xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nổi trôi thổ cẩm

Bài và ảnh: ÁNH NGUYÊT

Dân Bơ Nơ C - làng thổ cẩm truyền thống mấy trăm năm ở Lâm Đồng – ngày ngày vẫn say mê cắm cúi vào khung dệt nhưng sản phẩm nức tiếng của họ không có đầu ra, phải đem bán rong cho du khách

Con đường nhỏ xíu lởm chởm đá nghiêng theo triền dốc dẫn chúng tôi vào làng dệt thổ cẩm nổi tiếng Bơ Nơ C ở huyện Lạc Dương - tỉnh Lâm Đồng. Mấy đứa trẻ lấm lem đang nô đùa, vọng tiếng  cười giòn giã. Sau các cánh cửa, thấp thoáng bóng dáng những phụ nữ ngồi căng mình dệt nên những tấm thổ cẩm – vốn được xem là cơm, là gạo của người Cil.

 
Dệt nên đời người
 
Lúc dệt, phụ nữ Bơ Nơ C ngồi bệt dưới đất, chân duỗi thẳng giữ một đầu tấm thổ cẩm, tay thoăn thoắt luồn cuộn chỉ và dập cho chặt sợi vải bằng cây bnớ. Bà Rơ ông K’Rô, 60 tuổi, vừa dệt vừa trò chuyện về con heo, đàn gà với cô con gái. Ngồi trước khung dệt là một thói quen đã ăn sâu vào đời từ năm 16 tuổi. Cây bnớ trong tay bà lên nước bóng lộn và nhẵn thín.
 
Mỗi ngày, bà K’Rô dọn dẹp nhà cửa, đi mót củi, nấu cơm, cho heo gà ăn xong là ngồi vào khung dệt, như một cách để “giải trí” thay vì xem ti vi như lũ cháu. Cứ “tài tử” thế nên cả tuần bà mới dệt xong một tấm ui (tấm vải dài khoảng 1,6 m, rộng 55 cm), bán được 300.000 đồng.
 
Bà bảo đó là bí quyết để bắt con gái mình ngồi vào khung dệt: “Mình phải dệt để cho con gái thấy rồi nó mới học chứ!”. Khung dệt này do mẹ bà truyền lại và bà cũng rất hãnh diện để nó lại cho con gái sau này. Theo bà K’Rô, đã là phụ nữ Bơ Nơ C thì phải biết dệt, như thể đó là thiên chức theo mình từ lúc mới sinh ra.
 
 
img
Bà Cil Mup K’Bong, 80 tuổi, một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng dệt thổ cẩm Bơ Nơ C

 
Trời nhập nhoạng tối. Bà Cil Mup K’Bong, 80 tuổi, không cần bật đèn vẫn thoăn thoắt dệt thổ cẩm mà không mắc lỗi nào. Những ngón tay của bà khô gầy nhưng mạnh mẽ, nhanh nhẹn và dứt khoát.
 
Thảo nào khi chỉ cho chúng tôi nhà bà K’Bong - một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng dệt thổ cẩm Bơ Nơ C - bà K’Rô tỏ ra rất kính nể. Mấy tấm ui treo trên vách nhà đều do bà dệt, bền chặt và đẹp nhất nhì làng.
 
Con gái và cháu gái bà cũng bắt đầu ngồi vào khung dệt ở tuổi 15, như một điều tất yếu. 65 năm dệt thổ cẩm, khung dệt trở thành một người bạn thân thiết của bà, thiếu nó là cái bụng thấy buồn, cái tay thấy nhớ.
 

Điều xấu hổ nhất: Không biết dệt

Ở Bơ Nơ C bây giờ, không phải cô gái nào lớn lên cũng muốn ngồi vào khung dệt. Bé Rơ ông Thùy Dương, 9 tuổi, con chị Rơ ông K’Dưng, lắc đầu khi tôi hỏi em có thích dệt không. Lập tức, chị K’Dưng rầy con một hồi rồi quay sang tôi phân bua: “Không biết dệt thì sau này làm gì ăn? Phụ nữ mà không biết dệt là không được đâu!”.

Chị K’Dưng bảo không biết dệt là điều xấu hổ nhất của đàn bà con gái Bơ Nơ C. Chị chẳng biết từ khi nào, chỉ nhớ đời bà, đời mẹ rồi tới đời chị đều dệt thổ cẩm. Do đó, con chị, cháu chị cũng phải biết dệt như bà, như mẹ thôi, ban đầu là lo cái mặc cho gia đình, sau đó mới đem bán để kiếm cái ăn. Thế nên, cả làng có 60 hộ dân, trừ vài hộ người Kinh thì các hộ người Cil còn lại đều biết dệt thổ cẩm.

Sáng, trưa, chiều, qua khe cửa mở hé, hình ảnh những phụ nữ Cil cắm cúi vào khung dệt đã trở nên quen thuộc. Mỗi khi ngồi vào khung cửi cũng chính là lúc họ dệt nên câu chuyện của cuộc đời mình, dệt nên hình hài làng Bơ Nơ C mấy trăm năm hồn hậu mà giản dị, nức tiếng xa gần. 
 
Khó khăn trăm bề
 
Cứ 18 giờ mỗi ngày, chị Cil Mup K’Chem, con gái bà Cil Mup K’Bong, lại lặn lội đến những điểm biểu diễn cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương mời khách mua thổ cẩm. Ngày nhiều, chị bán được dăm ba mảnh vải nhỏ buộc đầu hoặc đeo tay cho khách với giá 15.000 đồng/cái nhưng có ngày chẳng bán được cái nào, quay về mà cái bụng buồn hắt hiu.
 
Chị bảo mấy tấm ui còn khó bán hơn nữa. Thỉnh thoảng, người ngoài thị trấn vào lấy hàng đem bán, được thì họ trả tiền, không được thì trả lại. Mấy tấm ui có đẹp đến đâu cũng nằm buồn trên vách nhà.
 
Đường vào Bơ Nơ C trắc trở khó đi nên hiếm lắm mới có khách du lịch vào tận làng mua thổ cẩm. Không còn cách nào khác, phụ nữ trong làng phải tỏa đến những điểm du lịch bán rong thổ cẩm, bàn chân đi mòn các nẻo đường.
 
Giỏi như chị K’Tuyn, từng được mời biểu diễn ở Hà Nội và đi dạy dệt thổ cẩm, cũng ngày qua ngày lây lất mưu sinh ở khu đồi Mộng Mơ tại Thung lũng Tình yêu. Hàng chục hộ dân bám đỉnh Lang Biang, vừa dệt vừa bán, khó khăn trăm bề. Ai cũng buồn vì sản phẩm của làng dệt nổi tiếng mấy trăm năm mà chỉ đứng bên lề, thuộc hàng bán dạo, còn bên trong những gian hàng lưu niệm đầy rẫy ở các khu du lịch là sản phẩm của vùng khác.
 
Ông Da Gout Nam, Chủ tịch UBND xã Lát,  huyện Đơn Dương, lắc đầu: “Không ai đứng ra thu mua sản phẩm giúp bà con bỏ mối cho các điểm bán hàng lưu niệm. Dân làng Bơ Nơ C say mê dệt thổ cẩm lắm nhưng đầu ra không có”.
 
Ông Nam cho biết Bơ Nơ C là một trong hai làng nghề truyền thống lâu đời ở Lâm Đồng và nằm trong quy hoạch du lịch làng nghề từ năm 2006. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra 400 triệu đồng để xây dựng và tập hợp bà con vào xưởng dệt ở trung tâm làng, tỉnh không có định hướng để “đẩy” thổ cẩm của Bơ Nơ C ra thị trường, đến tay du khách. Thổ cẩm làm ra treo đầy trong xưởng dệt mà không có khách vào mua nên bà con bỏ về nhà, tự làm, tự bán.
 
Làng nghề du lịch nhưng cái tên Bơ Nơ C luôn nằm ngoài “quy hoạch” của các công ty du lịch. Ông Nam cho biết từ đó đến nay, không có công ty du lịch nào đến liên hệ mở tour dẫn khách vào tham quan, chủ yếu du khách tìm hiểu rồi tự đến thăm làng. Thế nên, thổ cẩm Bơ Nơ C mang trên mình thương hiệu mấy trăm năm cũng đành chịu chết!
 
Bây giờ, trong tầm tay, ông Nam chỉ có thể tính chuyện mở các lớp dạy cách làm hoa văn cho chị em để thổ cẩm nhiều màu sắc, mẫu mã đa dạng hơn, từng bước lấy lại thị trường và không bị hàng ở vùng khác hất chân. Có một điều đáng quý mà tôi nhận thấy rõ là từ lãnh đạo địa phương đến người dân làng Bơ Nơ C đều muốn giữ gìn nghề truyền thống dệt thổ cẩm bằng tay, dù hiện nhiều nơi đã dùng sợi nhân tạo chứ không dùng sợi bông tự nhuộm như trước nữa.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo