xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không cắt lũ, chỉ... tạo lũ!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Phần lớn thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên có thiết kế không phù hợp nên chỉ tạo lũ chứ không thể cắt lũ. Quy trình vận hành liên hồ chứa được kỳ vọng sẽ giảm lũ cho hạ du

Dung tích hồ chứa nhỏ, lũ về nhanh mà cửa xả lũ lại lớn nên các thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên không thể cắt được lũ. Đó là khẳng định của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Cũng theo cơ quan này, các thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên nếu có cắt được lũ thì chỉ với những trận lũ nhỏ hoặc góp phần giảm ở những trận lũ lớn (!).

Cắt được 10% là thành công rồi!

Theo ông Trần Trọng Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên - thực tế những năm qua cho thấy thủy điện chẳng những không cắt lũ mà còn góp phần xả lũ đến ngập bờ ngập cõi. Lũ liên tục làm các làng, xã, thị trấn ven sông Ba bị xói lở nghiêm trọng, trong đó có khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Đây là khu dân cư đã tồn tại hàng trăm năm nhưng vì lũ nên đang tính đến chuyện di dân.

Thủy điện Sông Tranh (tỉnh Quảng Nam) gây lo lắng cho dân hạ du mỗi khi mùa lũ đến Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Thủy điện Sông Tranh (tỉnh Quảng Nam) gây lo lắng cho dân hạ du mỗi khi mùa lũ đến Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Còn theo ông Phan Văn Ơn, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, hầu như 5 thủy điện đang vận hành ở tỉnh này đều không có khả năng cắt lũ khi mực nước quá lớn. “Khi lượng mưa nhiều, nước tự do tràn qua đập nên các hồ chứa không có khả năng giữ nước. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng lũ lớn ở hạ du” - ông Ơn nói.

Sêrêpốk là con sông lớn nhất tỉnh Đắk Lắk. Trên hệ thống sông này đã mọc lên gần 10 nhà máy thủy điện khiến dòng sông bị cắt ngang dòng chảy, xé toạc đôi bờ. Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah nằm trên sông Krông Nô, chi lưu chính của Sêrêpốk, đã không ít lần xả lũ gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng của người dân.

Ông Văn Thiên Nhân, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah), khẳng định: “Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới không có nhà máy thủy điện nào có thể cắt được hết lũ, cắt được 10% cũng là thành công lắm rồi”.

Thiết kế có vấn đề?

Theo ông Hoàng Trọng Trọng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, hiện tại thủy điện không cắt được lũ vì không xây dựng hồ chứa. Ví dụ như thủy điện Sông Ba Hạ chỉ ngăn sông Ba, lấy lòng sông làm hồ chứa chứ không có hồ chứa riêng.

“Nếu có hồ chứa nước riêng có khả năng chứa hàng trăm triệu mét khối thì mới có thể cắt được lũ nhưng không hiểu sao khi thiết kế, Bộ Công Thương không xây hồ chứa cho thủy điện này” - ông Trọng nói.

Được biết, Bộ Công Thương đã từng cân nhắc đến phương án xây dựng hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ với dung tích khoảng 400 triệu m3 nhưng nghĩ cũng không cắt được lũ trong khi phải mất khoảng 4.500 ha đất nên thôi.

Thực tế, nếu có một hồ chứa dung tích như thế thì trong trận lũ hồi năm 2009, với lưu lượng nước về hồ trên 14.000 m3/giây thì thủy điện Sông Ba Hạ sẽ cắt được lũ gần 8 giờ. Khi đó, người dân hạ du đã không phải ngụp lặn trong dòng nước dữ.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân khiến các thủy điện tại tỉnh này khó có khả năng cắt lũ do không có cửa xả đáy.

“Hầu hết các thủy điện trước mùa mưa lũ đều đạt ở mức mực nước chết, không có cửa xả đáy thì khó có thể tự điều tiết được nước lũ. Các hồ chứa thủy điện có dung tích nhỏ, chỉ cần mưa 1 ngày là nước đã đổ về rất nhanh, các thủy điện đầy nước mới xả, khi đó hạ du cũng đầy nước nên việc xả lũ chỉ làm tăng thêm lũ” - ông Điềm lý giải.

Quy trình vận hành liên hồ chứa: Khó khả thi!

Đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ 9 quy trình vận hành hồ chứa. Theo đó, quy định các hồ chứa phải dành dung tích cố định để phòng lũ. Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nhận định nếu thủy điện vận hành đúng theo quy trình thì có thể không cắt được lũ nhưng sẽ giảm lũ đáng kể.

Cụ thể, tại thủy điện Sông Ba Hạ, nếu theo quy trình này thì trước khi có lũ, hồ thủy điện phải xả nước thấp hơn cao trình thiết kế 3 m. Khi lũ về, hồ sẽ tích được gần 150 triệu m3 nước. Nếu so với trận lũ lịch sử năm 2009 với lưu lượng nước về hồ trên 14.000 m3/giây thì việc xả nước dự phòng như thế sẽ cắt được lũ gần 3 giờ.

Thế nhưng, theo đánh giá của ông Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, quy trình vận hành liên hồ không thể giải quyết vấn đề lũ ở miền Trung - Tây Nguyên được bao nhiêu bởi hạn chế về khoa học công nghệ, khó có thể làm được với mức độ chính xác cao.

Còn theo ông Nguyễn Phiếm - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - quy trình vận hành hồ chứa của Bộ Công Thương áp dụng cho thủy điện Đắk Mi 4 là “không ăn thua”.

Ông Phiếm cho biết thủy điện Đắk Mi 4 đóng tại địa bàn huyện Phước Sơn không giống các công trình khác vì thủy điện này chuyển dòng từ sông Đắk Mi sang sông Trường. Dòng chảy từ sông lớn đổ về sông nhỏ nên việc gây ra lũ lớn cho vùng hạ du là khó tránh khỏi.

“Hồi trước khi xây dựng thủy điện, mấy ổng bảo thủy điện sẽ cắt lũ để giúp dân, ai cũng mong chờ. Giờ thì mấy ổng nói trớt huớt!”.

(Ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

 

Hoài nghi về quy trình liên hồ

Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho biết quy trình vận hành liên hồ có thể góp phần cắt giảm lũ nhưng quan trọng là phải quy định dung tích bao nhiêu và có dung tích rồi thì vận hành như thế nào để đạt hiệu quả.

Ông Giang cho rằng nếu hồ có dung tích quá nhỏ, chỉ vài triệu m3 so với lũ đến hàng tỉ m3 thì không thể cắt được lũ. Trường hợp hồ có dung tích lớn, khoảng 10 tỉ m3 trở lên thì có khả năng cắt lũ nhưng phải theo đúng quy trình là trước khi lũ về cần hạ thấp mực nước trong hồ để có dung tích chứa lũ.

“Nhưng nếu hạ xuống thấp mà lũ chưa về thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện nên các nhà máy thủy điện rất ngại ngần” - ông Giang lý giải.

Th.Dương

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo