xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa nhà hàng nổi

Nhóm Phóng viên

Nhiều nhà hàng nổi dựng trên cột gỗ mục nát, không biển cảnh báo, du khách thoải mái ngồi chụp ảnh trên lan can sơ sài

Hiện trên vịnh Hạ Long (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có một số bè kinh doanh ăn uống dạng nhà hàng nổi (NHN) và không ít trong số đó đã xuống cấp. Hệ thống làm nổi chủ yếu là phao xốp sử dụng từ rất lâu nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Không giấy phép, cứ làm liều

Để bảo đảm an toàn cho du khách, trong tháng 6-2016, UBND TP Hạ Long đã có kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với các bè tại khu vực Cột 5 của vịnh Hạ Long (trừ NHN JumBo Đại Dương). Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bè ở đây vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, do đang mùa du lịch nên lượng khách xuống bè ăn uống đông hơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tính mạng khách hàng cũng như cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Hoàng Quang Hải, TP sẽ tháo bỏ hoàn toàn các bè nói trên, yêu cầu các hộ lên bờ kinh doanh. Ông Hải nhận định hoạt động kinh doanh trên bè rất nhiều bất cập do hầu hết kết cấu không an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách.

Trên đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), rất nhiều NHN cũng đang thu hút du khách đến ăn uống mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều NHN đang trong tình trạng xuống cấp, mất an toàn. NHN Việt Long là một dãy nhà lúp xúp, nổi hoàn toàn trên đầm Lập An nhờ những thùng phuy nhựa kết nối với nhau, nằm cách bờ hơn 100 m. Sàn NHN này làm bằng gỗ tạp, nhiều tấm nứt nẻ, mái tôn gỉ sét. Thông với bờ là 2 cầu gỗ cũng nổi lên mặt nước nhờ những thùng phuy nhựa.

Một nhà hàng nổi xây cất sơ sài tại vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) Ảnh: Lê Trường
Một nhà hàng nổi xây cất sơ sài tại vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) Ảnh: Lê Trường

Chủ NHN Việt Long cho biết nhà hàng hoạt động đã 5 năm, kết cấu đa phần bằng gỗ nên rất nhanh xuống cấp, hư chỗ nào sửa chỗ ấy. Khi được hỏi việc hoạt động của nhà hàng có được cấp phép không, người này thừa nhận không có phép, cứ làm liều, mỗi năm cán bộ xuống kiểm tra hạ tầng 2 lần.

Cạnh NHN Việt Long là NHN Bé Thân trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hơn bởi các phần kết cấu gỗ nứt nẻ, mục ruỗng, nhiều cột chống bằng cây tràm đã gãy nhưng không được thay thế. Thế nhưng, người quản lý vẫn cười xòa: “Anh không nên quá lo. Trong những ngày hè này, một lúc nhà hàng có thể chứa tới 500 người mà không sao cả”.

Ở TP Cam Ranh và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng có nhiều NHN thiết kế tương tự như vậy. Hoạt động kinh doanh, xây dựng mang tính tự phát nên các NHN này gần như không tuân thủ theo một quy định nào của cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng với kiểu thiết kế như thế, khi xảy ra vụ NHN trên vịnh Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) hôm 23-7, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận mới nhận ra sự nguy hiểm của 6 NHN trên vịnh này. Với kiểu thiết kế quá sơ sài, chỉ cần vài trận gió mạnh tạo sóng lớn là NHN có thể gặp sự cố, nhất là trong dịp lễ, Tết hay ngày cuối tuần thường có rất đông du khách đến ăn uống.

Trên sông Rạng và sông Chà Và thuộc phường 12 và xã Long Sơn của TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 7 cơ sở dạng bè nổi bằng gỗ, mái bằng tôn hoặc lá dừa, kinh doanh dịch vụ ăn uống kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc đưa du khách di chuyển bằng tàu từ bờ ra các NHN này chưa bảo đảm an toàn bởi việc cấp áo phao không tuân theo bất kỳ một quy định nào. Trên sông không có cảnh báo, hướng dẫn cụ thể về luồng lạch, các tàu chạy tự do qua lại giữa NHN và các bến. Hàng rào bao quanh nhiều NHN được dựng bằng tre, nứa, không có biển cảnh báo để phòng ngừa; du khách thoải mái ngồi lên lan can sơ sài bằng tre, nứa để chụp ảnh. Đa số các cơ sở này tự lấn chiếm mặt nước để kinh doanh. Điều đáng lo ngại là hầu hết các NHN này đều nằm trên luồng giao thông đường thủy, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa; bến thủy nội địa tự mở để đưa khách từ bờ ra NHN khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tại TP Cần Thơ, ngày 8-1-2011 đã xảy ra vụ chìm NHN Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) gây hốt hoảng cho hàng trăm thực khách. May là không thiệt hại về người. Khi kiểm tra, NHN này cũng chưa qua đăng kiểm và chưa được cấp phép hoạt động.

Cương quyết xử lý?

Sau vụ lật NHN ở vịnh Vĩnh Hy, chiều 25-7, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã họp để chỉ đạo xử lý, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trước khi sự cố lật NHN xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này đã yêu cầu các địa phương có nhà hàng dạng bè nổi phục vụ ăn uống, nhất là ở TP Cam Ranh, phải rà soát, kiểm đếm, thông báo lộ trình dừng hoạt động (trong năm nay) để đề phòng sự cố đáng tiếc.


Cột chống của nhà hàng nổi Bé Thân (đầm Lập An, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị gãy nhưng không được thay thế.

Ảnh: Quang Quý

Cột chống của nhà hàng nổi Bé Thân (đầm Lập An, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị gãy nhưng không được thay thế.

Ảnh: Quang Quý

Lãnh đạo TP Cam Ranh cho biết TP này có 22 NHN không đủ tiêu chuẩn đang hoạt động và theo chỉ đạo của Thành ủy, cuối tuần này sẽ mời các xã, phường đến nhắc nhở và có văn bản đình chỉ các hoạt động, dịch vụ trên bè không đủ tiêu chuẩn; các phương tiện giao thông không được kiểm định cũng không cho hoạt động. Tuy nhiên, ông Trần Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP Cam Ranh - lại nói chỉ riêng xã này đã có 32 bè nổi hoạt động và cũng chỉ có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, còn tiêu chuẩn kỹ thuật đối với kiến trúc như thế nào để bảo đảm an toàn thì chưa thấy, cơ quan chức năng cũng không hướng dẫn gì.

Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, TP này có 11 NHN dạng bè và cũng chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn nào về an toàn. Ban quản lý chỉ yêu cầu các hộ cam kết mua sắm trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường biển. “Nếu theo các tiêu chí về phương tiện thủy lưu trú đêm, làm NHN thì các cơ sở này khó đáp ứng” - ông Thái nói.

Từ tháng 3-2016, UBND TP Vũng Tàu đã rà soát các NHN đang hoạt động trên sông. Qua kiểm tra 4 cơ sở, kết quả cho thấy chưa được giao hoặc cho thuê mặt nước, chưa đăng ký bè nổi và việc hoạt động bến thủy nội địa cũng chưa được cấp phép nên đã xử phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), gần đây có một số trường hợp bè nổi nuôi cá ở địa phương này chuyển sang làm dịch vụ du lịch hoặc kinh doanh ăn uống nhưng chỉ có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy cũng như đối với tính mạng du khách. Trong đó, cơ sở Sò Phượng (thuộc phường Châu Phú B) trước đây chỉ được cấp phép hoạt động trên bờ, sau đó họ mua bè gỗ rồi nối tiếp quán ăn cũ ra sông Hậu. “Với cách cơi nới như thế rất khó bảo đảm an toàn về mặt giao thông đường thủy. Nguy hiểm hơn, vị trí đặt bè nổi gần sát với bến phà Châu Giang, nơi có lưu tốc dòng chảy rất lớn mỗi khi nước lũ về. Sắp tới, TP Châu Đốc sẽ lập đoàn kiểm tra và nhắc nhở cơ sở này” - ông Tuấn khẳng định.

Chưa rõ loại hình để xử lý

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 25-7, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Công an tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ lật NHN ở vịnh Vĩnh Hy để xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan.

“Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng nên chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra kỹ, chặt chẽ, tránh sai sót để tỉnh có hướng xử lý đúng. Phải làm nhanh trong thời gian ngắn nhất” - ông Nam khẳng định.

Trả lời câu hỏi vì sao các NHN không đủ điều kiện về an toàn giao thông đường thủy nhưng vẫn tồn tại trong thời gian dài, bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết việc kinh doanh ăn uống của các NHN là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Từ trước đến nay, huyện và Sở Giao thông Vận tải lấn cấn không biết xếp các NHN này vào loại hình giao thông đường thủy nào nên chưa xử lý được.

Trong khi đó, ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thông tin vào tháng 7-2015, sở này đã xử phạt hành chính 6 NHN ở vịnh Vĩnh Hy vì không bảo đảm các quy định về an toàn giao thông.

Tạm đình chỉ hoạt động của bè nổi kinh doanh ăn uống

Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết đã ký quyết định đình chỉ hoạt động tạm thời các bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn do hình thành tự phát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước; không có giấy phép hoạt động đường thủy nội địa; không đăng ký, đăng kiểm kinh doanh bến thủy nội địa. Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, UBND TP Vũng Tàu yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của các bè nổi cho đến khi có sự cho phép hoạt động của cơ quan thẩm quyền.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo