xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người làm báo cừ khôi

Trần Bạch Đằng

Anh Nguyễn Văn Kỉnh ít viết song theo dõi báo chí rất kỹ, góp ý với tôi thường xuyên

... Là một cán bộ hoạt động sau, tôi nghe nói đến nhiều tên tuổi trong phong trào Mặt trận Bình dân. Một trong những tên tuổi tôi thường nghe mọi người nhắc là Nguyễn Văn Kỉnh, quản lý tờ Dân Chúng vào thời đó.

Thời Pháp, nhân vật quan trọng nhất của một tờ báo với chính quyền là quản lý (gérant), người đứng tên xin ra báo và mỗi khi báo gặp rắc rối về pháp lý thì “đứng mũi chịu sào” - bị phạt vạ, bị truy tố, bị tù. Nguyễn Văn Kỉnh quản lý nhiều tờ báo công khai của Đảng - anh là một trí thức (điều kiện cho phép đứng tên ra báo của chính quyền thực dân) và là một người có Pháp tịch.

Bàn chuyện ra báo

Khoảng tháng 5-1945, anh Nguyễn Oanh, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, gặp tôi - anh là thủ trưởng của tôi - bảo đến tiệm Thừa Thiên ở góc đường Sabouran và Philippini - nay là góc đường Pasteur và Nguyễn An Ninh - đối diện với nhà hàng Thanh Thế. Anh Nguyễn Oanh truyền đạt: Anh Kỉnh được Xứ ủy phân công làm Bí thư Thành ủy thay anh và từ đây, anh Kỉnh là cấp trên của tôi.

Lãnh đạo TP HCM thăm hỏi bà Mạc Thị Kim Cúc, phu nhân của ông Nguyễn Văn Kỉnh Ảnh: Phan Anh
Lãnh đạo TP HCM thăm hỏi bà Mạc Thị Kim Cúc, phu nhân của ông Nguyễn Văn Kỉnh Ảnh: Phan Anh

Anh Kỉnh tiếp tôi ở tầng trên, trong căn phòng nhỏ có kê một bàn viết và đặt một ghế bố. “Tôi bàn với chú mày chuyện ra báo…” - anh đi vào công việc.

“Ra báo tuần hay báo ngày?” - tôi hỏi. “Báo ngày. Có thể tái bản tờ Dân Chúng không?”. Tất nhiên, tôi không trả lời được vì chưa bao giờ biết làm báo.

“Phía các anh Huỳnh Văn Tiểng đang sửa soạn ra tờ Tiến, có anh Huỳnh Tấn Phát chịu trách nhiệm. Còn chú mày làm một tờ báo của Thành ủy. Nội dung của tờ báo là như vậy, danh nghĩa thì bây giờ chưa cần giới thiệu. Thời cuộc này có thể ra được báo không cần thủ tục nhưng viết lách cũng phải khéo, nếu không - anh cười - thì hiến binh Nhật sẽ “hỏi thăm sức khỏe” chú mày!”.

Anh nói thêm: “Tôi và một số anh em nữa sẽ chia nhau viết bài cho chú, chuyện của chú là làm tin cho báo. Chú ý đưa tin nhiều về phong trào thanh niên, về các cuộc lửa trại, về học sinh trong nhóm SET, về Thanh niên Tiền phong, về Nghiệp đoàn miền Nam. Anh Phú Hữu sẽ lo chuyện in ấn… Tôi chọn chú vì anh Oanh nói chú có khiếu viết lách và cũng vì chú có quan hệ với anh Phú Hữu, lại hoạt động trong nghiệp đoàn, cũng có biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát nữa. Như vậy là rất tiện. Tòa soạn có thể đặt tại PAC (tờ báo Tin vắn Nam Bộ, chuyên quảng cáo)”.

Tôi nhận chỉ thị của thủ trưởng mới và tính toán thực hiện. Nhưng chỉ vài hôm sau, anh lại gặp tôi, lần này ở quán cơm thất nghiệp trên đường Nancy và bảo: “Tình hình khẩn trương lắm rồi, chú mày không làm báo nữa mà lo việc mở rộng nghiệp đoàn”.

“Ráng mà viết cho đúng”

… Sau thời gian học Trường Trường Chinh (khóa 3), tôi dự cuộc họp của Trung ương Cục bàn về công tác kiểm tra tỉnh Rạch Giá và được anh Phạm Hùng chỉ định làm phó đoàn, trưởng đoàn là anh Lê Toàn Thư. Đang cùng đoàn thảo luận kế hoạch đi kiểm tra, anh Kỉnh gọi tôi sang chỗ anh, thông báo: Đoàn kiểm tra chỉ hoạt động mấy tháng thôi, Trung ương Cục đã nghị quyết tôi làm Phó Ban Tuyên huấn kiêm chủ bút tờ Nhân Dân Miền Nam thay anh Lưu Quý Kỳ.

Thấy tôi bỡ ngỡ, anh Kỉnh nói: “Chú mày thu xếp công việc bên Xứ đoàn, lo việc kiểm tra và tiếp nhận liền Báo Nhân Dân Miền Nam. Đây là nghị quyết của Trung ương Cục, chút nữa, ông Sáu Búa gặp chú mày”. Sáu Búa là “bí danh” của anh Lê Đức Thọ do chúng tôi lén anh ấy mà gọi vì anh “đập” các sai sót của cán bộ dữ lắm.

Mọi việc rồi cũng ổn. Sau chuyến đi kiểm tra, tôi lo chính Báo Nhân Dân Miền Nam. Theo chỉ thị của anh Kỉnh, tôi phụ trách thêm Nhà Xuất bản Nhân Dân Miền Nam, báo tháng Tiểu thuyết nhân dân và tập san Việt - Xô ra định kỳ. Văn phòng Trung ương Cục, theo chỉ thị của các anh, lo đầy đủ các phương tiện để tôi thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, thường lưu động. Về mặt này, anh Kỉnh hết lòng yểm trợ cho - tôi được cả một bộ phận điện đài riêng, lưu động theo tôi.

Anh Kỉnh là tổng chủ nhiệm các cơ quan báo chí vừa nói - sau này, Báo Cứu Quốc của Liên Việt cũng vào nhóm chúng tôi. Anh ít viết song theo dõi báo chí rất kỹ, góp ý với tôi thường xuyên. Dù là Thường trực Trung ương Cục, anh ít vắng mặt các buổi họp của Ban Tuyên huấn, phát biểu ngắn song súc tích, như tính ít nói của anh.

Một lần, anh chỉ cho tôi một bài phóng sự của một phóng viên đăng trên Nhân Dân Miền Nam nói về “phát thế” - lối phát cỏ cải tiến tăng năng suất. Anh bảo: “Nói vừa vừa thôi, nói quá sau này mất công đính chính. Ráng mà viết cho thật. Dân mình còn khổ, giặc giã chưa yên, báo nên nói về cái nghèo, cái mất mát, vì thời kháng chiến còn dài, phải động viên bà con tin tưởng thắng lợi, song cũng đừng nhẹ tay với cán bộ chỗ này chỗ khác còn phách lối, hà hiếp dân, ăn nhậu lu bù. Tại sao báo của chú không mở mục “Ý kiến bạn đọc”? Nếu cái gì cũng tốt hết thì đâu cần báo của chú!”.

Một lần khác, khi số cán bộ của ta học lóm cách chỉnh huấn gọi là của Hoa Nam (theo cách Trung Quốc), tổ chức kiểm điểm cán bộ - vặn đèn lu lu, cán bộ tự đấm ngực thùm thụp xưng tội, khóc nức nở…  - anh bảo liền với tôi: “Nè, chú mày đừng đưa cái trò “cà khu” này lên mặt báo”. Cà khu là loại khỉ ở rừng đước Cà Mau. Và anh hội ý với các anh trong Trung ương Cục, ra lệnh chấm dứt kiểu “chỉnh huấn” đó.

Cuối kháng chiến, khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp mở màn, Trung ương Cục phân công anh Kỉnh về Sài Gòn làm Bí thư Đặc khu ủy. Anh lặng lẽ bàn giao công việc, thậm chí chỉ gặp tôi mấy phút, báo là từ nay tôi làm việc với anh Sáu Thọ. Anh cười, bắt tay tôi…

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-2

 

Lãnh đạo TP HCM viếng ông Nguyễn Văn Kỉnh

Sáng 25-2, đoàn lãnh đạo TP HCM đã đến thắp hương tưởng nhớ nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Nguyễn Văn Kỉnh tại nhà riêng của gia đình ở quận 2. Cùng đi với đoàn có nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Kỉnh (28.2.1916 - 28.2.2016). Đoàn đã thắp hương tưởng nhớ và cùng xem phim tư liệu về quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi của ông tại chiến khu, tại TP Sài Gòn - Chợ Lớn và trên đất nước Liên Xô trong thời gian ông đảm nhận vai trò đại sứ.

Hôm nay (26-2), Thành ủy TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”. Tọa đàm nhằm tôn vinh những đóng góp của ông Nguyễn Văn Kỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TP HCM. N.Phan

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo