xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm sau, tụi nó ra trường...

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Trong khi ở các đô thị lớn, những người con ly hương đón Tết trong nỗi nhớ nhà thì tại vùng quê, nhiều bậc sinh thành vẫn không nguôi niềm hy vọng con cái sẽ sớm học thành tài để có một tương lai tươi sáng hơn

Trong không khí  rộn ràng của mùa Xuân, chúng tôi trở lại những vùng quê nghèo khó ở các tỉnh miền Trung, nơi vừa trải qua trận lụt lịch sử. Đa phần người dân đã gượng dậy, dần khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống nhưng ở không ít gia đình, Tết dường như vẫn chưa vào được đến nhà. Những căn nhà xiêu vẹo thêm hiu quạnh vì vắng bóng con cái.

Tết, chỉ có nước trắng...

Nhà bà Nguyễn Thị Nhất (76 tuổi) nằm sát một ngọn đồi ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi dịp Tết nhất mà vẫn như ngày thường. Trong căn nhà lụp xụp, bùn đất sau trận lũ lớn vẫn còn in hằn trên bờ tường, bàn ghế. Nhìn vào là biết căn nhà thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dọn dẹp của những đứa con.

Bà Nguyễn Thị Nhất lặng buồn khi nhắc đến người con út phải xa quê trong dịp Tết đến Xuân về
Bà Nguyễn Thị Nhất lặng buồn khi nhắc đến người con út phải xa quê trong dịp Tết đến Xuân về
Bà Nguyễn Thị Ngọc: “Khi các con ra trường, chắc chắc gia đình tôi không còn cảnh đón Tết buồn nữa”
Bà Nguyễn Thị Ngọc: “Khi các con ra trường, chắc chắc gia đình tôi không còn cảnh đón Tết buồn nữa”

Lúc chúng tôi đến (sáng mùng 2 Tết), bà Nhất ngồi thẫn thờ ngoài hè. Vợ chồng bà có 4 con, người lớn nhất nay đã 40 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 24. Ba người con đầu của bà đều đã có gia đình và làm ăn ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, do gia cảnh khó khăn nên 4 năm rồi không có điều kiện về thăm nhà. Người con út thì đang đi học ở TP HCM, cũng đã 2 năm chưa về quê.

“Trước Tết, nó gọi điện về bảo: “Năm nay, con phải ở lại Sài Gòn đi làm kiếm tiền, chuẩn bị cho kỳ học sắp tới. Giữa hè, con tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm sẽ về thăm mẹ”. Nghe vậy, tôi buồn lắm nhưng cũng phải chấp nhận chứ biết làm sao, chỉ khuyên con ở lại cố gắng làm… Tội nghiệp nó, mấy năm đi học toàn tự làm thêm nuôi thân. Không giúp gì được cho con, tôi chỉ ngày đêm cầu nguyện ông bà, tổ tiên phù hộ để nó học giỏi, ra trường kiếm được chỗ làm tốt để có điều kiện về thăm quê nhiều hơn” - bà Nhất thổ lộ.

Ông Trịnh Văn Thanh, chồng bà  Nhất, cũng ra ngồi góp chuyện. Ông kể trước Tết, gia đình đã lo nuôi ít con gà, con heo chuẩn bị cho mấy người con về đón Xuân nhưng cơn lũ đột ngột đi qua đã cuốn trôi sạch. “Giờ đến ký thịt heo cho vợ chồng ăn Tết cũng không có. Ai đến thăm chỉ có nước trắng để mời... Gia đình tôi nghèo khổ như thế nhưng đứa con út rất có chí, học hành chăm chỉ. Mong con ra trường, đi làm để có cơ hội đổi đời” - ông Thanh lạc quan.

Rời nhà bà  Nhất, chúng tôi đến nhà của ông Trần Văn Đông (60 tuổi) ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Cũng không khá gì hơn, căn nhà của vợ chồng ông Đông dù trong những ngày Tết rộn rã nhưng không khí khá ảm đạm; hoa, quả chẳng thấy đâu.

Ông Đông cho biết nhà có 5 người con, 3 con lớn đã có gia đình, 2 con nhỏ đang đi học ở TP HCM. “Năm nay, vì vợ chồng tôi không có tiền gửi vào nên 2 đứa nhỏ bảo sẽ ở lại làm thêm kiếm tiền. Chúng nói  Tết mà về thì cha mẹ còn phải khổ thêm vì phải lo một khoản tiền nữa. Dù Tết là dịp thiêng liêng, đoàn tụ gia đình nhưng vì điều kiện của mình như vậy nên thôi, đành để con ở lại. Hy vọng Tết năm sau, tụi nó ra trường sẽ có điều kiện về quê thăm gia đình, đón Tết cùng chúng tôi” - ông Đông tâm sự.

Mong sớm sum vầy

Rời vùng rốn lũ  Nghĩa Hành, chúng tôi tìm đến những miền quê nghèo khó ven vùng biển khô cằn phía Đông Quảng Ngãi. Đến đâu, chúng tôi cũng chỉ gặp những đôi vợ chồng già đón Tết trong hiu quạnh.

Men theo con đường mòn dẫn về xóm đảo Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ngọc (78 tuổi). Căn nhà xập xệ nằm lạc lõng giữa một cánh đồng hoa cải. Bà Ngọc đang loay hoay sửa soạn lại bàn thờ. Mệt nhọc bước ra đón khách, bà Ngọc nói: “Mọi năm có con ở nhà thì để cho tụi nó lo. Năm nay, con cái không đứa nào về nên tôi phải làm”.

Bà Ngọc có 6 người con nhưng tất cả đều đi xa, trong đó 2 người đang học ở Đà Nẵng và TP HCM. “Hai đứa gọi điện về nói Tết này ở lại phụ quán cà phê kiếm tiền đóng học phí. Sau Tết, chúng mới về thăm nhà được. Nghe vậy, tôi cũng chỉ biết bảo các con về đi, chứ Tết mà gia đình không sum vầy thì sẽ rất buồn... Nhiều lúc thấy nhà người ta cười nói xôn xao, sum họp trong những bữa ăn cuối năm, nghĩ lại mình thấy tủi lắm nhưng vì hoàn cảnh, biết làm sao. Đợi năm sau 2 đứa nó ra trường, có công ăn việc làm ổn định, gia đình chắc chắn sẽ không còn cảnh như thế này nữa...” - bà Ngọc hy vọng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-2

Kỳ tới: Lúa, rau đã phủ xanh vùng lũ

Nhiều suất quà Tết động viên

Ông Lê Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết do ảnh hưởng của đợt lũ hồi tháng 10-2013 nên rất nhiều gia đình ở địa phương này đón Tết rất thiếu thốn. Nhiều gia đình có con cái đi học hoặc làm ăn xa không về quê sum họp cùng cha mẹ được.

“Để chia sẻ, động viên bà con, trong đợt Tết, chúng tôi tổ chức rất nhiều đoàn đi thăm hỏi, trao quà. Mỗi suất quà như vậy trị giá 500.000 đồng, chỉ mong bà con sớm khắc phục được khó khăn, thiếu thốn” - ông Sáu nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo