trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ. Cả đoàn quân rụng tóc gần hết; cơm bữa đói, bữa no; thuốc đặc trị không có. Dân Thượng Cốc đã nhường cơm sẻ áo, vào rừng lấy thuốc nam về chữa bệnh, chữa vết thương cho bộ đội.

"Khi chiến sĩ Tây Tiến hy sinh, nhân dân xóm Trang đã lo chôn cất chu đáo, sau này quy tập mộ tại Nghĩa trang Thượng Cốc. Tiếp đó, hài cốt các chiến sĩ được chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lạc Sơn" - ông Tiến cho hay.

Xúc động trước cảnh bao đồng đội ra đi mãi mãi khi tuổi còn rất trẻ, Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang, một thương binh nặng khi đó đang điều trị tại trạm quân y này, đã sáng tác bài hát "Tiếng cồng quân y" vào cuối năm 1947. "Cồng âm y từng đợt tiếng lâm ly/Tới tai người chiến sĩ đang ốm yếu ở xa nhà/Lòng chàng run lên cồng tiễn một đồng chí qua đời tới nơi ngàn xa/Chàng chưa đáng chết, nước non chưa yên/Nhưng bệnh rừng ác độc mang chàng đi/Mà nước non đang chờ/Mà chí trai còn căm uất xâm lăng..." - bài hát có những câu đầy ám ảnh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-7

Kỳ tới: Sống mãi Tây Tiến


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo