xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dựa vào đâu Bình Dương quyết xóa trạm thu phí?

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

UBND tỉnh Bình Dương mua lại một trạm thu phí để xóa sổ trước thời hạn. Dù doanh nghiệp bỏ tiền mở đường cũng không đặt trạm thu phí mới

Ngày 13-9, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết hiện nay chủ trương của tỉnh là hạn chế các trạm thu phí mới mọc lên. “Chúng tôi không để người dân, các doanh nghiệp vận tải, đơn vị vận chuyển hàng hóa tốn thêm phí khi đi trên các tuyến đường của Bình Dương” - ông Liêm nói.

Mua lại trạm rồi mở rộng đường

Ông Trần Thanh Liêm xác nhận tỉnh Bình Dương dùng nguồn tiền của mình để mua lại trạm thu phí An Phú (trên Tỉnh lộ 743) và xóa sổ luôn. Song, lý do Bình Dương quyết định cho trạm thu phí này “biến mất” trước thời hạn không phải ai cũng rõ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, quanh trạm thu phí An Phú thường xuyên diễn ra cảnh ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng. Trạm này nằm trên trục đường khá hẹp nhưng lại đảm đương nhiệm vụ như một trong những trục đường chính kết nối Bình Dương - TP HCM, kết nối hàng loạt KCN lớn của Bình Dương như VSIP, Sóng Thần, Nam Tân Uyên… Xe chở hàng nguyên liệu, hàng hóa qua đây vừa mất tiền thu phí vừa bị ách tắc.

Trạm thu phí An Phú đã được tháo dỡ
Trạm thu phí An Phú đã được tháo dỡ

Nhằm chấm dứt hiện trạng trên, UBND tỉnh Bình Dương quyết định mở rộng Tỉnh lộ 743 (đoạn sẽ mở rộng dài 12,3 km từ cầu vượt Sóng Thần đến miếu Ông Cù). Tổng Công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) là đơn vị được giao đầu tư nâng cấp, mở rộng 12,3 km đường này lên 6 làn xe, vốn đầu tư là 1.329 tỉ đồng.

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương khẳng định sau khi đầu tư nâng cấp đường, Becamex IDC sẽ không đặt trạm thu phí trên đường này. Số tiền cụ thể mà tỉnh Bình Dương bỏ ra để xóa sổ trạm thu phí An Phú đang được Sở Tài chính Bình Dương tính toán với chủ đầu tư. Nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết chủ đầu tư đã thu phí tại trạm này nhiều năm nên mức giá bán lại chưa tới 40 tỉ đồng!

Sẽ không có trạm thu phí mới

Trả lời câu hỏi sau trạm thu phí An Phú, UBND tỉnh Bình Dương có dự định mua thêm trạm thu phí khác để xóa sổ hay không, ông Trần Thanh Liêm cho biết đây là vấn đề khó vì tỉnh phải cân đối, bố trí đủ nguồn vốn mới làm được. Tuy nhiên, ông Liêm cho biết các tuyến đường lớn đang xây dựng ở Bình Dương như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, tỉnh lộ 746, 747B sẽ không đặt trạm thu phí.

Quyết định trên của UBND tỉnh Bình Dương được xem là bất ngờ vì các tuyến đường trên do doanh nghiệp Becamex IDC đầu tư rất tốn kém. Cụ thể đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng chỉ riêng vốn đầu tư xây dựng đã lên tới 4.000 tỉ đồng (hiện một phần dự án đã thông xe). Hai tuyến đường ĐT746, ĐT747B cũng đang được xây dựng với quy mô 6 làn xe, chi phí khoảng 700 tỉ đồng/tuyến.

Trả lời phóng viên về việc tại sao chấp nhận đầu tư 3 tuyến “đường khủng” mà không đặt trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC, chỉ vào bản đồ nói: “Nếu chúng tôi đặt trạm thu phí thì sẽ đặt 2 trạm trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng và 2 trạm trên tỉnh lộ 746, 747B. Trong khi đó, Bình Dương đã có 11 trạm thu phí rồi. Đặt thêm nữa thành ra mê hồn trận. Bây giờ doanh nghiệp cần vận chuyển, trung chuyển nhanh, giảm bớt thời gian, giảm bớt chi phí mà “đẻ” ra nữa thì Bình Dương cực kỳ khó khăn”.

Vậy tiền đâu để Becamex IDC xây đường, mở các tuyến đường trên? Ông Hùng cho biết các tuyến đường này hiện được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh Bình Dương sẽ dùng tiền ngân sách để đền bù giải tỏa. Becamex IDC chịu chi phí xây dựng. Phần chi phí xây dựng này sẽ được tính vào giá thành các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ có liên quan đến tuyến đường vừa mở. Theo ông Hùng, Becamex IDC đủ tiềm lực để xây dựng những tuyến đường cần chi phí lớn như trên.

Một cán bộ của tỉnh Bình Dương am hiểu lĩnh vực giao thông vận tải cho hay những tuyến đường Becamex đầu tư vừa phục vụ dân sinh nhưng cũng đóng vai trò là “đường dẫn”, đường “tạo lực” phục vụ việc phát triển nhiều KCN, khu đô thị, dịch vụ tại Bình Dương, trong đó có nhiều khu do Becamex là chủ đầu tư. Nếu anh chỉ xây KCN, xây khu đô thị dịch vụ mà không xây đường dẫn, đường kết nối ngon lành thì rất ít nhà đầu tư đổ vốn vào. Là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, Becamex IDC đương nhiên nhìn thấy hiệu quả từ việc mình bỏ tiền ra làm đường. “Nếu Becamex IDC đặt trạm thu phí quá nhiều thì nhà đầu tư sẽ ngán. Không đặt trạm thu phí thì nhà đầu tư sẽ đến thuê đất, thuê hạ tầng kinh doanh, sản xuất nhiều hơn; KCN, khu đô thị dịch vụ sẽ lấp đầy nhanh hơn. Giá cho thuê cũng có thể cao hơn trước. Xét về lâu dài đơn vị chủ động bỏ tiền mở đường sẽ không lỗ vốn, người dân thì vui” - vị này phân tích.

Qua rồi thời ồ ạt BOT

Một người từng là đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương tâm sự: “Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc mở đường theo hình thức BOT (đặt trạm thu phí) để phục vụ phát triển công nghiệp. Hình thức này đã giúp ích nhiều cho tỉnh nhưng về sau tình hình không ổn. Nhiều đoạn hẹp, ngắn cũng làm BOT. Người dân, doanh nghiệp không hài lòng. Họp HĐND, tôi phản đối BOT riết”. Theo vị cán bộ này, hiện nay Bình Dương là một trong những tỉnh đóng góp ngân sách nhiều nhất về trung ương. Ngân sách tốt nên Bình Dương mới có thể tính đến chuyện dẹp phong trào BOT.

Ngoài ra, việc xóa và hạn chế thu phí trên đường sẽ góp phần giúp giá thành sản phẩm giảm lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo