xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phương tiện thủy chực chờ gây họa

Nhóm phóng viên

Hàng ngàn phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm đang tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn

Tỉnh Cà Mau hiện có hàng ngàn phương tiện thủy hoạt động nhưng chưa đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn mà “quên” đăng kiểm lại. Trong đó, đa số là phương tiện dân dụng và các đò ngang tự phát.

Một đi không trở lại

Theo các ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tiến độ đăng kiểm đối với phương tiện thủy dân dụng khá chậm do điều kiện của người dân vùng nông thôn khó khăn; việc đưa phương tiện đi đăng kiểm mất thời gian, tốn kém chi phí…

Bên cạnh đó, Thông tư 06/2013/của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các quy phạm liên quan đến tàu biển chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể, theo quy định, phương tiện thủy nội địa được đăng kiểm phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh. Đối với tàu vỏ composite, bắt buộc phải có hồ sơ gốc (bảng thiết kế kỹ thuật) mới đủ điều kiện để đăng kiểm. Trong khi đó, hầu hết tàu vỏ bằng chất liệu composite ở Cà Mau chủ yếu dựa theo hình mẫu dân gian trước đây và sản xuất đại trà.

 

Một bến đò ngang tự phát ở tỉnh Bạc Liêu Ảnh: DUY NHÂN
Một bến đò ngang tự phát ở tỉnh Bạc Liêu Ảnh: DUY NHÂN

 

Ông Lê Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Ðăng kiểm và Cảng vụ, Sở GTVT tỉnh Cà Mau - cho biết đang tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa chưa đăng kiểm và báo cáo về Phòng Quản lý tàu sông - Cục Ðăng kiểm Việt Nam xin được đăng kiểm theo quy định cũ đối với các phương tiện sản xuất trước năm 2015. Còn những phương tiện sản xuất từ năm 2015 về sau thì phải thực hiện theo quy định của Thông tư 06/2013.

Mới đây, Cảnh sát Đường thủy,  Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 14 và Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra tình hình hoạt động ở các bến đò ngang trên địa bàn. Kết quả cho thấy nhiều bến đò ngang tự phát của người dân đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn có nhiều bến phà, bến đò ngang đang hoạt động. Đặc biệt, nhiều bến đò ngang hoạt động chui hoặc đã được cấp phép nhưng lại chở cả ô tô khi chưa đầy đủ các điều kiện theo quy định nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Vì vậy, Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp vừa chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương rà soát và xử lý dứt điểm đối với những bến đò hoạt động chưa bảo đảm ATGT theo quy định trước ngày 30-4. Trong trường hợp các cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế.

“Từ nay đến trước ngày 30-4, nếu bến và phương tiện chở khách chưa đủ điều kiện mà xét thấy không thể cấp phép được thì các đơn vị chức năng phải kiên quyết đình chỉ hoạt động. Trưởng Ban ATGT cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này ở địa phương mình quản lý” - ông Dương nhấn mạnh.

Tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính riêng tàu du lịch hoạt động đưa đón khách ở khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã có khoảng 500 chiếc, phần lớn là loại vỏ gỗ, được bọc composite. Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết công tác quản lý tàu du lịch tại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long từ trước đến nay rất lỏng lẻo, phương tiện hoạt động lâu ngày nên đã xuống cấp.

Qua phân tích của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, các vụ tai nạn, cháy nổ trên vịnh đều xuất phát từ những tàu hoạt động hơn 10 năm. “Trong kế hoạch phát triển đội tàu sắp tới, tỉnh sẽ dần xóa bỏ tàu vỏ gỗ để thay bằng tàu vỏ sắt to hơn” - ông Tùng thông tin.

Số liệu “nhảy múa”

Theo kết quả tổng điều tra phương tiện thủy nội địa năm 2007, cả nước có 806.577 tàu thuyền các loại, trong đó 91,3% chưa đăng ký và 79,72% chưa đăng kiểm. Sau hơn 8 năm, tính đến hết tháng 10-2015, tổng số phương tiện có trong danh sách đăng ký chỉ hơn 240.000 chiếc.

Về đăng kiểm, ông Đỗ Trung Học, Trưởng Phòng Quản lý tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết số lượng phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu (để cấp đăng ký) mới chỉ đạt 60%. Thế nhưng, tỉ lệ quay lại đăng kiểm định kỳ theo quy định rất thấp, chỉ khoảng 30%.

Theo ông Học, mặc dù ngành đăng kiểm đã chủ động cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền vận động và phối hợp với các ngành liên quan giải quyết tình trạng trên nhưng số lượng phương tiện không quay lại đăng kiểm vẫn thấp. “Đơn vị làm công tác đăng kiểm không có quyền bắt giữ phương tiện đi trên sông; không thể ép tổ chức, cá nhân đăng kiểm phương tiện mà chỉ có thể vận động, tuyên truyền. Chỉ khi người dân nhận thức được rằng đăng kiểm phương tiện mang lại lợi ích thì họ mới làm” - ông Học giải thích.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 2-2016, cả nước có hơn 18.900 tàu thủy chở người dưới 12 chỗ. Thế nhưng, trong đó, hơn 6.800 chiếc đã quá hạn đăng kiểm định kỳ, tương đương 35% tổng số phương tiện (gồm 3.570 tàu thủy và 2.851 phương tiện chở người loại dưới 12 chỗ).

Về mối hiểm họa từ hơn 6.800 tàu thủy chở người dưới 12 chỗ quá hạn kiểm định, ông Đỗ Trung Học lý giải: “Thứ nhất, trong số đó có nhiều tàu đang được đưa lên bờ sửa chữa và không hoạt động. Thứ hai, theo quy định của pháp luật, phương tiện hết hạn đăng kiểm mà tiến hành giải bản thì chủ phương tiện không phải báo cho cơ quan chức năng. Vì vậy mới có chuyện trong hồ sơ lưu của Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn còn phương tiện đó nhưng thực tế chúng lại không hoạt động”.

Trước thực trạng số liệu về phương tiện thủy đang “nhảy múa”, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng phải tổng điều tra lại để có số liệu thật. “Từ số liệu này sẽ có giải pháp và làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc kiểm soát đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định của pháp luật” - ông Hình kỳ vọng.

 

Tăng cường bảo đảm an toàn kỹ thuật

Ủy ban ATGT quốc gia vừa có công điện yêu cầu Bộ GTVT, công an, các ngành liên quan và Ban ATGT các địa phương tăng cường thực hiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa.

Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục công bố rộng rãi danh sách phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy theo quy định pháp luật; tiến hành điều tra, đánh giá, tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện chở khách.

Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại chỗ cho người dân.

 

Khắc phục sự cố cầu An Thái trong 2 tháng

Ngày 8-3, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, vừa có công điện yêu cầu Bộ GTVT và Ban ATGT tỉnh Hải Dương nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái và bị mắc kẹt ở dầm cầu. Cú đâm mạnh khiến cầu An Thái có thể bị gãy, sập bất cứ lúc nào.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 6-3, vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng đã xảy ra tại cầu An Thái nằm trên Tỉnh lộ 388, nối 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vào thời điểm trên, tàu Thành Luân 28 có tải trọng hơn 3.200 tấn lưu thông trên sông An Thái theo hướng Hải Dương - Hải Phòng thì thủy triều lên, phần cabin quá cao nên đã đâm vào cầu An Thái và bị kẹt ở dầm giữa.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tổ công tác của bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ, khắc phục hậu quả, phân tích nguyên nhân, phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa lưu thông qua khu vực.

Ủy ban ATGT quốc gia cũng yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong ngày 8-3, tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT đã đến hiện trường vụ tai nạn để kiểm tra và tìm các phương án sửa chữa, thay thế dầm biên trái của cầu An Thái. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, phải mất khoảng 2 tháng mới khắc phục xong sự cố này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo