xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Táo bạo, bất ngờ với Vũng Rô

Bài và ảnh: Hồng Ánh

“Việc lựa chọn bến Vũng Rô để đón nhận tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường khu V là rất táo bạo, khiến địch phải bất ngờ” - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh nhìn nhận

Bất chấp vết thương chi chít trên cơ thể lại đang vật lộn với căn bệnh ung thư gan, đại tá Đặng Phi Thưởng - Trưởng Ban Liên lạc bến Vũng Rô, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên - vẫn hết sức hồ hởi khi nhắc lại những ngày tháng oanh liệt hơn 50 năm trước.

Ngỡ an toàn nhưng sơ hở

Đó là những năm 1964-1965. Nhận được chỉ thị của trung ương về việc chuẩn bị chọn bến bãi để tiếp nhận vũ khí chi viện cho Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển, Tỉnh ủy Phú Yên đã gấp rút tiến hành. Bài toán đặt ra là chọn bến nào để vừa tiếp nhận tàu vừa vận chuyển vũ khí về hậu cứ an toàn khi mà tuyến biển nơi nào cũng có đồn bốt của địch?

Hai phương án được đưa ra: vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu và bến Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa ngày nay. Vịnh Xuân Đài có địa thế tốt hơn nhưng hành lang phía sau hẹp, khó vận chuyển một lượng vũ khí lớn.

Du khách đến bến Vũng Rô thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh
Du khách đến bến Vũng Rô thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh

“Quyết định chọn bến Vũng Rô lúc ấy là hết sức táo bạo bởi ngay trên đỉnh đèo Cả là bốt Pơ-tí với 1 trung đội địch canh giữ. Phía biển, địch có 12 thuyền của Duyên đoàn 23 hằng ngày tuần tra từ Tuy Hòa đến Nha Trang, chưa kể ngoài khơi còn có Hạm đội 7 của Mỹ. Tàu thuyền từ miền Bắc vào Vũng Rô còn một nỗi lo khác từ trạm ra-đa của địch trên đỉnh núi Chóp Chài ở Tuy Hòa có bán kính quét rất rộng. Tuy nhiên, chính nơi địch tưởng an toàn lại là sơ hở nhất nếu ta biết tận dụng” - ông Thưởng, người lính của Trung đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô năm xưa, hồi tưởng.

Chọn Vũng Rô, Tỉnh ủy Phú Yên lập tức bắt tay chuẩn bị những phương án để tiếp nhận các chuyến hàng, đặc biệt là thông tin liên lạc cho tàu vào bến. Để thực hiện việc liên lạc, Quân khu V điều động về đây 2 nhân viên cơ yếu. Giữa năm 1964, Ban Chỉ huy bến Vũng Rô được thành lập do Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ Liên tỉnh 3 Trần Suyền phụ trách.

Theo cán bộ sử học quân sự Nguyễn Văn Viễn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, để bảo đảm bí mật, bến chỉ được liên lạc trực tiếp với Bộ Tổng Tham mưu nhưng cũng rất hạn chế. Việc liên lạc chỉ trở nên thường xuyên từ cuối tháng 11-1964, trước khi chuyến tàu đầu tiên cập bến Vũng Rô.

Nắm đất Vũng Rô

Ngoài mái tóc bạc, trung tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh trông trẻ hơn hẳn so với độ tuổi 82. Nói về bến Vũng Rô, về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển hay những con tàu không số, vị thuyền trưởng năm xưa có thể hào hứng kể cả ngày.

Ông Thạnh cho biết sau chuyến tàu cập bến Cà Mau thành công trở về đầu tháng 11-1964, ông nhận lệnh chuẩn bị đưa tàu 41 chở vũ khí vào Vũng Rô. “Từng nhiều lần nhận nhiệm vụ nhưng không hiểu sao lần ấy, tôi thấy hồi hộp, rộn ràng lạ” - ông nhớ lại. Theo ông, Vũng Rô vốn sâu, tàu vào không lệ thuộc thủy triều, là nơi địch dễ sơ hở nhưng cũng dễ tổ chức bao vây.

Tối 16-11-1964, tàu 41 rời Bãi Cháy. Vượt gió cấp 7-8 và nhiều lần bị máy bay, tàu địch kèm cặp, tối 28-11-1964, chuyến tàu không số đầu tiên mang theo hơn 60 tấn vũ khí cập bến Vũng Rô. “Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách/ Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi/ Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi/ Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển” - ông Thạnh nhớ lại những câu thơ của chính trị viên tàu 41 khi vừa đặt chân lên bến Vũng Rô.

Sau đó, chuyến thứ hai, thứ ba cũng vào bến Vũng Rô trót lọt bằng tàu 41 do trung tá Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, mang theo gần 200 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Tây Nguyên, Khánh Hòa, Phú Yên. Với ông Thạnh, chuyến tàu thứ ba để lại nhiều cảm xúc hơn cả.

Chuyến ấy, ông Thạnh đưa tàu cập Bến Vũng Rô đúng lúc giao thừa Xuân 1965. Anh em trên tàu chuẩn bị bánh chưng, kẹo, trà và cả 40 chai bia cùng một cành đào để đón Tết cùng chiến sĩ trên bến. Trong lúc người của bến lên tàu thăm hỏi thì hàng loạt tiếng pháo nổ vang từ bốt Pơ-tí cách đó không xa. Những chiếc đèn dù xanh, đỏ phụt thẳng lên, treo sáng cả một vùng trời Vũng Rô. Một thoáng suy nghĩ “tàu đã bị lộ” qua nhanh và tất cả nhận ra địch cũng đón Tết. Có điều, địch không thể ngờ rằng những chiến sĩ cách mạng đang đón Tết ngay sát nách chúng!

Tuy nhiên, chuyến tàu mà ông Thạnh nhớ nhất lại là một chuyến rời bến Vũng Rô trở ra Bắc. “Hôm ấy, từ đêm tối, một cô gái cầm một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay tìm gặp tôi. Cô nói: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô. Mảnh đất kiên cường, bất khuất, chịu nhiều gian khổ, giặc càn đi, quét lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm gạo nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của tàu các anh đưa vào, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”. Cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi bùi ngùi như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt” - ông bồi hồi.

Gần 40 năm sau, khi về lại Phú Yên, ông Thạnh mới tìm gặp được người đã trao ông nắm đất. Đó là bà Nguyễn Thị Tản. Cô du kích làng Cát năm nào giờ đã sắp đến tuổi thất thập cổ lai hy, theo chồng về sống ở xã An Dân, huyện Tuy An. Kể lại chuyện cũ, bà ngượng ngùng: “Nhớ chuyện Bác Hồ khi về nước đã ôm hôn nắm đất nên tôi cũng muốn gửi miền Bắc chút tình quê hương Phú Yên”. Bà Tản không hề biết nắm đất Vũng Rô thiêng liêng đó đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân. Còn hình ảnh cô du kích trao kỷ vật quê hương cho vị thuyền trưởng sau này được tái hiện bằng tượng đồng đặt tại Nhà Truyền thống Lữ đoàn 125.

Xây dựng lại nơi tưởng niệm

Những ngày này, tại bến tàu Vũng Rô, Bộ Tư lệnh Hải quân đang gấp rút xây dựng nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong những năm tháng ác liệt để bảo vệ bến, bảo vệ các chuyến hàng của tàu không số. Ông Phan Đinh Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết nơi này sẽ thay cho chỗ thắp hương tưởng niệm vốn xây dựng tạm, lộ thiên trước đây.

“Nơi đây sẽ được xây dựng trang nghiêm hơn, ấm cúng hơn. Việc này rất ý nghĩa, không chỉ phù hợp truyền thống thờ phụng của dân tộc mà còn phù hợp với tầm vóc của một bến tàu đã đóng vai trò quan trọng trong đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại” - ông Phùng bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-10

Kỳ tới: Bến tàu giữa lòng dân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo