xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không lấy ngân sách cứu dự án thua lỗ

Phương Nhung - Văn Duẩn

Đối với 12 dự án thua lỗ, thất thoát của ngành Công Thương, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường, không dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV đã được khai mạc vào sáng 22-5. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ họp này QH sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.

Lo ngại mức tăng trưởng thấp

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trên cơ sở đánh giá bổ sung tình hình KT-XH cả năm 2016, trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đã được thông qua, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu không đạt gồm tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21% (thấp hơn kế hoạch là 6,7%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9% (thấp hơn kế hoạch là 10%). Tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt 5,1%, thấp hơn mức 5,48% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%.

"Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như QH đã đề ra" - Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Tại báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, vấn đề tăng trưởng kinh tế được đề nghị "phân tích, đánh giá cụ thể hơn". Theo đó, mức tăng trưởng trong quý đầu năm 2017 thấp nhất so với những năm gần đây. Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, theo ông Thanh, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. "Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3%-6,5%" - ông Thanh cho biết.

Phân tích nguyên nhân, ông Thanh cho rằng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới. "Cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp, để giảm thiểu nguy cơ về "bong bóng bất động sản" như thời gian trước đây" - ông Thanh đề nghị.

Không lấy ngân sách cứu dự án thua lỗ - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã được khai mạc vào sáng 22-5Ảnh: BẢO TRÂN

Xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài

Đề cập 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn của Bộ Công Thương với tổng mức đầu tư ban đầu là 43.600 tỉ đồng, sau tăng lên 63.600 tỉ đồng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến, như các nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy thép tại Lào Cai.

"Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đối với những dự án thất thoát, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan tập trung giải quyết tồn đọng, có giải pháp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài" - báo cáo của Chính phủ nêu.

Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo QH xem xét, cho ý kiến.

Về bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý và thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên; rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép các dự án thủy điện có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Báo cáo thẩm tra đánh giá sự cố môi trường do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng về KT-XH, môi trường trước mắt và lâu dài, đặt ra cho các cơ quan chức năng, địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư. Kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.

Báo cáo do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày cũng nêu rõ kỷ luật, kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, trong 9 địa phương: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà.

Bảo đảm phát triển kinh tế vĩ mô

Chiều tối 22-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016-2020 phải đạt được mục tiêu 6,7% đề ra để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

T.Dũng

Chậm phát hiện, xử lý tham nhũng

Sáng cùng ngày, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp QH.

Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ, cử tri và nhân dân cho rằng phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm; vấn đề làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa kịp thời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo