xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sao không dừng Nhà máy Giấy Lee & Man?

Tô Văn Trường

Việc dừng dự án Nhà máy Bột giấy Lee & Man (tỉnh Hậu Giang) là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường và cả kinh tế khu vực ĐBSCL

Công luận và các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo những hậu họa khôn lường của nhà máy Bột giấy Lee & Man nên phải dừng là chính xác. Tuy nhiên, dừng nhà máy bột giấy tẩy trắng 165.000 tấn/năm thì có nên tiếp tục duy trì nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm?

Người dân lãnh đủ

Thông thường, nhà máy giấy bao bì ít phải sử dụng tới hóa chất tẩy trắng hơn. Đối với nhà máy khử mực, sản xuất giấy chất lượng cao (in/copy, báo chí…), trong quá trình sản xuất không thể bỏ qua quá trình khử mực, tẩy trắng. Có nhiều giai đoạn tẩy trắng khác nhau tùy vào yêu cầu sản phẩm. Những hóa chất tẩy trắng thông thường có thể là H2O2, Na2SiO3, NaOH, NaHSO3, NaOCl, ClO2, O2, O3 hoặc cũng có thể là Cl2… Sau quá trình tẩy hàng loạt, các loại hóa chất độc hại sẽ bị thải ra ngoài và phải có hệ thống xử lý. Tuy nhiên, hóa chất độc hại từ các nhà máy sản xuất giấy sau quá trình nấu bột, tẩy bột đều rất khó xử lý triệt để và để lại hậu quả lớn.

Bên trong Nhà máy Giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang Ảnh: CA LINH
Bên trong Nhà máy Giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang Ảnh: CA LINH

Dù sản xuất bột giấy tái chế thì cũng thải ra ngoài vô vàn các loại hóa chất độc hại. Hơn thế nữa, trong thành phần mực và nước thải từ hệ thống tẩy trắng chứa nhiều thành phần kim loại nặng ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thủy sản như đồng, chì, kẽm, chromium, cadmium.

Nói chung, nước thải ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thủy sinh. Các tài liệu về nước thải nhà máy giấy ra môi trường đều nhắc tới ảnh hưởng đến cá, tôm, cua… Con người ăn các loại thủy sản này có nguy cơ bị nhiễm độc.

Cần lập lại báo cáo tác động môi trường

Mặc dù sẽ dừng nhà máy bột giấy nhưng để trả lời cho câu hỏi có nên tiếp tục duy trì nhà máy sản xuất giấy bằng nguyên liệu giấy phế thải thì trước hết phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt ĐTM, lại tăng quy mô, công suất, thay đổi từ sử dụng nguyên liệu tràm bông vàng sang phế liệu giấy (theo điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014).

Nếu chủ đầu tư không làm nhà máy bột giấy nữa, họ phải mua nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu nội địa rất bấp bênh về chất lượng và số lượng. Nếu nhập khẩu (giấy phế thải) thì vấn đề an toàn nguyên liệu như thế nào? Trong ĐTM phải xem xét kỹ cả thiết kế dây chuyền công nghệ kỹ thuật của nhà máy giấy.

Theo quy trình sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp của Lee & Man thì với nguyên liệu giấy vụn (nhập khẩu) sẽ sử dụng chất tẩy (hơn 7 tấn/ngày) và chất nhuộm màu (0,23 kg/tấn giấy thành phẩm). Do đó, chắc chắn nước thải có màu, các chất hữu cơ khó phân hủy (có AOX hay không thì tùy thuộc vào chất tẩy trắng có chứa clo không), hóa chất (có thể có kim loại nặng tùy thuộc vào chất nhuộm sử dụng). Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện hoặc lò hơi cung cấp hơi phục vụ cho việc sản xuất giấy của nhà máy cũng phát sinh khí thải có SOx, NOx...

Trên thế giới, sau hơn 30 năm phát triển ngành giấy và bột giấy, những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại, đặc biệt đối với những nước đang phát triển bởi sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu. Hơn nữa, mặc dù đã sử dụng những công nghệ tẩy trắng tiên tiến nhưng vẫn phát hiện hàm lượng và thành phần dẫn xuất của chlorine trong chất thải từ các nhà máy giấy và bột giấy.

Ở Việt Nam, dây chuyền sản xuất giấy làm bao bì lớn nhất có công suất 240.000 tấn/năm (của Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, sở hữu của Thái Lan). Công ty TNHH Giấy Lee & Man chỉ mới triển khai sản xuất giấy làm bao bì từ hộp carton. Dây chuyền của Lee & Man sẽ có công suất gần gấp đôi 420.000 tấn/năm nên khâu nguyên liệu đầu vào không đơn giản.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần nhiều giấy làm bao bì để phục vụ xuất khẩu hàng dệt, da giày, thủy sản. Hiện nay, giấy bao bì trong nước mới bảo đảm 1/3, còn lại phải nhập. Nếu Lee & Man đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, chỉ nên để cho sản xuất giấy bao bì vì nước thải của bột giấy tái chế không là vấn đề lớn như nhà máy bột giấy mới từ gỗ hay rơm, rạ…

Vấn đề chính vẫn là nỗi lo về năng lực giám sát, kiểm soát và cưỡng chế thi hành luật của các cơ quan quản lý về môi trường. Nếu coi sông Hậu là vùng cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản thì tốt nhất không nên đầu tư các loại hình dự án có tiềm năng sử dụng nhiều hóa chất như thế này.

Chờ kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hai dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Bột giấy Lee & Man Việt Nam do Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài, được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành.

Mới đây, Bộ Công Thương dự kiến có ý kiến trình Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hậu Giang không cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án nhà máy bột giấy.

Riêng dự án nhà máy giấy, Bộ Công Thương thấy rằng đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu cho ngân sách địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Quy trình sản xuất giấy bao bì từ giấy loại carton sử dụng hóa chất không đáng kể, chất thải rắn được loại ra trong quá trình tuyển lựa nguyên liệu giấy hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu dự án đáp ứng được các quy định của nhà nước về môi trường thì đề nghị Chính phủ xem xét có thể cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai nhà máy sản xuất giấy.

Trước đó, ngày 30-6, Tổng cục Môi trường đã triển khai quyết định thanh tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Thời gian thanh tra bắt đầu từ ngày 1-7, kéo dài trong 45 ngày.

Ý KIẾN

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Giám sát chặt dự án

VASEP hoan nghênh ý kiến của Bộ Công Thương về việc dừng dự án Nhà máy Bột giấy Lee & Man. Riêng dự án nhà máy giấy, trước đây, VASEP từng gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cảnh báo về tác động có thể xảy ra từ dự án này. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương lại có ý kiến nên cho triển khai tiếp. Báo cáo của bộ nêu rõ nhà đầu tư cam kết sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Dù họ có hứa thì các cơ quan chức năng vẫn phải giám sát chặt chẽ, lời nói phải đi đôi với việc làm bởi dự án này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn cả kinh tế của khu vực ĐBSCL.

ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Hậu quả khôn lường

Do hệ thống kênh rạch chằng chịt và chế độ thủy triều lên xuống mỗi ngày của sông Hậu, nếu trường hợp nước thải của Nhà máy Giấy Lee & Man không đạt chuẩn thì hậu quả sẽ khôn lường đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu, các kênh rạch, thủy sản biển vùng cửa sông Trần Đề (Sóc Trăng) và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL.

Ông VÕ VĂN VINH (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ):

Dừng ngay!

Vụ Formosa đã tác động rất lớn đến môi trường biển của miền Trung. Do vậy, nếu không muốn hệ thống sông ngòi của miền Tây Nam Bộ bị tác động nặng nề như thế thì phải dừng ngay dự án Nhà máy Giấy Lee & Man. Chúng ta thà chấp nhận có lỗi trong việc cấp phép cho nhà đầu tư dự án này còn hơn có lỗi với toàn thể người dân ĐBSCL.

C.Tuấn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo