xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hơn cả tượng đài

VÕ KIM NGÂN

Không ai sinh ra để được dựng tượng đài. Càng không ai muốn nỗi đau của mình được tô đắp nên tượng.

Nỗi đau, sự hy sinh vô bờ bến của các bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng triệu triệu người mẹ liệt sĩ ở Việt Nam đã tự dựng nên tượng đài trong lòng người dân và con cháu muôn đời.

Với mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), từ tháng 12-2011, ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có con đường mang tên Mẹ. Để ghi nhớ công lao to lớn của các mẹ, từ năm 2004, khu tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Thứ đã được xây dựng tại núi Cấm, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nay đã sắp hoàn thành.

Mẹ Thứ  lúc sinh thời và người con đầu - mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Mẹ Thứ  lúc sinh thời và người con đầu - mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Mẹ Thứ - người có 9 con và 2 cháu là liệt sĩ - ra đi đã tròn 4 năm. Khu vườn nhà mẹ ở xã Điện Thắng giờ đã đổi khác, được sửa lại vuông vức, thẳng thớm. Nhà mẹ được nâng nền, xây cao thoáng mát, đặt bàn thờ những người đã khuất.

Sống trong nhà mẹ Thứ giờ là người cháu nội Lê Tự Hiệp. Anh Hiệp cùng vợ đã chuyển từ Đà Nẵng về đây sau ngày mẹ Thứ ra đi để hương khói cho ông bà, các chú và chăm sóc ngôi nhà, khu vườn.

Trước đây, mỗi lần đến thăm mẹ Thứ, tôi thường gặp bà Lê Thị Trị, con đầu và là con gái duy nhất trong 11 người con của mẹ, nhà ở gần đó. Sau khi mẹ Thứ mất, bà Trị về ở cùng nhà với con gái lớn. Có chồng và 2 con là liệt sĩ, bản thân là thương binh, bà Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Sống cạnh mẹ Thứ lâu nhất, bà Trị là người chứng kiến những nỗi đau vô tận mà mẹ phải gánh chịu do chiến tranh. Đôi khi, bà phải đè nén nỗi đau riêng để chia sẻ và là chỗ dựa tinh thần cho mẹ Thứ trước những nỗi đau dồn dập ập đến. Nỗi đau nương tựa nỗi đau. Hai phụ nữ, hai bà mẹ chồng chất những nỗi đau nương tựa vào nhau nhưng vẫn âm thầm tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Nay đã 90 tuổi, bà Trị vẫn bật khóc khi nhắc đến mẹ của mình. “Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mẹ. Mẹ thoa nắn tay chân tôi như an ủi, vỗ về” - bà kể. Sống thật giản đơn, không đòi hỏi gì nhiều, bà rất thanh thản khi kể về cuộc đời của mình.

Nếu sau chiến tranh, nhiều người lính Mỹ và gia đình họ đã trải qua “Hội chứng chiến tranh Việt Nam” thì những phụ nữ Việt - vốn phải chịu tận cùng nỗi đau và sự mất mát - lại dường như rất thanh thản đối mặt tất cả để sống. Dường như họ đã bỏ qua tất cả, không nuôi lòng hận thù. Thay vào đó, họ vui mừng vì đất nước được hòa bình và không muốn nhắc đến những năm tháng chiến tranh đau khổ.

Sau chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa, thiết tha được chứng kiến lòng khoan dung, sự tha thứ của người Việt Nam. Khi biết được những hy sinh, mất mát của nhiều người Việt Nam, không ít cựu binh từ chỗ sửng sốt đã bày tỏ cảm phục, yêu quý, ngưỡng mộ và họ muốn làm điều gì đó để thể hiện sự kính trọng, khâm phục.

Cũng ở Điện Bàn, tại xã Điện Hòa, nằm sát xã Điện Thắng, ông James Gion - một cựu binh Mỹ và là nhà điêu khắc - đã bỏ nhiều thời gian để làm tượng đồng cho mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhứt (97 tuổi). Ông còn có tâm nguyện đúc tượng cho 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng đang sống của xã.

Năm 1969, khi 22 tuổi, James sang Việt Nam, là lính hải quân đóng ở Đà Nẵng, sau đó về Quân cảng Sài Gòn. Năm 1971, giải ngũ, ông trở về Mỹ. Tốt nghiệp đại học ngành điêu khắc, James qua Nhật sinh sống nhưng cứ bị nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam bám riết. Năm 2000, ông quyết định quay lại Việt Nam rồi từ đó thường xuyên đến thăm đất nước của những người dân thân thiện này.

Năm 2013, một lần ngồi với những người bạn Việt Nam, James được nghe kể về mẹ Nguyễn Thị Nhứt - người có chồng và 4 con hy sinh trong chiến tranh, hiện sống với người con dâu là vợ liệt sĩ. Ông đã tìm đến thăm mẹ Nhứt. Chuyện trò với gia đình, ông xin phép được làm bức tượng bán thân bằng đồng cho mẹ.

Ông Lê Nguyên Hồng - người con trai duy nhất của mẹ Nhứt còn sống, cũng là một thương binh - cho biết khi ông James đề nghị đúc tượng mẹ, gia đình rất vui. “Sự hy sinh của mẹ thật lớn lao, không gì có thể bù đắp được. Mẹ giờ tuy đau yếu nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Có bức tượng thì con cháu mãi còn thấy mẹ, hiểu được sự hy sinh của mẹ, nhớ công lao to lớn ấy mà sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn để làm được nhiều điều tốt đẹp” - ông Hồng thổ lộ.

Vâng, tượng đài về mẹ là để gửi gắm nỗi khát khao ngàn đời của các bà mẹ, của dân tộc Việt Nam về hòa bình, về sự bình yên cho cuộc sống, cho mái nhà và con cháu. Khát vọng của mẹ là khát vọng mùa Xuân vĩnh viễn mà nhân loại luôn hướng đến. Nỗi đau, sự mất mát của các mẹ luôn nhắc chúng ta cái giá của hòa bình quá lớn, hãy giữ lấy bầu trời hòa bình trong trẻo như sớm Xuân này.

Bầu trời mùa Xuân như xanh hơn. Những con chim bồ câu tung cánh dưới nắng vàng ấm áp...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo