xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạnh tay xử lý

Bạch Đằng

Bên cạnh công tác vận động và thuyết phục ban đầu, nếu người nghiện không tự giác chấp hành thì sẽ có biện pháp xử lý

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM), chỉ tính riêng trong quý I/2016, có hơn 1.000 người nghiện lang thang tại TP tiếp tục được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc tập trung.

Xoay xở đủ mọi cách

Sau các đợt cao điểm tập trung người nghiện lang thang từ cuối năm 2014 đến nay, các địa phương trong TP đã ban hành hơn 6.000 quyết định đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Tính đến nay, các cơ sở cai nghiện của TP đang quản lý khoảng 9.000 người nghiện.

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết công tác giải quyết tình hình nghiện ma túy trên địa bàn TP trong năm 2016 vẫn sẽ được tiến hành quyết liệt và thường xuyên không chỉ ở người nghiện lang thang mà còn tập trung vào người nghiện có nơi cư trú ổn định. “Nếu như việc tập trung người nghiện không nơi cư trú ổn định đã được khai thông từ cuối năm 2014 và năm 2015 thì công tác đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc tập trung vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. TP một mặt kiến nghị điều chỉnh sửa đổi luật, mặt khác vẫn cố gắng xoay xở trong khả năng của mình” - ông Du nói.

Một người nghiện sử dụng ma túy ở huyện Hóc Môn, TP HCM Ảnh: Lê Phong
Một người nghiện sử dụng ma túy ở huyện Hóc Môn, TP HCM Ảnh: Lê Phong

Theo quy định, người nghiện có nơi cư trú ổn định đã qua thời gian cai nghiện tại cộng đồng mà vẫn tái nghiện thì sẽ bị chuyển sang hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung. Tuy nhiên trước đây, quy định về điều kiện của một cơ sở cắt cơn và điều trị nghiện tại địa phương là quá khó khăn nên TP không thể tổ chức hệ thống cơ sở cai nghiện ở các cơ sở y tế địa phương. Điều đó dẫn đến việc không thể đưa người nghiện dạng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tập trung do họ chưa tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Tháo gỡ tình trạng này, TP chủ động đưa 5 cơ sở công lập làm điểm cắt cơn giải độc (15 ngày) phục vụ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Kết quả, từ giữa năm 2015 đến nay, có hơn 190 hồ sơ người nghiện có nơi cư trú ổn định, qua cai nghiện tại cộng đồng mà vẫn tái nghiện bị chuyển sang hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung.

Bên cạnh đó, độ chênh về thời gian mà một người nghiện chấp hành Nghị định 111/2013/NĐ-CP (về xử lý hành chính bằng giáo dục tại xã, phường, thị trấn) và Nghị định 94/2010/NĐ-CP (về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng) quá dài (hơn một năm) khiến các địa phương rất khó quản lý khi người nghiện cố tình đối phó, bỏ đi nơi khác. TP đã vận dụng cơ chế thực hiện rút ngắn thời gian 2 nghị định ở mức 6 tháng chấp hành. Theo đó, người nghiện sau 6 tháng chấp hành 2 nghị định trên mà vẫn tái nghiện thì các cơ quan chức năng ở địa phương lập hồ sơ chuyển sang tòa án xem xét cai nghiện bắt buộc tập trung.

Một khó khăn khác là với người nghiện có nơi cư trú ổn định mà vẫn tái nghiện, khi tòa án ban hành quyết định đưa đến cơ sở cai nghiện bắt buộc tập trung thì họ vẫn có 3 ngày để khiếu nại. Trong thời gian này, người nghiện vẫn được ở tự do trong cộng đồng khiến nguy cơ bỏ trốn rất cao. Thêm nữa, nhiều trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc tập trung ở các cơ sở xa cả trăm cây số, trong khi người nghiện vẫn chưa được cắt cơn, dẫn đến sự mất an toàn trong quá trình chuyên chở.

Giải quyết những khó khăn trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án tiếp nhận cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện có nơi cư trú ổn định sau khi tòa án ban hành quyết định cai nghiện bắt buộc tập trung, dự kiến có thể áp dụng trong quý II/2016.

Làm thường xuyên, lâu dài

Song song với công tác đưa người nghiện đi cai bắt buộc tập trung, TP cũng sẽ đẩy mạnh công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình.

Mới đây, HĐND TP đã thông qua cơ chế về việc hỗ trợ người cai nghiện ma túy bằng ngân sách. Theo thống kê, hiện TP có khoảng 1.000 người cai nghiện tự nguyện, dịch vụ và bắt buộc tại cộng đồng; hơn 3.600 người nghiện được điều trị Methadone và quản lý sau cai khoảng hơn 4.000 người.

Ông Trần Ngọc Du cho biết bên cạnh công tác vận động và thuyết phục ban đầu, nếu người nghiện không tự giác chấp hành thì sẽ có các biện pháp xử lý, trước tiên là cai nghiện bắt buộc tại địa phương. Cơ sở vật chất cắt cơn, điều trị đã có; chính sách hỗ trợ kinh phí nhà nước cũng đã có nên phải tập trung đẩy mạnh công tác cai nghiện tại địa phương.

Tuy nhiên, ông Du thừa nhận công tác cai nghiện tại chỗ cũng có nhiều khó khăn khi môi trường xung quanh người nghiện vẫn phức tạp, ý chí của chính người nghiện chưa cao, cũng như nhiều trở ngại đến từ sự kỳ thị của mọi người…

“Môi trường xung quanh người nghiện vẫn chưa sạch, tình hình mua bán ma túy còn diễn biến phức tạp. Do đó, giải quyết tình trạng người nghiện ma túy của TP phải là công tác lâu dài, thường xuyên, đồng bộ, không thể một sớm một chiều, qua vài lần ra quân mà giải quyết xong” - ông Du nhận định.

Vận dụng linh hoạt

Ông Trần Ngọc Du cho biết việc tập trung người nghiện lang thang được thực hiện khá tốt từ năm ngoái và vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay. Các khó khăn vướng mắc, chồng chéo từ luật, nghị định, TP đã kiến nghị và đang trong giai đoạn nghiên cứu chỉnh sửa. Dù vậy, TP vẫn sẽ tiếp tục cố gắng vận dụng linh hoạt tối đa trong khả năng cho phép để giải quyết, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo