xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiến nghị dừng nhận chìm chất nạo vét

Nhóm Phóng viên

Trong khi Ban Tuyên giáo trung ương đang lấy ý kiến các nhà khoa học về việc cho phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển thì Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho dừng khẩn cấp

Ngày 21-7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết đến chiều 21-7, viện này đã khảo sát thực địa 5 điểm ở vùng biển Vĩnh Tân (gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận), nơi nhận chìm chất nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Tuy nhiên, hiện đang tập hợp kết quả phân tích mẫu, sau đó mới có thể công bố.

Nên tạm dừng khẩn cấp

Một chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang cho biết việc khảo sát là thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà để làm rõ khu vực nhận chìm có giống clip đã phát trên mạng xã hội những ngày qua hay không.

"Nhận định ban đầu vật chất chủ yếu là bùn và cát. Nếu có san hô cũng nghèo lắm vì ánh sáng chiếu xuống được độ sâu gần 40 m rất ít" - chuyên gia này nhận định.

Liên quan đến clip được cho là ghi hình ở đáy biển gần khu vực cấp phép nhận chìm chất nạo vét có nhiều san hô, chuyên gia này cho biết điều đó là không sai. Các rạn san hô trong clip được quay ở bãi cạn, độ sâu lớn nhất chỉ khoảng 20 m. "Clip này nói là gần thì muốn phản biện cũng không được. Không thể nói là sai" - chuyên gia này nhìn nhận.

Kiến nghị dừng nhận chìm chất nạo vét - Ảnh 1.

Vùng biển Vĩnh Tân, nơi nuôi sống hàng ngàn ngư dân, nguy cơ bị ô nhiễm khi việc nhận chìm chất nạo vét được thực hiện. Ảnh: ĐỆ GIANG

Trong khi đó, ông Trần Văn Thắng, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo Ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực lấy ý kiến của các nhà khoa học ở địa phương về việc cho phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân. "Cái này là Ban Tuyên giáo trung ương làm. Họ gửi 50 phiếu vào đây để lấy ý kiến các nhà khoa học trên địa bàn. Gửi đơn vị nào cũng do Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo. Dự kiến thứ hai tới sẽ có kết quả" - ông Thắng nói thêm.

Cùng ngày, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm dừng khẩn cấp việc cho phép nhận chìm bùn, cát ở biển Vĩnh Tân. Hội này còn kiến nghị cho thành lập tổ chức độc lập nhằm kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường của việc nhận chìm chất nạo vét, xem xét quy trình thẩm định để cấp phép của Bộ TN-MT, đặc biệt là tính khách quan, trung thực và tính đại diện.

Ai đã ngụy tạo?

PGS-TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình hải dương học liên Chính phủ của Việt Nam - cho rằng điều ông quan tâm nhất trong hơn 1 tháng qua là làm thế nào để cứu vùng biển này tránh bị tác động của việc nhận chìm bùn, cát. "Tôi và cộng đồng khoa học đề nghị tạm dừng dự án để tiếp tục thẩm định lại 10 vấn đề mà dư luận thắc mắc" - ông An nói và cho biết việc nhận chìm bùn, cát không chỉ ảnh hưởng 1-2 ngày mà là cả cộng đồng và gây ô nhiễm tác động tích lũy vì vùng ven biển này hết sức nhạy cảm, dễ tổn thương. Do đó, nếu còn vấn đề chưa chắc chắn, còn áy náy như thế thì tạm dừng lại để giải quyết, khi chưa giải quyết xong thì chưa nên thực hiện.

Một chuyên gia từng công tác tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động rằng đến chiều 21-7 đã có 3 nhà khoa học lên tiếng về việc có tên trong danh sách tư vấn cho dự án này mà thực chất là không hề tham gia, trong đó có PGS-TS Nguyễn Tác An.

"Nhà nước đã quy định rất chặt, khi muốn mời nhà khoa học tham gia thì nhà khoa học phải đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Khi nghiệm thu mà hội đồng không thấy văn bản xác nhận của nhà khoa học tham gia thì rõ là không ổn. Cái này tôi quá bất ngờ. Đối với tôi, đây là lần đầu tiên nghe những chuyện như thế này" - ông An tâm sự và nói tiếp: "Bản thân tôi trước giờ không tham gia bất cứ việc gì liên quan dự án này. Sao tôi lại tham gia một dự án rất ngây thơ, ấu trĩ ấy! Nếu đúng là có việc các nhà khoa học bị đưa vào danh sách này thì rõ ràng sản phẩm này mang tính ngụy tạo".

Ngoài ông An, 2 người khác là ThS môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và ThS công trình biển Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển) cũng lên tiếng xác nhận bị lợi dụng tên tuổi trong hồ sơ dự án nói trên.

Chiều cùng ngày, ông Hà Quốc Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam - đơn vị tư vấn cho dự án - cho hay dự án này trước đây do Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Trung tâm Dịch vụ TN-MT biển làm tư vấn. Dự án được Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam kế thừa và tiếp tục thực hiện vào khoảng năm 2016.

Đối với danh sách các nhà khoa học có tên trong hồ sơ tư vấn, ông Quân cho biết khi nhận lại dự án thì đã có tên họ và ông cũng chưa hề gặp họ. Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam chỉ kế thừa nên "không thể bỏ tên các nhà khoa học đi vì mình phải tôn trọng người ta". Ông Quân cũng cho biết chủ nhiệm dự án này là ông Phạm Hồng Hạnh chịu trách nhiệm về hồ sơ và trình Bộ TN-MT, còn ông chỉ là người quản lý chung.

Ônh Quân cũng thừa nhận sự việc này là lỗi kỹ thuật do không kiểm soát được, không kiểm tra lại. "Chủ yếu vẫn là công ty tư vấn trước kia là chính. Nếu chúng tôi kiểm tra thì đã không xảy ra như thế này" - ông Quân nói và cho biết phải yêu cầu phía đơn vị tư vấn cũ làm lại và giải trình về việc các nhà khoa học có tham gia vào dự án hay không.

Một cán bộ thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết về nguyên tắc, khi thực hiện dự án, Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phải thuê một nhà tư vấn đủ năng lực để xây dựng báo cáo thẩm định và đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước đối tác (tức Vĩnh Tân 1) cũng như trước pháp luật. Bộ TN-MT không quản lý việc này mà chỉ cần biết khi nộp hồ sơ phải có một báo cáo như thế và có đơn vị tư vấn đủ năng lực làm báo cáo. Danh sách các nhà khoa học tham gia thì Bộ TN-MT không phê duyệt. Nếu thấy nội dung phù hợp, đơn vị lập báo cáo đủ năng lực thì Bộ TN-MT cấp phép.

Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay để được phép đổ bùn nạo vét xuống biển thì cần có giấy phép "cho phép nhận chìm" và "quyết định trao vùng biển". Khi "quyết định nhận chìm" đã có nhưng quyết định trao vùng biển chưa có thì vẫn không được nhận chìm. Có giấy phép "cho phép nhận chìm" rồi nhưng điều kiện kèm theo là phải khảo sát môi trường nền. Phải chờ Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát lại.

Coi chừng mất hết!

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng vùng biển Vĩnh Tân với hiện tượng nước trồi độc đáo, cung cấp thức ăn, dưỡng chất cho tất cả các loại hải sản, thủy sinh nên thu hút nhiều loài thủy sản đến sinh sản. Đặc biệt là tôm hùm. Hệ thống sinh thái đó đã thiết lập hàng ngàn năm rồi. Đùng một cái bây giờ trút xuống cả triệu mét khối bùn, cát như thế, làm vùng biển ô nhiễm, tác động trực tiếp đến hệ sinh thái. "Chơi" kiểu này thì cả vùng biển coi chừng mất hết! Không phải chỉ biển Bình Thuận mà cả vùng biển miền Trung và Nam Bộ, vì hải sản sinh sản ở đó rồi di chuyển. Không sinh được thì cũng chẳng có để di chuyển. Người ta quên mất điều đó. Trong khi đây là vấn đề lớn.

Khó hiểu

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết vào cuối tháng 12-2016, tỉnh này đề nghị Bộ TN-MT cân nhắc việc cấp phép việc nhận chìm chất nạo vét. Thời điểm đó, tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT đánh giá lại tác động môi trường, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ chất được nạo vét xuống biển có phương án khác phù hợp hơn không, bởi nếu việc đổ thải xảy ra sự cố sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường biển, ảnh hưởng đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương.

Điều khó hiểu là trong khi còn có nhiều ý kiến khác nhau thì ngày 23-6, Bộ TN-MT cấp phép cho chủ đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng từng lên tiếng về dự án này vì cho rằng Khu Bảo tồn biển Hòn Cau có các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (san hô, thảm cỏ biển), là nơi sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế quan trọng, nguồn lợi thủy sản ở khu vực này đã góp phần duy trì, ổn định và nâng cao đời sống của dân cư địa phương. Vì vậy, bộ này đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ TN-MT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới khu vực Hòn Cau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo