xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Neo giữ hương trà

Phạm Khiêm Trai

Không ồn ào, chỉ khiêm tốn nhận những lời nhận xét của bạn trà, cái tên Tĩnh Vân Hiên không biết tự bao giờ đã thành một địa chỉ thú vị của tao nhân mặc khách khi đến thủ đô

Hà Nội vào những ngày cuối xuân sang hạ. Chùng chình mãi giữa cảm giác se se và hơi nóng ẩm bắt đầu bốc lên cuốn theo những chiếc lá vàng của hàng cây mùa thay da đổi thịt. Tầm này, đợt trà xuân cuối cùng trở thành một thức quà quý giá. Tôi như kẻ say tìm vàng, đến Tĩnh Vân Hiên chỉ vì mong muốn được uống mẻ trà đó.

Háo hức những điều mới lạ

May mắn thay, giữa thủ đô ồn ào vẫn còn một nơi để nhấp chén trà thơm, an ổn lại cõi lòng đầy giông bão. Nằm thu mình trong một khu chung cư cũ còn sót lại của thế kỷ trước, ngoài kia là con đường dài đầy những xe cộ chen chúc, những kiến trúc hiện đại cao tầng chiếm trọn không gian, Tĩnh Vân Hiên dường như hài lòng với sự yên tĩnh mà mình có được, cứ vậy đứng chờ khách. Du khách đến Hà Nội bây giờ, muốn thưởng lãm trà ở Tĩnh Vân Hiên cũng chỉ cần lên mạng.

Tôi quen chị Vũ Thiên Tân khi cả hai đang gặp nhiều biến cố, để rồi trở thành bạn vong niên lúc nào không hay.

Bước vào Tĩnh Vân Hiên, trà hương thoang thoảng, đôi lúc pha lẫn hương ngọc lan, hoàng lan ùa vào lồng ngực. Trước mắt là bức thư pháp của học giả trẻ Trần Quang Đức, viết đôi câu thơ của Nguyễn Trãi: "Hà thời kết ốc phong vân hạ/Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên" (Biết thời nao dưới mây dựng lán/Đun nước suối trong gối lên đá ngủ vùi). Trên chiếc kệ đầy ấm đất, ấm sứ, chén tống, chén quân, có chiếc xuất xứ từ tay của các nghệ nhân Bát Tràng, có chiếc thuộc về đất nước Nhật Bản xa xôi. Cùng với chủ nhân của Tĩnh Vân Hiên, thảy đều đang mời chào khách tới.

Neo giữ hương trà - Ảnh 1.

Du khách nghe giới thiệu về hương trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi cất đồ đạc và ngồi xuống. Chị vào bếp đun nước rồi nhanh chóng trở ra trò chuyện về những chuyến đi lên núi Tà Xùa (ranh giới giữa 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La). Chị kể mình đã đến nhà anh Giàng A Khư, chủ nhân của nương trà cung cấp nguyên liệu cho Tĩnh Vân Hiên, sống ở rồi lên núi hái trà và mang về sao.

Siêu nước trong bếp đã sôi, chị mang ra rót vào chiếc ấm đất, tráng qua một lượt. Vừa đổ nước thừa vào bát đựng bã, chị vừa nói:

- "Khi sao chè ở trên nhà anh Giàng A Khư, để tường tận trà, tôi đã cho cả hai tay vào chảo nóng để biết trà đã lên hương thế nào. Trà ngon nhưng đôi tay cũng theo đó mà rộp đỏ vì sức lửa. Ban đầu bỏng rát nhưng sau quen dần. Uống trà do chính tay mình làm cũng ngon hơn hẳn. Nếu em được trải nghiệm cảm giác những lá trà tươi mềm đi, se dần trong tay thì sẽ biết vì sao chị nâng niu hương trà đến vậy".

Tôi đã tìm được tình yêu của chị với trà qua đôi mắt. Đôi mắt nổi bật hẳn trên khuôn mặt gầy gò vì chủ nhân của nó thường làm việc đến tận khuya: to và sáng lấp lánh. Đôi khi tôi thấy chị như đứa trẻ, háo hức với những điều mới lạ trên con đường mà mình đã chọn. Cho dù con đường nhiều chông gai, những thứ thu về để duy trì sinh hoạt của hai mẹ con chẳng nhiều nhặn nhưng chị đã hài lòng về nó. Chị bảo cái thu được lớn nhất là duyên với những người thưởng trà.

Kết duyên cho trà

Là người ham tìm tòi thể nghiệm, chị kết duyên cho hoa và trà. Ngoài nhài, bưởi, ngọc lan thường thấy, chị ướp trà với cả hoàng lan, vỏ cam, lavender, thảy đều tạo ra những sản phẩm mới lạ mà đẹp đẽ.

Neo giữ hương trà - Ảnh 2.

Sao trà

Theo lẽ thường, một bộ trà cụ gồm ấm trà, chén tống, chén quân, cơi trà, đồ lọc trà, khăn trà. Ấy là điều kiện đầu tiên. Tiếp theo là nước để pha trà. Theo sách cổ, nước tốt nhất để pha trà là sương đọng trên lá cây ban mai. Có người còn cầu kỳ tới mức theo mùa (xuân - hạ - thu - đông) trữ sương để dùng theo từng loại trà riêng biệt. Cuối cùng là trà, nhưng đôi khi chỉ là thứ yếu. Bởi, nếu trà ngon mà chất lượng nước không tốt thì thành phẩm thu được cũng kém vị rất nhiều. Thảy đều phụ thuộc vào nước. Nhưng ở thành phố, nước máy khử bằng clo nên trà pha ra thường nồng, khét. Chị Tân chỉ dùng nước đã lọc không có clo, nước giếng, nước suối hoặc nước tinh khiết đóng chai để pha. Vì thế, trà giữ được vị.

Ai ưa trà hương sẽ chọn trà ướp nhài, hoàng lan, sen, bưởi; ai chỉ thích trà mộc sẽ chọn Vị Thủy, Tà Xùa.

Vận hội vươn xa

Nhìn cách chị ướp trà cho khách, tôi hiểu hành trình làm trà không hề nhẹ nhàng. Từ công đoạn thu hái, sao khô cho tới tuyển lựa, vận chuyển đều cần kỹ lưỡng, tâm nguyện và cả sức khỏe, tính cần cù, nhẫn nại. Bởi vậy, cho đến giờ người phụ nữ với thân hình bé nhỏ này vẫn đảm nhiệm gần như tất thảy chứ chưa dám giao việc cho ai.

Nhấm nháp chén Vị Thủy Tĩnh Vân Hiên, tôi chợt nhớ câu nói trong một bộ phim Nhật Bản về ẩm thực truyền thống: "Chúng ta không thể ngăn cản việc các giá trị cổ điển biến mất, nhưng chúng ta có thể cố gắng tiếp nối và truyền lại cho thế hệ sau những giá trị đó".

Neo giữ hương trà - Ảnh 3.

Chị Vũ Thiên Tân biễu diễn pha trà tại sự kiện "Thu hội ngộ"

Không ồn ào, chỉ khiêm tốn nhận những lời nhận xét của bạn trà, khách trà, cố gắng cải tiến trà mộc vốn tồn tại trong văn hóa trà Việt hàng ngàn năm nhưng như dòng suối nhỏ nhẫn nại nhận những dòng nước nhỏ từ các lạch, ngòi, cơn mưa để trở thành sông và đổ ra biển, cái tên Tĩnh Vân Hiên không biết tự bao giờ đã trở thành một địa chỉ thú vị của tao nhân mặc khách khi đến thủ đô.

Khách cũ giới thiệu cho khách mới, dần tạo thành một vòng bạn hữu uống trà với số lượng ngày một đông. Tiếp đó nữa là những buổi triển lãm, tọa đàm về gốm - trà và văn hóa. Gần đây nhất, trà của Tĩnh Vân Hiên đã níu chân các nghệ nhân làm wagashi (một loại bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản) trong sự kiện "Thu hội ngộ" do Wagashi House tổ chức. Tuy mới là một tín hiệu nhỏ nhưng dựa vào chất trà tinh túy cùng với sự tận tâm, trà của Vũ Thiên Tân đang có vận hội vươn xa ra khỏi biên giới đất nước.

Đi vào đời sống tự bao giờ chẳng hay

Có truyền thuyết về cây trà là năm xưa, khi Thần Nông đang ngồi nghỉ dưới gốc cây lạ, bỗng có cơn gió cuốn theo mấy chiếc lá của nó rơi vào ấm nước đang sôi của ông, nước ngả màu xanh và tỏa hương thơm nhè nhẹ, uống vào có cảm giác thanh tịnh khoan khoái. Còn có một truyền thuyết khác, rằng khi đang hành thiền để không ngủ quên, một vị tổ sư đã cắt đứt hai mí mắt vứt xuống đất, chỗ đó mọc lên hai gốc trà. Trà - Thiền - Phật từ đó thành 3 mối gắn kết gặp nhau trong nhiều huyền thoại, đi vào đời sống dân gian tự bao giờ chẳng hay.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Neo giữ hương trà - Ảnh 5. Neo giữ hương trà - Ảnh 5. Neo giữ hương trà - Ảnh 5. Neo giữ hương trà - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo