xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khám giám định kết hôn: Nhận tiền “bồi dưỡng” công khai

Theo LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG (Tuổi Trẻ)

Một cô dâu Việt vừa bị sát hại bởi người chồng Hàn Quốc nghi bị bệnh tâm thần. Người ta đã khám sức khỏe tâm thần trước khi kết hôn như thế nào mà lại để xảy ra chuyện đau lòng như vậy?

img
Bác sĩ khám sức khỏe tâm thần cho các cặp Việt - Hàn trước khi kết hôn - Ảnh: L.TH.H.

Ở Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM, mỗi ngày luôn có vài chục cặp người Việt kết hôn với người nước ngoài đến khám (gọi là khám kết hôn). Đa số cô gái Việt đến đây đều lấy chồng người Hàn Quốc, Đài Loan. Các cặp vợ chồng tương lai thường ngồi lặng lẽ bên nhau, không ai nói với ai lời nào bởi hai bên bất đồng ngôn ngữ. Chỉ những người môi giới hăm hở nhất, họ cầm trên tay hàng xấp hộ chiếu, tờ khai đăng ký kết hôn và chạy ra chạy vào phòng khám rất tự nhiên.
 
Những mảnh đời...
 
Sáng 15-7, chúng tôi có mặt ở phòng khám giám định kết hôn. Ngoài dãy ghế dành cho các cặp vợ chồng chỉ có chị T. (22 tuổi, ngụ Kiên Giang) đến một mình. T. ngồi yên lặng, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn ra phía cầu thang.
 
Nói chuyện với chúng tôi, T. bảo đang ngồi đợi ông chồng người Hàn Quốc. Người này T. chỉ biết qua ba ngày mai mối và mới đi ăn chung với ông ta một lần cùng với người phiên dịch.
 
Khi ông ấy “chấm” T., dịch vụ mai mối đã lo ngay giấy kết hôn cho hai người và hẹn ngày cùng đi khám sức khỏe. T. kể, chồng tương lai của cô ở khách sạn, hẹn những người môi giới 9g sẽ đến, nhưng T. đợi đã nửa giờ vẫn chưa thấy ông ấy đâu.
 
Theo lời T., sau khi khám sức khỏe, hôm sau sẽ diễn ra lễ cưới, có cha mẹ T. từ quê lên dự. T. cho biết người cô sắp lấy làm chồng đã có một đời vợ và một đứa con riêng, hơn cô đến 26 tuổi nhưng cô vẫn thích lấy ông ấy để thoát kiếp nghèo cũng như thoát khỏi cuộc đời lam lũ với đồng ruộng.
 
Gần 10g, người mà T. trông ngóng mới tới. Ông ta có dáng đi chậm chạp, khoảng 60 tuổi. Rất nhanh chóng, người môi giới cùng T. và người đàn ông Hàn Quốc bước vào phòng khám.
 
Cũng tại phòng khám kết hôn, chị H. (24 tuổi, ở Kiên Giang) kể chị được một người mai mối từ quê giới thiệu lên TP. Hai tháng trước, họ đưa chị đến ở trong một căn nhà thuộc P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM. Tại đây, các cô gái quê như chị được những người đàn ông Hàn Quốc đến xem mặt, chọn làm vợ.
 
Khám sức khỏe tâm thần là thủ tục cuối cùng, sau đó thường kết thúc bằng một đám cưới mà nhiều cô kể rằng không biết sẽ diễn ra ở đâu, khi nào.
 
Ngày nào cũng vậy, càng về gần trưa hoặc gần cuối giờ chiều, các cặp vợ chồng ngồi đợi khám ở Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM mỗi lúc một đông. Sáng 15-7, phòng khám kết hôn với người nước ngoài có bác sĩ L.H., bác sĩ L.H.M. và bà K.V.A. ngồi tiếp nhận hồ sơ, gọi tên người khám. Cả hai bác sĩ đều không mặc blouse khi khám bệnh.
 
Vừa đưa tiền vừa làm thủ tục
 
Bên ngoài phòng khám, một số đôi đi khám lẻ tranh thủ lấy những tờ bạc loại 100.000, 200.000 đồng kẹp vội vào hộ chiếu. Với những người môi giới, nếu tổ chức đoàn đi khám đông thì họ chuẩn bị cả xấp tiền loại 50.000, 100.000 đồng. Chúng tôi vờ hỏi một phụ nữ đang ngồi đợi ở cửa phòng khám: “Phải cho tiền bác sĩ hả chị?”. Chị này nhìn chúng tôi như người từ trên trời rơi xuống.
 
Một chị khác ngồi cạnh thấy vậy ra điều thông cảm, giải thích: “Phải đưa chứ. Đưa để được khám nhanh, lấy giấy tờ nhanh. Không đưa thì đợi đến mai”. Chị này bảo đúng ra ngày mai chị mới được nhận kết quả, nhưng do vừa “bồi dưỡng” cho nhân viên 200.000 đồng nên được đợi lấy ngay. Vì vậy, chị phải vừa đưa tiền cho bác sĩ vừa đưa tiền cho nhân viên làm thủ tục giấy tờ.
 
Việc khám diễn ra rất đơn giản, chỉ là bác sĩ hỏi và ghi vào phiếu khám sức khỏe tâm thần. Cả bác sĩ L.H.M. và L.H. đều hỏi tất cả các cặp vợ Việt, chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan... những câu gần như giống nhau kiểu như: bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, học lớp mấy, quen nhau bao lâu, cha mẹ tên gì, có bị té, bị chấn thương đầu bao giờ chưa? Gia đình có ai bị tâm thần không...?
 
Có đôi lúc, bác sĩ yêu cầu giải thích câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là gì? Trong lúc ngồi đợi, chúng tôi nghe được đoạn đối thoại khám bệnh giữa bác sĩ L.H.M. và một cô gái: “Ba (của cô) bao nhiêu tuổi?”, “Không biết! Hỏi sinh năm mấy thì biết”. “Vậy sinh năm mấy?”. Cô gái không trả lời được. “Không nhớ à?”, “Không nhớ!”. “Học lớp mấy”, “Lớp 2”...
 
Quan sát nhiều ngày, chúng tôi tận mắt thấy có việc bác sĩ, nhân viên phòng khám kết hôn nhận tiền của những người đến khám hoặc nhận từ người môi giới. Chúng tôi hỏi thẳng bác sĩ L.H. về chuyện nhận tiền, ông trả lời tỉnh bơ: “Cho thì nhận chứ đâu có ai bắt buộc. Cái đó người ta tự nguyện”.
 
Chúng tôi hỏi một ngày nhận được bao nhiêu tiền của người đến khám, bác sĩ này nói: “Cái đó làm sao biết được”. Khi chúng tôi đề nghị ông đếm thử số tiền đã nhận được để trong hộc bàn làm việc thì ông im lặng.
 
Về việc bác sĩ, nhân viên nhận tiền “bồi dưỡng” của bệnh nhân, ông Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM - cho rằng do người làm dịch vụ, môi giới “họ làm như thế với bác sĩ” và “mình chỉ nhắc nhở thôi”.
 
Khi chúng tôi nói một ngày khám rất nhiều người, số tiền nhận là rất lớn thì ông giải thích: “Theo lịch khám, mỗi tháng bác sĩ chỉ được khám kết hôn có một ngày... Còn “cò” mồi, dịch vụ đến bồi dưỡng bác sĩ thì chẳng thể kiểm soát được”.
 
Bệnh viện có kiểm điểm, xử lý những bác sĩ, nhân viên nhận tiền “bồi dưỡng”? Theo bác sĩ Thắng, việc “bồi dưỡng” tiền là bình thường, đó là chuyện tình cảm chứ không phải hối lộ.
 
“Về nguyên tắc, bác sĩ phải làm đúng trách nhiệm, không được vòi vĩnh. Có bác sĩ nhận, có bác sĩ không nhận, cái đó là tùy từng cá nhân, chúng tôi đâu có thời gian theo dõi. Tôi nghĩ không vì mấy đồng tiền đó mà họ làm méo mó kết quả chẩn đoán” - bác sĩ Thắng nói.
 

Có trường hợp bị lọt

Ông Trịnh Tất Thắng cho biết trung bình mỗi tuần bệnh viện khám kết hôn khoảng 300-400 người (150-200 đôi vợ chồng). Khám tâm thần là khám cảm xúc, hành vi, tác phong, tư duy. Việc khám có quy trình và một ngày sau mới trả kết quả giám định. Kết quả khám giám định có giá trị ba tháng. Trường hợp nghi ngờ có bệnh mới làm thêm các xét nghiệm, trắc nghiệm... Kết quả khám nhiều năm qua cho thấy đại đa số các đôi đến khám đều không có vấn đề gì về tâm thần. Tuy nhiên, có thể có những trường hợp bị lọt do người đến khám cố tình không khai báo hết bệnh tật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo