xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khát giữa vùng sông nước

THỐT NỐT - DUY NHÂN

Nắng hạn khốc liệt dự báo còn kéo dài khiến nông dân vùng sông nước miền Tây điêu đứng

Nắng nóng cộng với tình trạng nước từ thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu đổ về đồng bằng ít hơn mọi năm khiến người dân ở các địa phương ven biển ĐBSCL đã và đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề chưa từng thấy.

“Chúng tôi sắp kiệt quệ rồi”

Tại vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), người dân các xã thuộc huyện An Minh đang phải vật lộn trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Một số hộ dân bỏ tiền ra khoan giếng nhưng không thành vì nguồn nước ngầm đều nhiễm mặn. Nhiều người dân xã Vân Khánh, huyện An Minh cho biết do phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ nên họ sử dụng hết sức tiết kiệm.

Nhiều hộ dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) bỏ ruộng để đào ao nuôi tôm vì đất nhiễm mặn Ảnh: THỐT NỐT
Nhiều hộ dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) bỏ ruộng để đào ao nuôi tôm vì đất nhiễm mặn Ảnh: THỐT NỐT

Giáp với huyện An Minh, từ bao đời nay, hàng ngàn hộ dân sống dọc tuyến Sông Trẹm (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) luôn canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt vào mùa khô. Hằng năm, người dân vùng này phải dùng lu, khạp, thùng phuy... trữ nước mưa để uống; còn nước sinh hoạt thì mua với giá đắt đỏ vì cả vùng dường như không thể khoan được nước ngầm.

Người dân xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau dùng lu để dự trữ nước trong mùa mưa Ảnh: DUY NHÂN
Người dân xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau dùng lu để dự trữ nước trong mùa mưa Ảnh: DUY NHÂN

Năm nay, mùa khô đến sớm và bất thường, cũng như hàng trăm hộ dân trong ấp, gia đình ông Trịnh Văn Út (66 tuổi; ngụ ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) đã không còn nước sinh hoạt. Gần chục lu nước mưa dự trữ đã cạn từ  giáp Tết. Hơn tháng nay, ông Út phải mua nước sinh hoạt với giá 25.000 đồng/m3. Gặp chúng tôi, ông nói như cầu khẩn: “Mấy chú làm ơn nói với cấp trên mau kéo nước sạch về. Tuy đã quen sống cảnh này rồi nhưng năm nay khắc nghiệt quá, vừa mất mùa vừa thiếu nước nên chúng tôi sắp kiệt quệ rồi”.

Lãnh đạo xã Biển Bạch cho biết đã nhiều lần kiến nghị cấp trên đầu tư trạm nước sạch tại trung tâm xã để kéo về cho bà con dùng nhưng chưa được duyệt vì vấn đề kinh phí. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường Cà Mau, đơn vị này đang làm thủ tục đầu tư 31 tỉ đồng để xây dựng trạm nước ngọt và kéo 75 km đường ống cho bà con sử dụng nhưng thủ tục quá chậm.

Tình trạng khát nước ngọt ở các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang còn nguy cấp hơn vì phần lớn hộ dân sống dựa vào các giếng nước do người dân tự đào ở 2 xã An Sơn và Nam Du. Hiện các giếng này đang dần cạn kiệt nước. Khô hạn cũng làm cho các giếng khoan bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn nên người dân chỉ còn trông cậy vào nguồn cung của hồ chứa nước 30.000 m3 tại xã An Sơn. Tuy nhiên, lãnh đạo xã này cho biết mực nước trong hồ đã vơi đi hơn phân nửa và chỉ cung cấp theo kiểu nhỏ giọt cho người dân sinh hoạt được khoảng 20 ngày nữa.

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đang cần khoảng 50 tỉ đồng để tập trung xây hồ chứa phục vụ cho nước sinh hoạt và một phần cho sản xuất ở vùng U Minh Thượng nhưng vẫn chưa có nguồn. “Đối với các xã đảo, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh các phương án hỗ trợ về chi phí vận chuyển hoặc bằng tiền cho dân mua nước. Cũng có phương án khác là hỗ trợ người dân tiền mua thùng để chứa nước trong mùa khô” - ông Nhựt nói.

Bỏ xứ mà đi

Báo cáo mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho thấy hiện toàn vùng U Minh Thượng (gồm 4 huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng) có hơn 34.000 ha lúa bị thiệt hại và làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 18.000 hộ dân. Trong số này, khoảng 8.500 ha đất không thể trồng lúa lại được vì nhiễm mặn quá nặng. Hàng ngàn hộ dân khác sống ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Hòn Đất, Giang Thành và Kiên Lương cũng đang đối mặt trước nguy cơ mất trắng hàng chục ngàn hecta lúa do hạn, mặn nếu như các ngành chức năng địa phương không có giải pháp kịp thời như đắp đập ngăn mặn và giữ nước ngọt.

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ xã Đông Hưng B, huyện An Minh) cho biết gia đình ông có hơn chục công đất làm 1 vụ lúa và 1 vụ tôm. Vụ hè thu trước, ông vẫn vớt vát lại được vài giạ ( 1 giạ bằng 20 kg lúa) do xâm nhập mặn đến trễ hơn năm nay đôi chút. Còn hiện tại, sau khi lúa chết đứng ngoài đồng thì ông Bình đang ôm món nợ hơn 20 triệu đồng tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không biết đến bao giờ mới trả được. “Tôi đang cầu trời cho mưa thuận gió hòa để vụ tôm kế tiếp ít bị tổn thất và bán được giá. Nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại hoài thì chắc chắn đất đai ở đây sẽ bỏ hoang và người dân cũng lần lượt bỏ xứ mà đi làm thuê. Mọi việc bây giờ phải nhờ sự giúp đỡ của nhà nước thì mới mong vượt qua cơn khốn khó này” - ông Bình nói.

Công bố thiên tai

Tình trạng khô hạn ở Cà Mau cũng đã lên đến đỉnh điểm, UBND tỉnh này phải công bố thiên tai do hạn hán ở cấp độ I. Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại trắng; hàng loạt kênh, rạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nhiều địa phương đã khô cạn. Hạn hán khắc nghiệt đã làm thiệt hại 49.000 ha lúa tại Cà Mau. Nặng nề nhất là diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại hơn 35.000 ha, trong đó có hơn 27.000 ha bị thiệt hại từ 70%-100%. Còn lại trên 12.000 ha diện tích lúa đông xuân cũng thiệt hại nghiêm trọng do thiếu nước.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo