xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngổn ngang KCN Biên Hòa 1

Bài và ảnh: Xuân Hoàng

Ra đời cách đây hơn 50 năm, Biên Hòa 1 được xem là đã hoàn thành sứ mệnh song kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng do tỉnh Đồng Nai đưa ra và đã được Chính phủ phê duyệt nhiều năm nay vẫn chưa thể thực hiện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng để xem xét các vấn đề xung quanh việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch di dời KCN lâu đời nhất Việt Nam này dự tính bắt đầu thực hiện từ năm 2011 nhưng 3 năm nay vẫn giậm chân tại chỗ, một phần do các doanh nghiệp (DN) chần chừ vì đối mặt với nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp bất an, công nhân lo lắng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy chỉ có khoảng 15% DN nhất trí với việc di dời KCN Biên Hòa 1. Phần lớn các chủ DN còn lại cho biết đồng ý với chủ trương chung nhưng rốt cuộc vẫn ngán ngại vì cho rằng các chính sách đền bù, hỗ trợ sẽ không đủ để họ tiếp tục hoạt động.

Một góc KCN Biên Hòa 1
Một góc KCN Biên Hòa 1

Khi di dời, các DN phải đối mặt với ngổn ngang khó khăn. Chẳng hạn, Công ty Hóa chất Biên Hòa hiện có 3 nhà máy đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, là DN sản xuất hóa chất nên luôn gặp khó khăn vì bị từ chối khi tìm vị trí mới. Công ty Giấy Cogico bình quân phải sử dụng khoảng 5.000 m3 nước/ngày, từ lâu hoạt động thuận lợi vì nằm gần sông, nay nếu di dời thì rất khó kiếm được nơi thích hợp như ở KCN Biên Hòa 1.

Một lãnh đạo của Công ty CP Nhất Nam (chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu) lại có những băn khoăn khác. “Để không mất khách hàng, DN phải vừa duy trì hoạt động vừa xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc mới trước khoảng 2 năm nên số vốn phải bỏ ra là rất lớn” - ông băn khoăn. Tổng giám đốc một công ty cho biết ngoài khó khăn về vốn vì coi như phải làm lại từ đầu, việc di dời cũng sẽ ảnh hướng đến chuyện tìm kiếm, sử dụng nhân công. “Một số DN sử dụng công nhân có tay nghề bậc cao, khi chuyển đến vị trí quá xa sẽ dẫn đến rơi rớt nguồn nhân công từ lâu đã làm việc ổn định” - ông lý giải.

Phần lớn DN khẳng định khi các tài sản cố định khấu hao xong thì giá trị tài sản còn lại không đáng kể. Tuy nhiên, các khoản bồi thường, hỗ trợ di dời sẽ không đủ để xây dựng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị máy móc mới. Một số DN lại lo lắng khi thực hiện di dời, công việc sản xuất sẽ dừng trong một thời gian dẫn đến không có sản phẩm ra thị trường và mất đối tác, mất thị phần.

Không chỉ các chủ DN âu lo, hiện hơn 26.000 lao động tại KCN Biên Hòa 1 cũng đang trong tình trạng thấp thỏm. “Tôi làm việc ổn định đã hơn 10 năm nay, nếu sắp tới công ty di dời thì công việc của tôi gián đoạn trong thời gian dài, chưa biết cuộc sống sẽ thế nào nữa…” - một nam công nhân đang làm việc tại Công ty CP Đường Biên Hòa rầu rĩ.

Tìm phương án hợp lý

Dự án di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 với nguồn vốn hơn 17.000 tỉ đồng do Tổng Công ty Phát triển KCN Đồng Nai thực hiện. Theo kế hoạch, việc di dời sẽ được tiến hành song song với xây dựng khu đô thị, thương mại mới trên nền đất cũ, chia thành 3 giai đoạn từ năm 2011 đến 2022.

Tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng tại KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), hơn 100 DN tại KCN Biên Hòa 1 có nhu cầu sẽ được chuyển về đây để tiếp tục hoạt động. Để các DN yên tâm, Đồng Nai đã dành gần 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ di dời, trả tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng...

Dù tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhưng khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ. Cuối năm 2013, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc tại Đồng Nai và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Theo đó, đây là dự án tầm quốc gia, cần có cơ chế đặc biệt và lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến hơn 100 DN, 26.000 lao động và cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị có thêm các chế độ hỗ trợ DN như miễn, giảm thuế thu nhập có thời hạn, miễn thuế nhập khẩu với máy móc, thiết bị đầu tư cho nhà máy, cho vay vốn ưu đãi… Đại diện các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng đã đồng ý tìm kiếm giải pháp hỗ trợ DN tại KCN Biên Hòa 1 vượt qua khó khăn.

Tại cuộc họp nêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lưu ý Đồng Nai cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách thuế, tín dụng đối với DN di dời khỏi KCN Biên Hòa 1. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành liên quan để bảo đảm lộ trình khả thi đối với việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.

“Tỉnh cũng đã giao chủ đầu tư phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đồng thời sẽ áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ khi đền bù, hỗ trợ…” - ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định.

Nhiều khu đô thị sẽ mọc lên

KCN Biên Hòa 1 trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị hiện đại với các trung tâm tài chính, cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp, biệt thự sân vườn, trường ĐH... Bên cạnh đó, dọc theo trục sông Đồng Nai, một chuỗi đô thị đa trung tâm cũng sẽ hình thành, trong đó có các dự án tạo nên những điểm nhấn như đường ven sông Cái, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo