xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng giáo viên

KỲ NAM - THANH TUẤN

Hiếm có nơi nào như thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, cứ 2 hộ lại có 1 người là giáo viên hay như làng Thanh Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã lập bàn thờ tưởng nhớ một ông đồ lưu lạc

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam, kể đầy tự hào: Thôn Quảng Đức khoảng 470 hộ dân mà có trên 200 người là giáo viên.

Ba đời làm nghề giáo

Ở Quảng Đức, rất nhiều gia đình có cả con, cháu, dâu, rể đều là giáo viên. Thầy Trần Minh Hải (84 tuổi) có 7 người con thì tất cả đều tiếp nối nghề cha. Nhiều gia đình có truyền thống dạy học như thầy Đỗ Hoằng có 6 người là giáo viên, trong đó cô Đỗ Ái Hằng (con gái thầy Hoằng) hiện là hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc với trên 20 năm tuổi nghề. Gia đình thầy Nguyễn Đức Thương cũng có 6 người làm nghề giáo, gia đình cô Trịnh Thị Kim Lâu có 5 chị em thì 3 người dạy học, gia đình thầy Nguyễn Văn Bái, Phạm Văn Mỹ, Trần Văn Đắc cũng có con cháu, dâu, rể theo nghề.

Làng giáo viên - Ảnh 1.

Thôn Quảng Đức nhiều năm liên tục được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng văn hóa nhờ tinh thần hiếu học Ảnh: KỲ NAM

Làng giáo viên - Ảnh 2.

Dân làng tổ chức đám tang cho thầy đồ Phạm Công Minh (còn gọi là Được) Ảnh: tư liệu

Ông Nguyễn Văn Dũng khoe: "Anh thấy lạ không? Cả cái xã này chỉ có Quảng Đức được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Để được danh hiệu này phải xét nhiều tiêu chí lắm, cả tỉnh rất ít làng được như Quảng Đức".

Ở làng này, năm nào cũng có thủ khoa, nhiều trường hợp tốt nghiệp ra trường đứng hạng đầu. Nhiều thủ khoa đều quay lại quê hương Cam Lâm tiếp tục dạy học, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Ông Trần Minh Tể, trưởng thôn Quảng Đức, cho biết làng được hình thành từ năm 1973 khi nhiều người dân ở tỉnh Quảng Trị di cư vào đây sinh sống. Ban đầu, 16 thầy cô trong làng mở lớp, mở trường để dạy chữ cho con em. Giai đoạn khó khăn, nhiều nơi xảy ra tình trạng giáo viên bỏ nghề nhưng ở Quảng Đức, các nhà giáo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Tiêu biểu cho tinh thần này là phong trào "Tiếng kẻng học bài". Mỗi ngày ở làng sẽ đánh kẻng 2 lần vào 4 giờ 30 phút và 19 giờ để thúc giục các cháu học bài. Kẻng được treo ở trụ sở thôn, sau khi đánh xong, các bác, các chú đi quanh các đường thôn, ngõ xóm để kiểm tra, đôn đốc các cháu học tập. Cứ như vậy, liên tục nhiều năm liền, người dân đã rèn được cho con cháu tinh thần tự giác học tập.

Bà Trần Minh Nguyệt, người dân trong thôn, kể cả nhà đều làm nông, chồng đi làm thợ hồ nhưng bà rất hạnh phúc vì các con đều được đi học. Bây giờ, 2 con của bà đã là thầy, cô giáo. Có được điều này cũng nhờ các thầy cô tận tâm động viên, giúp đỡ. Không chỉ vậy, trong họ hàng cũng có phong trào "dòng họ khuyến học", nhà trường có phong trào "học sinh vượt khó học giỏi", hội khuyến học của thôn năm nào cũng trao học bổng cho các con em đậu đại học, cao đẳng…

Cả làng làm giỗ cho thầy đồ lưu lạc

Không chỉ Quảng Đức được vinh danh vì truyền thống hiếu học, ở làng Thanh Sơn, dân làng đã lập bàn thờ để tưởng nhớ một thầy đồ lưu lạc về sống với làng và dạy chữ cho nhân dân trong những ngày đầu chống Mỹ.

Theo các cụ cao niên, khoảng cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, một thầy đồ lưu lạc từ ngoài Bắc về khu vực xã Minh Thọ, xã Tế Lợi (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; giáp với xã Phú Nhuận) dạy chữ kiếm sống qua ngày. Thầy đồ tên Phạm Công Minh (quê Hải Phòng) nhưng dân quen gọi ông là Được.

Sau khi về làng, từ chỗ ở, cái ăn, cái mặc đều do cả làng gom góp lo để ông dạy chữ cho con cháu trong làng vì ngày đó không có trường mầm non như bây giờ, ai đến tuổi thì vào thẳng lớp 1. "Thời kỳ này, miền Bắc mới thoát khỏi chiến tranh nên đời sống của người dân còn nghèo khổ, việc học hành cũng không được chú trọng nên ông Được về làng ai cũng rất vui, đặc biệt là trẻ nhỏ như chúng tôi. Để vào được lớp 1, nhiều thế hệ con cháu trong làng đều được ông dạy vỡ lòng (tập đọc, tập viết) nên khi vào lớp 1, việc luyện đọc, luyện viết cũng rất dễ dàng. Sau này lớn lên, tôi đi bộ đội rồi phục viên trở về địa phương, vẫn thấy ông cặm cụi dạy chữ cho các cháu nhỏ" - ông Bùi Văn Lộc (ngụ thôn 1) kể.

Theo ông Lê Văn Khánh, Trưởng làng Thanh Sơn, ông Được có dáng người cao gầy, khi về làng ông trạc tuổi 40. Không chỉ giỏi chữ Quốc ngữ, ông còn thông thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật… Những năm tháng khó khăn, làng ăn sắn, ăn khoai nhưng không để ông Được đói rét. Làng có công việc gì cũng mời ông tham gia hay có những lần ông bị ốm, cả làng lo cho ông đi viện rồi chăm sóc ông như người thân của mình. Có lẽ xuất phát từ tình cảm đó mà ông ở lại sống với bà con cho đến hơi thở cuối cùng

Những năm cuối đời, khi người thân ở Hải Phòng biết ông còn sống, muốn đón ông về ngoài đó nhưng ông nhất mực không về. Ông nói sống với làng quen rồi và xem đây như là quê hương nên muốn được chết, được chôn cất ở đây. "Đến năm 1999, ông qua đời, cả làng chúng tôi ai cũng khóc thương tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ" - ông Lộc kể.

Sau ngày thầy đồ Được mất, để ghi nhớ công ơn của ông đối với làng, nhân dân đã lập bàn thờ ông ngay tại nhà văn hóa. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ, ngày lễ, Tết trong năm hay dân làng có công việc gì, dân làng cũng đều dâng hương để thông báo tới ông, xem ông như một phần không thể thiếu của làng.

Không biết có phải ông Được về làng sinh sống rồi dạy học, khơi dậy niềm đam mê con chữ cho bà con hay không mà lớp lớp thế hệ con em ở ngôi làng nhỏ này đều rất hiếu học, nhiều người đỗ đạt làm rạng danh quê hương. Ngồi nhẩm tính, thầy giáo Lê Văn Kháng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nhuận, thống kê trong làng hiện có khoảng 300 nóc nhà nhưng 2/3 trong số đó có con cái học hành đỗ đạt, hơn 100 người làm nghề "gõ đầu trẻ".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6

Kỳ tới: Làng quanh năm không đám cưới

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo