xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết lòng tôn kính Đại tướng

Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH

Hơn 3.000 bức ảnh gắn với những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được chú thích rõ ràng theo thứ tự thời gian. Đó là những kỷ vật quý giá mà anh Đào Thông miệt mài sưu tầm suốt gần 43 năm

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi đến thăm anh Đào Thông, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), hiện đang nghỉ hưu ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.

Dưới cái nắng gay gắt của tháng 8, cát bốc hơi nóng hầm hập nhưng anh vẫn say sưa cắt, dán. Dù những giọt mồ hôi tứa ra, lăn tròn trên lưng và nhỏ giọt xuống bàn, anh vẫn cắm cúi làm không để ý đến tôi.

Sưu tập rất công phu

“Chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là cựu chiến binh, tôi muốn được làm cái gì đó để chào mừng sinh nhật của Đại tướng” - anh chậm rãi.

Tôi xin anh xem 4 tập tài liệu quý giá về Đại tướng mà anh cắt từ các tờ báo trong gần 43 năm qua và đã đóng thành từng tập. Trang bìa mỗi tập được dán tiêu đề bằng chữ đánh máy to đậm. Tập 1: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam”; tập 2: “Vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình”; tập 3:

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng dân”; tập 4: “Vĩnh biệt Đại tướng của nhân dân”.

Mỗi tập tài liệu chứa trên 100 tờ bìa dán vào tờ báo và gáy bìa dán băng dán sau đó đục lỗ bỏ vào tập, rất công phu và tốn khá nhiều chi phí.

Anh Đào Thông và những tài liệu quý trong bộ sưu tập về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Anh Đào Thông và những tài liệu quý trong bộ sưu tập về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hơn 3.000 bức ảnh gắn với những bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng đều được anh chú thích rõ ràng theo thứ tự thời gian, kể lại một cách phong phú cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go, gian khổ nhưng rất kiên cường, bất khuất, anh dũng và tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả những hình ảnh về thời gian Đại tướng lâm bệnh nặng, được Đảng, nhà nước, quân đội, trực tiếp là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội) tận tình chăm sóc, cứu chữa; đến khi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng phải đau thương tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Anh Thông đặc biệt tâm đắc với những bức ảnh: Đại tướng được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tướng cưỡi ngựa đi chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950; Đại tướng cùng Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào năm 1953; Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ... Đặc biệt là bức ảnh Đại tướng với Bác Hồ, chụp trong ngày vui độc lập (2-9-1945) mà anh phóng to, lồng vào khung trang trọng, treo ngay ngắn trên bức tường chính giữa nhà.

Để có được 4 tập bộ sưu tập quý giá, anh đã trải qua một quá trình sưu tập rất công phu.

Có những lần, sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin, bài viết về Đại tướng, anh đã đến các thư viện tìm kiếm trong hàng ngàn tờ báo lưu giữ để có được bài viết, hình ảnh mà anh mong muốn.

Nhiều lần, với chiếc xe đạp cà tàng, anh vượt hơn 40 km từ Đồng Hới về huyện Lệ Thủy - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - để thăm nhà lưu niệm và sưu tầm thêm một số hình ảnh là tư liệu quý của gia đình Đại tướng.

Năm 1973, trong lúc đang ở chiến trường ác liệt, đơn vị của anh bất ngờ được nhận món quà của Đại tướng từ miền Bắc gửi vào Nam cho đơn vị.

“Mỗi chúng tôi được nhận quà là một điếu thuốc lá Điện Biên, một chiếc kẹo Hồng Hà, một phong bì có hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ cùng chữ ký của Đại tướng. Nhận được món quà đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như được tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu dũng cảm hơn, lập được nhiều chiến công và được Đại tướng khen ngợi. Đến nay, tôi vẫn lưu giữ chiếc bì thư đó” - anh kể về lai lịch của một tấm ảnh trong bộ sưu tập của mình.

Chưa thể nghỉ vì chưa tròn bổn phận

Càng xem, tôi càng cảm phục anh hơn. Hỏi thăm tình hình gia đình anh, tôi rất vui khi được biết con trai đầu của anh là anh Đào Giang Sơn, từ một nhân viên điều dưỡng nay đã tốt nghiệp thạc sĩ điều dưỡng và đang nối nghiệp cha tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Cuộc đời anh cũng lắm gian truân. Sinh tại xã Bảo Ninh, một miền quê nghèo bên bờ sông Nhật Lệ (nay thuộc xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới), 8 tuổi anh đã mồ côi cha, 13 tuổi thì người mẹ cũng về nơi suối vàng. Năm 1968, khi 17 tuổi, anh thi đỗ vào Trường Y sĩ tỉnh Quảng Bình. Học mới được một năm, trường cử anh sang tỉnh Savannakhet (Lào) giúp nhân dân nước bạn chống dịch bệnh. Tháng 2-1970, anh trở về trường cũ tiếp tục học tập rồi nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay. Anh từng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được kết nạp Đảng tại chiến trường. Xuất ngũ, anh về nhận công tác tại Sở Y tế Quảng Bình rồi về Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba cho đến năm 2011 thì nghỉ hưu.

Hiện đã 65 tuổi nhưng cựu chiến binh Đào Thông vẫn hăng hái tham gia các công việc của địa phương. Công việc nào anh cũng tích cực tham gia và hoàn thành tốt, được cấp ủy, chính quyền, bà con thôn xóm và đồng nghiệp tin yêu. Thấy anh đảm đương nhiều công việc, có người khuyên anh nên nghỉ ngơi cho tuổi già thư thái nhưng anh chỉ cười: “Tôi chưa thể nghỉ được, vì như thế là chưa làm tròn bổn phận của một cựu chiến binh - Bộ đội Cụ Hồ. Chính những phẩm chất và đức hy sinh vì nước, vì dân của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cho tôi bầu nhiệt huyết cách mạng. Những bộ sưu tập của tôi cũng góp phần giúp con trai mình luôn có chí tiến thủ vươn lên và thành đạt như hiện nay”.

“Những người lính Cụ Hồ như chúng tôi từng trải qua bom đạn chiến tranh, càng thấu hiểu và quý trọng những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân. Do vậy, tôi luôn nghĩ mình phải cố gắng sưu tầm, để lại cho thế hệ mai sau những tư liệu, hình ảnh sống động, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc” - anh Đào Thông tâm sự.

Sống mãi với thời gian

Nghe anh Đào Thông tâm sự và tận mắt nhìn bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập trang nghiêm tại nhà của anh, tôi càng hiểu thêm về lòng tôn kính vô hạn của anh đối với Đại tướng và càng tự hào với mảnh đất Quảng Bình gió Lào, cát trắng, thời tiết khắc nghiệt nhưng đã sinh ra vị tướng huyền thoại lừng danh của dân tộc Việt Nam, đã làm “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo cho anh có thêm động lực để suốt hàng chục năm qua say sưa, miệt mài sưu tầm, cất giữ tư liệu, “như con ong cần mẫn mang mật ngọt cho đời”.

Chia tay anh, tôi thấy lòng mình phấn chấn và hy vọng những bộ sưu tập quý giá của anh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ luôn sống mãi với thời gian, phát huy hiệu quả hơn nữa trong giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, hiện nay, khi các thế lực phản động đang ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình” để chống phá Đảng, chống phá quân đội ta thì những bộ sưu tập quý giá của anh sẽ là những tư liệu sống, là cơ sở khoa học để góp phần chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù, củng cố thêm niềm tin, từ đó kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ quân đội, bảo vệ thành quả cách mạng để đất nước luôn nở hoa, kết trái độc lập, tự do.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo