xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sáu bệnh nhân chạy thận chết bất thường

Ngọc Dung

Trong lúc chạy thận nhân tạo thì 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó 6 người tử vong, 12 người đang cấp cứu. Cần xem xét quá trình truyền máu, lọc thận để làm rõ vụ sốc phản vệ "chùm" này

Sự việc 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi sốc phản vệ ở Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó 6 trường hợp tử vong, được đánh giá là một trong các sự cố y khoa nghiêm trọng từ trước đến nay. Đến chiều tối 29-5, sức khỏe 12 bệnh nhân còn lại vẫn phải theo dõi.

Đồng loạt sốc phản vệ

Bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết sáng 29-5, 18 bệnh nhân đến BV để lọc máu chu kỳ. Khi thực hiện quy trình lọc máu được khoảng 2 giờ, các bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ. Ngay lập tức, các bác sĩ dừng chạy thận để chuyển sang cấp cứu. Đến tối cùng ngày, đã có 6 trường hợp tử vong gồm: Bùi Văn Huyền (SN 1971), Bùi Văn Chính (SN 1967), Nguyễn Thị Minh (SN 1963), Lê Thị Chung (SN 1959), Đinh Thị Thu Hằng (SN 1981) và Quách Thị Phượng (SN 1948). Tất cả 18 bệnh nhân này bị suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm. Các bệnh nhân tử vong cùng sống ở tỉnh Hòa Bình.

Sáu bệnh nhân chạy thận chết bất thường - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra vụ việc 18 bệnh nhân chạy thận bị sốc phản vệ Ảnh: MẠNH HÙNG

Theo bác sĩ Dương, việc chuyển tuyến cho các bệnh nhân trong tình trạng nghi sốc phản vệ nặng lên tuyến trên có thể sẽ không bảo đảm an toàn, tăng nguy cơ gây suy tim, suy hô hấp nên BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xin hỗ trợ từ BV trung ương. Chiều cùng ngày, một đoàn bác sĩ của BV Bạch Mai (Hà Nội) đã đến BV hỗ trợ chuyên môn và cấp cứu bệnh nhân. Hiện 12 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tích cực ngay tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và BV Đa khoa TP Hòa Bình.

Cũng theo bác sĩ Dương, cho đến thời điểm này, BV vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây sốc phản vệ. Toàn bộ thuốc, hóa chất phục vụ công tác điều trị lọc máu cho các bệnh nhân đã được niêm phong để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ. "Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng sốc phản vệ gây chết nhiều người trong quá trình điều trị lọc máu từ khi Khoa Điều trị lọc máu của BV thành lập cách đây 10 năm" - ông Dương nói.

Cần xem xét nhiều yếu tố

Nhận định về sự việc, một số bác sĩ, chuyên gia y tế cho biết trong y văn đã từng ghi nhận những trường hợp sốc phản vệ trong lúc chạy thận nhân tạo nhưng với số lượng lớn như thế này thì chưa từng có. TS Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng Khoa Chạy thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho rằng nếu xảy ra hiện tượng chạy thận gây sốc phản vệ "chùm", cần phải xem xét nhiều yếu tố như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc… Theo bác sĩ Luận, quá trình chạy thận nhân tạo là khi máu được dẫn ra ngoài cơ thể bằng vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để lọc. Vì thế, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường gặp biến chứng và nặng hơn là tình trạng sốc phản vệ. Một số biến chứng thường gặp như tụt huyết áp, vọp bẻ (chuột rút), nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, sốt ớn lạnh, ngứa… Ngoài ra, hội chứng hiếm gặp nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân là hội chứng mất cân bằng, phản ứng với màng lọc. Khi đó, bệnh nhân có thể nôn, buồn nôn, nhức đầu… và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như co giật, đờ đẫn, hôn mê.

Trong khi đó, một bác sĩ trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị hội chứng mất cân bằng trong quá trình chạy thận nhân tạo, như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc, hóa chất sát khuẩn… Ngoài ra, cũng cần xem xét quá trình truyền máu có bảo đảm, hệ thống xử lý nước chạy thận có bảo đảm tinh khiết hay không... "Việc rửa quả lọc có bảo đảm sạch chất khử khuẩn hay không. Trường hợp hệ thống xử lý nước không bảo đảm, quả lọc không sạch, dị ứng hóa chất tiệt trùng màng lọc thì có thể gây ra phản ứng sốc phản vệ cho bệnh nhân, nhất là trên nền bệnh nhân đang bệnh nặng, sức đề kháng kém..." - vị bác sĩ này phân tích.

Cũng theo các bác sĩ, trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể bị thuyên tắc khí. Đây là biến chứng nghiêm trọng, có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị nhanh chóng.

Tập trung cứu chữa bệnh nhân

Chiều 29-5, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đã dẫn đầu đoàn công tác lên BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để kiểm tra, nắm tình hình vụ việc. Tối cùng ngày, ông Khuê đã có cuộc làm việc với Sở Y tế và BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để làm rõ nguyên nhân. Trước mắt, ông Khuê yêu cầu tập trung cứu chữa bệnh nhân, đồng thời yêu cầu các BV tuyến trên hỗ trợ cứu chữa những người đang còn sống. Tại buổi họp báo sau đó, ông Khuê cho biết thêm Bộ Y tế đã báo cáo vụ việc lên Chính phủ, phía BV tạm dừng hoạt động Khoa Thận nhân tạo. Ngoài 2 bệnh nhân bị nặng, 10 người còn lại nhẹ hơn dự kiến sẽ được chuyển về BV Bạch Mai điều trị tiếp.

22 giờ cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt thăm hỏi các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo ngành y tế giải quyết vụ việc. Liên quan đến tai biến y khoa nghiêm trọng này, Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo