xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Loay hoay chặt - trồng, nuôi - bỏ

Cao Nguyên - Hoàng Thanh

Từ cao su, cam sành, khoai lang… đến nhím, cút, cá tra, cá sấu…, hễ thứ gì được giá, thương lái lùng mua là nhiều người lao vào trồng, nuôi; đến khi cung vượt cầu, giá rớt thảm hại thì lại chặt, bỏ

Đến những vùng trồng cao su ở Tây Nguyên những ngày gần đây, ở đâu chúng tôi cũng nghe người dân bày tỏ sự nuối tiếc vì mủ cao su đang tăng giá trở lại. Trong khi đó, cách nay chẳng bao lâu, sốt ruột vì giá mủ liên tục sụt giảm, nhiều người đã thẳng tay đốn hạ những vườn cao su xanh tốt để trồng các loại cây khác hoặc làm trụ tiêu.

“Vàng trắng” lao đao

Giữa tháng 11-2016, giá mủ cao su được mua tại vườn đã tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2015. Hiện nay, giá mủ tạp đã lên đến 11.000 đồng/kg. Dự báo, giá mủ cao su sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới

Chị Trần Lâm Bình - ngụ huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông - cho biết gia đình chị trồng 8 ha cao su, đến nay đã sang năm thứ bảy. Do giá “vàng trắng” xuống thấp nhiều năm qua, không đủ chi phí đầu tư, trả công cạo mủ nên đầu năm nay, gia đình chị đã chặt 3 ha để trồng cà phê và cưa ngọn để làm trụ trồng tiêu trên diện tích 2 ha. Trong khi 5 ha chuyển đổi này còn lâu mới cho thu hoạch thì gần đây, giá cao su tăng trở lại khiến gia đình chị cứ tiếc hùi hụi.

Người dân Kon Tum chặt hết cành, chuyển vườn cao su làm trụ để trồng tiêu Ảnh: Hoàng Thanh
Người dân Kon Tum chặt hết cành, chuyển vườn cao su làm trụ để trồng tiêu Ảnh: Hoàng Thanh

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Long - ngụ huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - cũng vừa chặt hạ gần 4 ha cao su. “Suốt 2 năm qua, gia đình tôi không cạo mủ vì không có lợi nhuận. Chờ mãi mà không thấy giá mủ cao su lên nên gia đình đã quyết định chặt bỏ, lấy đất trồng cây khác. Đến giờ, chúng tôi cũng không có vốn để đầu tư trồng các loại cây công nghiệp khác mà đang trồng hoa màu. Hồi đó, nếu biết giá mủ cao su tăng lại như bây giờ thì cứ để cả vườn đã trúng rồi” - ông tặc lưỡi.

Tại tỉnh Kon Tum, gia đình bà Trần Thị Vân Anh - trú ở huyện Ngọc Hồi - vốn có 5 ha cao su. Do giá mủ liên tục xuống thấp nên năm 2015, gia đình bà đã chặt bỏ 2 ha cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu. Bà lo lắng: “Cây hồ tiêu vẫn đang phát triển tốt nhưng phải 2 năm nữa mới cho thu hoạch. Không biết khi đó, giá tiêu sẽ thế nào chứ hiện giờ đã có dấu hiệu giảm rồi. May mà gia đình tôi vẫn còn 3 ha cao su”.

Từ năm 2014, anh Lê Văn Mạnh - ngụ huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai - cũng vội vã chặt hạ, đào gốc 3 ha cây cao su để chuyển đổi sang trồng cà phê vì giá mủ khi đó quá thấp. Gần đây, khi giá mủ cao su tăng trở lại, anh cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Theo anh Mạnh, nếu dùng tiền đầu tư cho cà phê để chăm sóc vườn cao su thì chắc chắn với giá mủ như hiện nay, gia đình anh sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.

Gần nhà anh Mạnh, gia đình chị Huỳnh Thị Huệ cũng đã phá bỏ 3 ha cao su 8 năm tuổi để chuyển sang trồng hồ tiêu. Nhằm tiết kiệm chi phí, chị đã tận dụng chính những thân cây cao su để làm trụ tiêu. “Hiện hồ tiêu chưa cho thu hoạch nhưng lại liên tục chết khiến gia đình tôi rất lo. Giá như ráng chờ được đến giờ này, khi mủ cao su tăng giá, thì chúng tôi đâu phải vừa tiếc rẻ vừa lo hồ tiêu chết...” - bà Huệ than thở.

Đã từng khuyến cáo

May mắn hơn những trường hợp nêu trên, hộ ông Hoàng Văn Thái - huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - chỉ bỏ hoang vườn cao su 3 ha chứ không chặt bỏ. Từ 2 năm trước, chán nản vì thấy giá mủ xuống thấp nên dù vườn cao su đã đến kỳ thu hoạch, gia đình ông vẫn bỏ bê, không chăm sóc. Gần đây, mủ cao su liên tục tăng giá trở lại nên gia đình ông đã lập tức mua phân bón về thúc cho cây phát triển.

“Mấy năm không chăm sóc nên cao su chắc không còn mủ, giờ bón phân cũng phải đợi thời gian nữa mới thu hoạch được. Hy vọng đến lúc đó, cao su vẫn còn giữ giá” - ông Thái mong mỏi.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá mủ tăng trở lại một phần là do một số nước trồng nhiều cao su giảm sản lượng khai thác. Trong khi đó, các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới đã liên kết với nhau quản lý nguồn cung, giúp thị trường tiêu thụ dần ổn định lại.

Ông Nguyễn Cầu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết diện tích đất quy hoạch trồng cao su của tỉnh chỉ sau cà phê, nhiều hơn hồ tiêu và một số cây khác. Thời gian qua, do giá cả xuống thấp nên một số người dân ở các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp… đã chặt bỏ vườn cao su.

Ông Cầu khẳng định: “Với những diện tích nằm trong quy hoạch, ngành chức năng đã liên tục khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào mà chặt bỏ cao su. Thời điểm giá mủ xuống thấp, người dân nên trồng xen canh các loại cây khác để duy trì vườn cao su”.

Trong khi đó, theo ông Trần Quang Tây, Trưởng Phòng Trồng trọt Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 40.000 ha cao su, giảm một phần so với năm 2014. Tình trạng chặt bỏ cao su làm trụ tiêu hoặc chuyển đổi cây trồng vẫn xảy ra nhưng không ồ ạt như những nơi khác.

Chuyển sang trồng keo

Tại tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều người dân ở các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành cũng đã chặt bỏ vườn cao su để trồng keo.

Ông Bùi Ngọc Hoa - ngụ xã Bình Khương, huyện Bình Sơn - cho biết 15 năm trước, ông thuê 12 sào đất trồng cao su. “Cách đây không lâu, cây cao su đang mùa ra mủ nhưng đành bỏ hoang vì giá mủ quá thấp, thu không đủ chi. Rất nhiều gia đình khác cũng bỏ phế vườn cao su như thế hoặc chặt bỏ, chuyển sang trồng keo” - ông nuối tiếc. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, ngụ xã Bình Khương, vì thấy mủ có giá cao nên cách đây 15 năm, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông vay tiền ngân hàng đầu tư trồng cao su. “Lúc đầu, mủ cao su có giá khá cao nhưng về sau liên tục rớt. Chờ riết không thấy giá lên, bà con đành chặt bỏ hết” - ông rầu rĩ.

Theo ông Lý Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Khương, toàn xã có hơn 300 ha cao su, hầu hết đã bị người dân chặt bỏ, chuyển qua trồng keo hoặc các loại cây công nghiệp khác. Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Công ty Cao su Quảng Ngãi, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con cố gắng giữ vườn cao su, không nên phá bỏ”.

T.Trực

Kỳ tới: Lên bờ xuống ruộng vì theo phong trào

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo