xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người không mang họ

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Hàng chục ngàn người dân tộc M’nông không ghi họ trong các giấy tờ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý một số vấn đề về tư pháp và quản lý hành chính

Để thực hiện các biện pháp bảo tồn dòng họ M’nông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hành chính, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định 01/2010/UBND về quy định ghi họ dân tộc M’nông. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, trẻ mới sinh cũng không được ghi họ đầy đủ theo quy định.

Ít quan tâm đến họ của mình

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nắm rõ thực trạng, vận động người dân tự nguyện ghi họ. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông đã khảo sát thực tế bằng việc phát phiếu đến từng người M’nông có độ tuổi từ 20 trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở các huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, sau khảo sát đã thu về 4.886 phiếu. Trong đó, 2.270 phiếu trả lời có ghi họ (chiếm 46,5%) và 2.616 phiếu trả lời không có họ, 1.041 phiếu cho biết không nhớ họ và 1.297 phiếu nêu lý do cha mẹ không đặt, 279 phiếu khẳng định bản thân không quan tâm đến họ. Qua khảo sát cũng cho thấy tên của người M’nông chủ yếu được đặt theo sự vật, hiện tượng, con vật, địa danh, tên “bon” chiếm gần 90%.

Cách thức đặt họ của người M’nông hiện nay chủ yếu dựa vào thói quen và theo nhiều cách thức. Thứ nhất, thông qua kể chuyện gia phả nhưng hiện nay, việc kể chuyện gia phả còn rất ít, một số bon không có người nào biết kể. Thứ hai, kế thừa họ theo họ của mẹ (đây là phong tục đặc trưng trong việc đặt họ cho con của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ).

Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông cho biết những vấn đề nêu trên đã gây ra tình trạng có rất nhiều người khác nhau về huyết thống nhưng giống nhau về tên và tên đệm (nhiều người nhầm tưởng là họ). Trong khi nhiều người cùng huyết thống nhưng khác nhau về tên và tên đệm. Đáng nói là nhu cầu ghi họ của người M’nông cũng rất thấp trong số các trường hợp được khảo sát. Do đó, công tác khôi phục, lưu giữ, ghi lại họ của người M’nông gặp khó khăn.


Những sinh hoạt văn hóa như thế này của người M’nông ở tỉnh Đắk Nông ít được duy trì thường xuyên

Những sinh hoạt văn hóa như thế này của người M’nông ở tỉnh Đắk Nông ít được duy trì thường xuyên

Cũng theo Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, trong năm 2016, sở này đã lấy kết quả việc ghi họ đối với trẻ sơ sinh triển khai tại các huyện có đông đồng bào dân tộc M’nông sinh sống. Tại huyện Đắk R’lấp có 1.009 trường hợp được khai sinh thì chỉ có 2 trường hợp trẻ được ghi họ. Tại thị xã Gia Nghĩa cũng chỉ có 43 trẻ có ghi họ trong số 130 trẻ sơ sinh.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng không có họ là do hiện nay phần lớn người M’nông không mấy quan tâm đến họ của mình. Bên cạnh đó, sự mơ hồ trong nhận thức về dòng họ, vai trò truyền khẩu qua việc kể chuyện gia phả của già làng, trưởng tộc bị giảm sút và hầu như họ không còn lưu giữ qua nhiều thế hệ. Việc kết hôn giữa các dân tộc khác nhau hiện nay cho thấy vấn đề đặt họ cho con của người M’nông chưa thống nhất, có nhiều trường hợp nhầm lẫn, mâu thuẫn, dẫn đến việc xác định họ cho thế hệ được sinh ra sau này trở nên phức tạp và gây ra những rắc rối, nghịch lý. Tình trạng này đang là một vấn đề đáng lo ngại trong việc bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống của người M’nông, làm cho việc xử lý một số vấn đề về tư pháp và quản lý hành chính như hộ khẩu, chứng minh nhân dân gặp khó khăn.

Không dễ đặt họ

Từ thực tế này, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Ban Dân tộc, Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng Đề án triển khai việc xác định họ của người M’nông. Đề án chú trọng đưa ra giải pháp về trình tự, thủ tục pháp lý và lộ trình cụ thể hoàn thành việc ghi dòng họ M’nông cho những người có nhu cầu và điều chỉnh bổ sung tên họ trên các giấy tờ liên quan (như sổ hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân...). Tuy nhiên, đề án cũng dựa trên cơ sở sự đồng thuận, tự nguyện của cá nhân, từng gia đình và dòng họ của người đó nên phần lớn người dân không mặn mà.

Anh Điểu Núi (ngụ xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) cho biết: “Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động tôi bổ sung họ trong các giấy tờ. Tuy nhiên, việc thay đổi sẽ mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục vì hiện nay, bản thân tôi đã có khoảng 7 loại giấy tờ mang tên Điểu Núi. Tôi sẽ đồng tình nếu cơ quan chức năng làm tất cả thủ tục từ việc xác định lại dòng họ, đổi họ đồng bộ tất cả giấy tờ rồi mang về trả lại cho chúng tôi”.

Trong khi đó, ông Điểu Bằng, ngụ cùng xã này, lại cho biết không quan tâm vì cho rằng họ đã được cha ông đặt từ trước và không ảnh hưởng gì đến quyền lợi. Việc thay đổi họ của một người sẽ kéo theo thay đổi giấy tờ của các thành viên trong gia đình và dòng họ nên rất phức tạp.

Nảy sinh những vấn đề phức tạp

Ông Trần Thanh Long, Phó Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 60.000 người dân tộc M’nông.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông ghi nhận phần lớn trong số đó không có họ và trùng tên rất nhiều. Việc đặt tên theo sự vật, hiện tượng khiến nhiều cụm dân cư nhỏ có hàng chục người trùng tên. Thực tế hiện nay, đồng bào dân tộc M’nông ở Đắk Nông không ghi họ của mình trong các văn bản, giấy tờ liên quan mà chỉ ghi tên riêng và tên đệm nên chỉ có giá trị xác định giới tính. Thế nhưng, không ít người M’nông cho rằng không cần thiết phải ghi họ khác hay có người còn nhầm tưởng những tên đệm như điểu, y, h’, k, thị cũng giống như là họ hoặc có thể thay thế họ.

Cũng theo ông Long, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do có sự mai một về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán. Trong đó, có sự mai một về tập quán làm gia phả, tập quán kể chuyện gia phả và một số sinh hoạt dòng họ.

Hiện nay, thế hệ các già làng, trưởng tộc, nghệ nhân M’nông còn thuộc và biết kể chuyện gia phả còn lại rất ít. Mặt khác, khi chuyển sang xã hội hiện đại, trong quản lý hành chính chúng ta chưa có điều kiện, chưa hiểu đúng hoặc chưa chú ý đúng mức tới việc ghi họ của đồng bào dân tộc M’nông. Không ghi họ và việc duy trì sinh hoạt dòng họ lỏng lẻo nên trong quan hệ hôn nhân có thể nảy sinh những vấn đề phức tạp. Nếu không sớm tiến hành sưu tầm gia phả thì chắc chắn không bao lâu nữa các gia phả dòng họ M’nông sẽ mất và đến lúc đó, việc xác định dòng họ càng thêm khó khăn.

“Việc thực hiện ghi họ của người M’nông cũng gặp rất nhiều khó khăn do luật chỉ quy định thay tên đổi họ chứ không quy định việc ghi họ mới, không có chế tài xử lý các trường hợp khai sinh không ghi họ. Do đó, chúng tôi chỉ vận động, khuyến khích những người trẻ tuổi, người mới sinh ghi họ đầy đủ. Với những người lớn tuổi, có đầy đủ các loại giấy tờ thì rất khó thực hiện” - ông Long cho biết thêm.

Ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, cho biết việc bổ sung họ cho người dân tộc M’nông sẽ dẫn đến việc thay đổi các giấy tờ tùy thân, bằng cấp…, nên người dân còn e ngại. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông đã xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nam “điểu”, nữ “thị”

Theo ông Vũ Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín, toàn xã hiện có 4 bon với khoảng 3.000 nhân khẩu người dân tộc M’nông. Ở đây, nếu là nam thì toàn bộ có chữ “điểu” phía trước, nữ thì có chữ “thị”. Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo nhiều năm trước, địa phương cũng đã tuyên truyền vận động nhưng người dân không thực hiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo