xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ thú cây đa di sản

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hai cây đa có tuổi đời hơn 700 năm vừa được công nhận Cây Di sản là chứng nhân cho sự đoàn kết của đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam

Tháng 7-2015, cùng với quần thể 725 cây pơ mu mà nhiều người thường gọi với cái tên mỹ miều “Vương quốc pơ mu”, tại xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) còn có 2 cây đa sộp được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau 2 cây đa này chứa đựng câu chuyện ly kỳ, gắn với hủ tục “săn máu” mà khi nhắc đến, nhiều người không khỏi khiếp sợ.

Kinh hoàng tục “săn máu”

Xã A Xan giáp biên giới với Lào. Dù đường từ trung tâm huyện Tây Giang vào UBND xã này được thảm nhựa, đổ bê tông gần hoàn thành nhưng chúng tôi phải mất khoảng 2 giờ đi xe máy mới đến nơi.

Khác với những thôn, nóc của người Ca Dong, Giẻ Triêng, người Cơ Tu ở A Xan sống khá tập trung. Nhà cửa vẫn giữ nếp truyền thống nhưng khang trang, sạch sẽ. Có lẽ khắp các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam không nơi nào có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn như ở Tây Giang. Nơi đây, người dân sinh sống với rừng, dựa vào rừng nhưng tuyệt nhiên không phá chúng.

Hai cây đa sộp vừa được công nhận Cây Di sản gắn với câu chuyện ly kỳ
Hai cây đa sộp vừa được công nhận Cây Di sản gắn với câu chuyện ly kỳ

Ông Pơ Loong Đội, trưởng thôn A Rầng 1 (xã A Xan), cho biết người dân trong thôn rất yêu quý và luôn có tâm nguyện giữ rừng. Khi đặt vấn đề tìm hiểu về 2 cây đa sộp, chúng tôi phải đợi rất lâu để ông Đội đi mời già làng Pơ Loong Jim đến nói chuyện. Dù ở tuổi 72 nhưng già Jim rất minh mẫn. Già nói từ khi ông biết nhận thức thì đã thấy 2 cây đa này rất to lớn, mỗi cây 4 người ôm không xuể. Ngày xưa, mỗi lần đi rẫy, ông đều ghé qua 2 cây đa này hóng mát. Các già làng trước đó kể rằng cây đa này đã trải qua 8-9 đời người và nhắc nhở ông cùng người dân trong làng phải ra sức bảo vệ, yêu quý như mạng sống con người bởi nó gắn với sự sinh tồn của bản làng.

Nhấp ngụm nước, già Jim kể rằng cách đây hàng trăm năm, giữa thôn A Rầng (nay là A Rầng 1) với thôn A Bíp (xã Lăng, huyện Tây Giang) ở bên kia ngọn núi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến những cuộc giao chiến, chém giết lẫn nhau. Mâu thuẫn xuất phát từ tục “săn máu” của người Cơ Tu. Tập tục này diễn ra trong một thời kỳ dài, gây nên bao nhiêu cuộc đâm chém, giết người đẫm máu. Những cuộc chiến do hận thù “săn máu - nợ đầu” trong tộc người này cũng gây nên bao nỗi kinh hoàng cho những thương lái người Kinh khi đến buôn bán ở mảnh đất thần bí này.

Theo giải thích, tục “săn máu”, “săn đầu” vốn là dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử nhiều tộc người. Trong loại hình tín ngưỡng sơ khai này, máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm dẫn chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tiền đề của sự no ấm. Với quan niệm như vậy nên khi bắt đầu mùa vụ, người Cơ Tu tiến hành nghi thức “săn máu”, đâm người bằng những mũi lao dài, sau đó mang về cắm trên khu đất sản xuất, làm lễ cúng Giàng với mong ước mùa sau thóc đầy kho, rượu đầy ché, không bị đói, bị lạt do không có muối. “Đó là thời kỳ mà người Cơ Tu sống trong vòng luẩn quẩn của hủ tục, bị chi phối bởi thần linh, chưa có Đảng, chưa có cách mạng. Nay khác nhiều rồi, không còn hủ tục ghê rợn ấy nữa” - già Jim bộc bạch.

Tiếp câu chuyện, già Jim nói cuộc chiến của 2 làng kéo dài từ năm này sang năm khác, nợ máu ngày một chất cao như núi. Đến một lúc, người dân trong 2 làng nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục giết nhau thì không bao giờ trả hết nợ mà người trong làng sẽ chết hết, e rằng người sinh ra không kịp để chết trong những cuộc trả thù. Chính vì thế, 2 làng cử người đi thương lượng. Tuy nhiên, già Jim nghe kể những cuộc thương lượng đã diễn ra trong không khí vô cùng căng thẳng và phải mất một thời gian dài mới đi đến thống nhất, kết thúc vòng luẩn quẩn trả nợ máu. Hai làng không còn đâm chém nhau mà kết nghĩa anh em. Trai gái 2 làng có thể tự do đi lại, yêu đương và 2 làng cũng không đòi hỏi của hồi môn như tục lệ nếu gia đình họ quá nghèo.

Để nêu cao tinh thần đoàn kết cũng như muốn nhắc nhở cho người dân trong làng và các thế hệ sau ghi nhớ, người dân 2 làng đã tìm 2 cây đa con, tráo đổi cho nhau trồng ở 2 thôn và gọi là “cây đa đoàn kết”.

Hiện tại, ngoài 2 cây đa vừa được công nhận là cây di sản, còn 2 cây đa lớn ở làng A Bíp nhưng nằm giữa rừng sâu, do dân làng A Bíp đã dời đi nơi khác định cư.

Như một cổng làng

Dẫn chúng tôi đến 2 cây đa sộp cách thôn A Rầng 1 chừng 2 km, ông Đội chỉ cho chúng tôi dấu vết nền móng cho thấy nơi đây từng có người dân sinh sống. Ông nói ngày trước, 2 cây đa được trồng cách xa nhau khoảng 5 m, như một cổng làng, người dân 2 thôn khi đi thăm nhau thì qua cổng này. Đến nay, 2 cây đa ngày một to lớn và dường như đã bít luôn cổng. Năm 2014, khi lập hồ sơ để công nhận di sản, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân đã đóng góp xây dựng miếu thờ ở gần 2 cây đa để làm nơi thắp hương, thờ cúng.

Già làng Pơ Loong Jim cho biết trải qua nhiều thế hệ, dân làng A Rầng 1 luôn xem trọng 2 cây đa này. Trong làng cũng có những hình phạt rất nghiêm khắc đối với những người xâm hại cây nên người dân đều rất sợ và không dám bẻ dù chỉ một cành nhỏ.

Theo ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, năm 2013, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đến khảo sát 2 cây đa ở làng A Bíp và khoan đo thì xác định 703 tuổi. Độ tuổi này so với lời kể của các bậc cao niên rằng 2 cây đa đã trải qua 8-9 đời người là rất phù hợp. Ông Liếc cho biết huyện đã phát quang đường đến 2 cây đa này để sắp tới làm thêm hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản. Hai cây đa này gần “con đường muối” ngày trước nhưng từ năm 1982, dân tìm ra con đường khác nên không đi con đường này nữa. “Trước năm 1982, tôi vẫn thường ngang qua và nghỉ ngơi ở đó” - ông Liếc kể.

 

“Rừng mất, Tây Giang suy vong”

Ông Bríu Liếc cho biết huyện Tây Giang đang vận động các xã tìm xem có thêm những cây gì quý để sắp tới mời Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường vào khảo sát, lập hồ sơ công nhận. Hiện huyện có 727 cây và đang phấn đấu làm sao có trên 1.000 Cây Di sản. Việc công nhận 2 cây đa sộp thành Cây Di sản rất có ý nghĩa trong việc giữ rừng ở địa phương.

“Ngày xưa, ông bà trồng rừng để giữ cây, giữ rừng nên cây nhiều chứ không ít như bây giờ. Khi tách huyện, chúng tôi tuyên truyền về bảo vệ phát triển rừng, từ đó mới có khẩu hiệu “Rừng còn, Tây Giang phát triển; rừng mất, Tây Giang suy vong” (khẩu hiệu đặt ở đầu huyện - PV)” - ông Liếc chia sẻ.

 

Rất linh thiêng

Theo già làng Pơ Loong Jim, chuyện về 2 cây đa di sản được những người lớn tuổi kể cho con cháu nghe nhằm giáo dục sự đoàn kết, không gây thù chuốc oán mà hãy biết tha thứ, thêm bạn bớt thù. Hai cây đa này rất linh thiêng. Mỗi lần có việc lớn, các gia đình đều ra miếu thờ thắp hương, cúng Giàng, cầu bình an. Thương lái đi ngang cũng thường dừng lại thắp hương cầu sự may mắn. Hằng năm, thôn A Rầng 1 lấy ngày 18 tháng giêng tổ chức lễ cúng với hy vọng xóm làng yên bình, không có “chết xấu” xảy ra.

 

Già làng Pơ Loong Jim kể lại câu chuyện về tục “săn máu” gắn với 2 cây đa sộp
Già làng Pơ Loong Jim kể lại câu chuyện về tục “săn máu” gắn với 2 cây đa sộp

 

“Tôi cũng không biết tại sao lấy ngày này làm lễ. Cái ngày tổ chức cúng này đã có từ bao đời. Có lẽ đây là ngày 2 làng kết nghĩa hoặc 2 làng tổ chức trồng cây đa nên lấy làm lễ để ghi nhớ” - già Jim suy đoán.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo