xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ”!

Dương Ngọc - Nguyễn Quyết

Tôn trọng độc lập chủ quyền Việt Nam và cam kết làm sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt - Mỹ là những thông điệp quan trọng được Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh tại Hà Nội

“Xin chào Việt Nam” - Tổng thống Mỹ Barack Obama mở đầu bài phát biểu dài hơn 30 phút trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội vào trưa 24-5 bằng một câu chào tiếng Việt như thế.

Bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Việt Nam

Ngay từ đầu bài phát biểu, Tổng thống Mỹ đã nhắc đến câu thơ “thần” trong bài “Nam quốc sơn hà”: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành đã định tại sách trời” như một cam kết Mỹ tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Tổng thống Obama, quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của Việt Nam, muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.

Tổng thống Obama khẳng định trật tự quốc tế, thông lệ chung tất cả quốc gia đều là những nước có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ hơn; các tranh chấp cần được giải quyết trên nền tảng hòa bình và các cơ chế vùng như ASEAN cần tiếp tục được củng cố mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Barack Obama phát biểu trước đông đảo trí thức và doanh nhân Việt Nam tại Hà Nội ngày 24-5 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Tổng thống Barack Obama phát biểu trước đông đảo trí thức và doanh nhân Việt Nam tại Hà Nội ngày 24-5 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

“Ở biển Đông, Mỹ không phải là một bên tranh chấp nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy” - Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Nhấn mạnh cần nỗ lực, hợp tác bảo đảm an ninh chung, Tổng thống Obama cho biết hai bên nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm thể hiện rõ Mỹ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam. “Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn” - người đứng đầu nước Mỹ khẳng định.

Nhìn thẳng quá khứ để hướng tới tương lai

Trân trọng lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam, điểm lại mối quan hệ trong lịch sử giữa hai dân tộc từ 200 năm trước đến nay, Tổng thống Mỹ nhắc đến chiến tranh Việt Nam khá xúc động.

“Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng: chiến tranh dù thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân. Trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía đã mất đi. Trên bức tường tưởng niệm ở đất nước chúng tôi, người ta có thể chạm vào tên của 58.315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về. Hôm nay, chúng ta cùng với nhau, người Việt và người Mỹ, cùng nhận thức nỗi đau và mất mát mà chiến tranh đem đến”.

Không né tránh quá khứ đau thương, Tổng thống Obama nhấn mạnh hai nước đã hàn gắn với nhau, hàn gắn nỗi đau chiến tranh bằng những hành động như tìm kiếm người mất tích, hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ, rà phá bom mìn…, đồng thời khẳng định những cam kết của nước Mỹ về xử lý hậu quả chiến tranh. Trẻ em khuyết tật và chất độc da cam sẽ được Mỹ hỗ trợ nhiều hơn.

Hướng tới tương lai, Tổng thống Mỹ nêu rõ: “Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để tạo ra và đem lại những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước”. Ông cũng sôi nổi vạch rõ những lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước hiện tại và tương lai, nhắc đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều “tương lai và hy vọng”, nhấn mạnh bên cạnh phát triển kinh tế cần đầu tư vào nguồn lực con người.

Nêu việc đội hòa bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam để dạy tiếng Anh, Trường ĐH Fulbright sẽ đi vào hoạt động tại TP HCM vào mùa thu tới, Tổng thống Obama bình luận thế hệ sau của người Mỹ đã đến để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.

“Mai này, khi người Mỹ và người Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây, trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói trong “Truyện Kiều”: “Rằng: ‘Trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi’...” - Tổng thống Obama chân thành.

Ông Nguyễn Tâm Chiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ:

Nêu vấn đề nhân quyền rất sâu sắc

Tổng thống Obama nói rằng việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thể hiện rõ Mỹ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam. Tôi đánh giá cao quan điểm của tổng thống khi nhắc đến vấn đề nhân quyền: Không nước nào hoàn hảo, vấn đề là tôn trọng nhau. Tôi hy vọng thời gian tới, cả hai bên sẽ nỗ lực để làm cho quan hệ thực sự bước sang một giai đoạn mới, không còn gì vướng mắc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói không có lĩnh vực nào không thể hợp tác.

Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn nước Mỹ đẩy nhanh hơn việc khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, hành động vì nạn nhân chất độc da cam…

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Cơ hội kèm theo thách thức lớn

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama và đặc biệt là bài phát biểu của ông đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế giữa 2 nước, giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, mở cửa thị trường 2 nước cũng là áp lực lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở cả thị trường Mỹ và Việt Nam. Xem kỹ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, tôi thấy lo nhiều hơn vì cũng như TPP, sự chuẩn bị của số đông doanh nghiệp cho sân chơi mới cũng như thị trường Mỹ vẫn còn rất hạn chế và tốc độ còn chậm. Việc cần làm trước hết chính là sự chủ động nâng tầm của doanh nghiệp chứ không phải chỉ những cam kết từ phía 2 nhà nước.

TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao:

Tôn trọng chủ quyền Việt Nam

Bài phát biểu vừa có tính toàn diện vừa có chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam, qua đó phản ánh sự tôn trọng của nước Mỹ đối với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của người Việt. Ông Obama nhắc đến Hai Bà Trưng, đến Truyện Kiều, trống đồng Đông Sơn, nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao… với sự trân trọng. Bài phát biểu cũng phản ánh cơ bản của luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế, trong đó có việc nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ; việc cần tôn trọng tự do, an ninh, an toàn hàng hải trong vấn đề biển Đông,…

Khi Tổng thống Obama nhắc đến câu “nước Nam vua Nam ở” là có hàm ý nước Mỹ đến đây tôn trọng chủ nhà và sẵn sàng giúp chủ nhà Việt Nam giữ vững độc lập chủ quyền. Ngoài ra, còn một điểm rất sâu sắc là bề dày văn hóa, tổng thống đã lẩy Kiều, trích dẫn Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hai Bà Trưng để nói về bình đẳng giới. Đây là bài phát biểu hiếm có, thông điệp phát đi rất rõ ràng: Nước Mỹ tôn trọng một Việt Nam độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và sẵn sàng làm hết sức mình để giúp Việt Nam duy trì điều đó.

T.Dũng - D.Ngọc ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo