xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nơi đảo xa các anh nằm lại

Hoàng Minh Thái

Ở các điểm đảo, chúng tôi luôn gặp hình ảnh các chiến sĩ trẻ tích cực luyện tập, nắm chắc tay súng canh giữ biển đảo như biểu tượng về sự kiên cường, chấp nhận hy sinh, gian khó

Sáng sớm một ngày cuối tháng 5, từ Quân cảng Cát Lái (TP HCM), chúng tôi lên tàu bắt đầu hải trình đến với Trường Sa.

Kiên cường giữa trùng khơi

Tàu kéo 3 hồi còi tạm biệt đất liền. Giây phút ấy vỡ òa trong tôi niềm hạnh phúc với cảm xúc thăng hoa lạ lùng. Đoàn công tác chúng tôi sẽ bắt đầu một hải trình với biết bao trải nghiệm mà nhiều người ước ao nhưng không dễ có được, có khi trong suốt cuộc đời.

Càng xa đất liền, nước biển càng sậm màu. Màu xanh kết tinh đậm đặc nắng gió biển khơi như màu áo lính hải quân.

Tôi nhớ mãi cảm giác bồng bềnh trên con tàu giữa trùng khơi. Sóng lắc lư, dịu dàng, rất thích. Tối tối, chúng tôi lên boong ngắm biển mênh mông, sao trời xa tít tắp... Thế nhưng, cảm giác thư thái an nhàn trên tàu gần như khựng lại, nhường cho sự thán phục, ngưỡng mộ, tự hào cùng với lòng thương yêu của chúng tôi khi đặt chân vào các điểm đảo. Ở đó, các cán bộ, chiến sĩ dạn dày nắng gió, da đen nhẻm, người săn chắc, cương nghị, cứng cáp, đúng tạng những người ở đầu sóng ngọn gió.

Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 1.

Đến với đảo Đá Lát Ảnh: MINH THÁI

Ngồi với Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, anh chia sẻ: "Bộ đội giờ ăn no, được chăm lo nhiều mặt để đủ sức tham gia xây dựng đảo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững chủ quyền biển đảo... Ngày trước, cả hải đội chỉ có 3-4 con tàu bé tí. Thực hiện nhiệm vụ, anh em vẫn cứ phải kiên trì bám biển. Mùa biển động, sóng to, gió lớn, nhiều hôm phải bò ra sàn tàu, núp dưới tấm bạt để ăn cho xong bữa. Làm lính đồng nghĩa với gian khổ, hy sinh nhưng lính hải quân, lính biển có thể nói gian khổ, hy sinh bội phần".

Trên tàu, tôi được nghe những câu chuyện về biệt danh "sói biển" của đại tá Phạm Quang Liêm, chỉ huy trưởng hành quân của hải trình này. Người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm này từng đi cùng các đội công binh vác đá, cát, xi măng làm nhiệm vụ xây dựng công trình ở các đảo chìm. Tướng đi, dáng đứng ngang phè của anh hình thành từ những tháng ngày đi biển và có phần do ảnh hưởng của những vết thương trong thời gian làm nhiệm vụ dọc ngang ở các đảo chìm khi ấy.

Ở đảo Trường Sa Lớn, tôi gặp chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu, là lính nhập ngũ năm 2016, ra đảo vừa tròn 7 tháng. Nhà Hiếu ở quận 1, TP HCM. So với tuổi 18, nhìn Hiếu rắn rỏi, chững chạc hẳn. Hiếu chân tình: "Tụi em tự hào được góp sức trẻ của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hết hạn phục vụ, em sẽ về học tiếp, lo cho ba mẹ và gia đình riêng trong tương lai".

Suốt hải trình, ở các điểm đảo mà đoàn ghé thăm, chúng tôi luôn gặp hình ảnh các chiến sĩ trẻ như Hiếu. Họ tích cực luyện tập, nắm chắc tay súng canh giữ biển đảo. Những hình ảnh ấy đọng lại trong tôi như là biểu tượng về sự kiên cường, chấp nhận hy sinh, gian khó của những người lính trẻ hôm nay.

Đầy tự hào, biết ơn

Trước lúc ra Trường Sa, chúng tôi dặn lòng thế nào cũng tìm đến viếng mộ liệt sĩ trên các đảo. Ở đảo Trường Sa Lớn, nghe kể về 2 ngôi mộ liệt sĩ nằm kề nhau tại rẻo đất cuối đường băng nhìn ra hướng biển, tôi và mấy anh bạn trong đoàn liền tìm đến.

Đứng trước mộ anh Hoàng Văn Nghĩa (sinh ngày 3-7-1986, hy sinh ngày 29-3-2010; quê quán ở xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), tình cờ chúng tôi được biết anh là liệt sĩ dân sự với chức trách lúc hy sinh là quan trắc viên của trạm khí tượng thủy văn trên đảo Trường Sa Lớn.

Đồng đội của anh Nghĩa kể đêm đó biển động, sóng to. Nhận nhiệm vụ đo đếm các thông số quan trắc, Nghĩa ra khu cầu cảng thu thập số liệu mực nước và cấp sóng. Lâu không thấy Nghĩa về, anh em hốt hoảng ra cầu cảng tìm mãi mới thấy anh nằm dưới lớp san hô. Từ lúc hy sinh đến nay đã hơn 7 năm, anh vẫn nằm lại nơi Trường Sa gió cát.

Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 2.

Thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Ngô Quyết Thắng trên đảo Trường Sa Đông Ảnh: ĐẮC LAM

Lên Trường Sa Đông, chúng tôi thắp hương trước mộ anh Ngô Quyết Thắng. Trên bia mộ ghi anh sinh ngày 28-11-1988, hy sinh ngày 28-4-2014. Quê Thắng ở tận Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, khi hy sinh là thiếu úy chuyên nghiệp, làm cán bộ quản lý ở đảo Đá Tây A. Thắng được đưa về an táng trên đảo Trường Sa Đông, đồng đội chưa có điều kiện đưa anh về quê nhà.

Gần cuối chuyến công tác, các thành viên đoàn chúng tôi ai cũng xúc động trào nước mắt khi nghe nhắc đến những tấm gương quên mình tại lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, trên biển đảo Trường Sa.

Trong khói hương trầm mặc, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho giọng trầm buồn nhưng đầy tự hào: "Nhiều người trong số các liệt sĩ hy sinh khi tuổi quân và tuổi đời còn rất trẻ và chưa có vợ con, thậm chí người yêu. Một số liệt sĩ, hài cốt đã được đưa về đất liền với gia đình. Một số liệt sĩ khác vẫn còn nằm lại trên các đảo nổi cùng đồng đội. Có liệt sĩ đang nằm dưới lòng biển sâu cùng cha, anh hy sinh trong cuộc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma vào tháng 3-1988".

Chúng tôi hiểu biển đảo nơi đây thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ trong quá trình ngàn năm giữ nước và hiện tại, các anh em, các cháu đang tiếp bước.

Ấm tình hải đảo - đất liền

Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là đảo chìm Đá Lát. Do là điểm đảo đầu tiên được ghé thăm, làm việc nên các thành viên trong đoàn đa phần mới ra Trường Sa lần đầu ai cũng háo hức. Đảo nhìn từ xa như một chấm nhỏ rồi từ từ hiện ra hình hài một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cột cờ oai nghiêm với quốc kỳ tung bay phần phật giữa bốn bề sóng nước. Bia chủ quyền vững chãi. Chốt tiền tiêu bảo vệ chủ quyền đất nước là đây. Những người con kiên dũng ngày đêm canh giữ biển đảo là đây.

Ở các điểm đảo khác cũng vậy, đón chúng tôi là những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm hôn thắm thiết từ cán bộ, chiến sĩ. Sau lời thăm hỏi, động viên, chúng tôi tản ra. Nhóm đi qua nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của bộ đội; vài người xuống bếp xem thực phẩm dự trữ, tủ thuốc quân y; có nhóm háo hức ra chụp ảnh vườn rau cải thiện, ngắm đàn gà, đàn vịt biển và làm quen mấy chú khuyển trên đảo. Các bạn trong tổ công tác của Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) và Nhà hát Kịch Thái Bình nhanh chóng tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ dã chiến trên đảo. Tất cả nắm tay nhau, cùng hát say sưa những bài ca về quê hương, đất nước, khát vọng tuổi trẻ…

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 5. Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 5. Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 5. Nơi đảo xa các anh nằm lại - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo