xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dừng dự án điện hạt nhân là sáng suốt

Phương Nhung - Văn Duẩn

Tổng mức đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện tăng gần gấp đôi, từ 200.000 tỉ đồng lên gần 400.000 tỉ đồng

Tại cuộc họp riêng vào chiều 10-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bất khả kháng

Trước khi cuộc họp diễn ra, bên hành lang Quốc hội (QH), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng lúc này rất cần một quyết sách của Đảng, nhà nước và QH để chúng ta có bước đi bảo đảm sự phát triển bền vững hơn.

“Khi chúng ta quyết định thay đổi chính sách về điện hạt nhân thì đây là một quyết định bất khả kháng theo những diễn biến và thay đổi trong bối cảnh chung của quốc tế cũng như những yêu cầu của đất nước, như tôi đã nói liên quan đến phát triển bền vững” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Lê Hồng Tịnh cũng cho rằng việc dừng dự án lúc này là hết sức cần thiết, tránh gây thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Tịnh, báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy tổng mức đầu tư dự án tăng quá cao. Khi QH thông qua năm 2009, tổng mức đầu tư chỉ là 200.000 tỉ đồng nhưng hiện đã tới gần 400.000 tỉ đồng. Giá điện khi quyết định đầu tư dự án chỉ 4-4,5 cent/KWh nhưng giờ lên đến gần 8 cent/KWh.

Thời gian qua, người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm đến thông tin về dự án nhà máy điện hạt nhân Ảnh: Lê Trường
Thời gian qua, người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm đến thông tin về dự án nhà máy điện hạt nhân Ảnh: Lê Trường

“Có sự đội giá như vậy bởi sau khi sự cố Fukushima ở Nhật Bản, chúng ta đưa ra yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn. Như thế thì đương nhiên giá bị đẩy cao lên” - ông Tịnh giải thích.

Ngoài ra, theo ông Tịnh, sau vụ Formosa thì yếu tố rủi ro, mất an toàn cũng là vấn đề được quan tâm khi xây dựng dự án điện hạt nhân, nhất là việc giải quyết chất thải hạt nhân, xử lý môi trường. “Qua vụ Formosa vừa qua thì chúng ta càng phải thận trọng. Dừng dự án ở thời điểm này là đúng lúc, cần thiết” - ông Tịnh nhìn nhận.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng việc quyết định dừng dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là sự nhạy cảm rất sáng suốt. Có nhiều lý do dẫn đến việc quyết định dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vào thời điểm này. Cụ thể, trong khi vấn đề nợ công đang tăng cao mà đầu tư vào một công trình có lượng kinh phí lớn như vậy thì chắc chắn không chịu nổi. Đặc biệt là sau sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua, cũng như tai họa đã xảy ra ở Nhật Bản, thì câu chuyện về điện hạt nhân ở đây có “rất nhiều rủi ro”.

Tránh tốn kém thêm

Về việc đã tiêu tốn nhiều tỉ đồng cho khâu chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhưng phải dừng, ông Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh: Dừng lúc này là phù hợp, nếu tiếp tục còn tiêu tốn hơn nữa. “Cái gì cũng có giá của nó và nếu dừng hợp lý thì còn tốt hơn là tiếp tục dự án mà hậu quả sẽ rất lớn. Có những cái chúng ta phải chấp nhận hy sinh” - ông Tịnh lý giải.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để triển khai xây dựng dự án điện hạt nhân, Chính phủ đã chuẩn bị rất đồng bộ nhiều mặt, từ đào tạo, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng... Do đó, để giải quyết hệ lụy xảy ra khi dừng xây dựng nhà máy này, Chính phủ đã nghiên cứu toàn diện, có biện pháp cụ thể.

“Trong bất luận trường hợp nào, chúng tôi nghĩ Chính phủ sẽ có những giải pháp khả thi, tính toán để giải quyết và khắc phục những tồn tại hoặc hệ lụy xảy ra từ quyết định này” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho biết đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bàn giải pháp xử lý một số vấn đề liên quan nếu như Quốc hội đồng ý dừng dự án điện hạt nhân. EVN cũng đã tính toán triển khai các dự án khác tại một số khu vực đã đầu tư, có thể là điện khí, điện mặt trời, điện gió.

Theo ông Việt, để chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân, QH và Chính phủ đã quyết định đầu tư tuyến đường ven biển Ninh Thuận, tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m3). Nếu không tiếp tục dự án điện hạt nhân thì những công trình này vẫn góp phần phát triển cho Ninh Thuận. Cụ thể, đường ven biển sẽ kết nối các địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tốt hơn. Còn hồ Tân Mỹ thì giải quyết vấn đề khô hạn của tỉnh.

“Tỉnh Ninh Thuận vẫn sẽ tiếp tục đề nghị trung ương đầu tư cho 10 dự án thành phần trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, 1 gồm 2 dự án di dân tái định cư (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) để sắp xếp dân cư phòng tác hại của thiên tai, địa điểm cũng đã có rồi; 2 dự án tái định cư, 2 nghĩa trang, 2 dự án nước sinh hoạt, các dự án hạ tầng” - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho hay.

Về việc các du học sinh đang theo học về điện hạt nhân ở nước ngoài, ông Việt cho biết lãnh đạo EVN và lãnh đạo tỉnh đã có hướng giải quyết. Theo đó, du học sinh khi học xong sẽ được bố trí vào làm việc tại các nhà máy điện, chương trình, dự án, ban quản lý dự án của EVN.

“Tôi cho rằng đề xuất dừng dự án là một sự dũng cảm của Chính phủ. Còn trách nhiệm như thế nào thì phải chịu, chứ nếu lúc này không đề xuất, cứ để mọi việc diễn ra thì về sau còn nguy hiểm hơn nữa. Đây là bài học rất là cay đắng cho chúng ta” - ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, nhìn nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo