xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đối ngoại giỏi, “đối nội” cũng hay

Dương Ngọc

Họ là những phụ nữ duyên dáng, xinh đẹp, trí tuệ sắc bén với nhiều đóng góp trong hoạt động đối ngoại của nước nhà. Giỏi việc nước nhưng họ cũng chẳng hề kém cạnh việc nhà khi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa công việc với gia đình

Được biết đến nhiều với vai trò người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong 7 năm (1997-2003), nữ chính khách Phan Thúy Thanh giành được sự yêu mến của cánh phóng viên (PV) bởi sự chân thành. Với tính cách nhẹ nhàng và chu đáo, bà được nhiều PV nước ngoài gọi bằng cái tên trân trọng, trìu mến: Madame Thanh.

Ghi dấu ấn với “vai trò kép”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa đóng vai trò truyền đạt quan điểm của Chính phủ một cách chuẩn xác, nhất quán tới các PV vừa là người bạn đồng hành lắng nghe những nguyện vọng của họ để đề đạt với lãnh đạo, xin thông tin cung cấp kịp thời. Với “vai trò kép” đầy thử thách ấy, bà Phan Thúy Thanh đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong báo giới Việt Nam và quốc tế.

Bà Thúy Thanh đã mạnh dạn nêu quan điểm cần cải tiến quy chế hoạt động dành cho PV nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ tiếp cận nhiều nguồn tin chính thống và đi thăm các địa phương để bớt bị phụ thuộc vào thông tin sai lệch từ bên ngoài. Bà kể vào thời điểm đó, đa số PV nước ngoài đến Việt Nam hay có tâm lý e ngại, lo lắng vì do hoàn cảnh cụ thể, chúng ta có những điều còn bất cập trong việc cấp giấy phép hoạt động, thời hạn xin visa, chuyển băng đĩa ra bên ngoài... Trong điều kiện đó, việc tổ chức những chuyến đi xa cho PV để họ có được thông tin sát thực là rất ý nghĩa, đã lưu lại trong bà nhiều kỷ niệm, nhất là các chuyến thực tế đến Thái Bình hay các tỉnh Tây Nguyên năm 2000 - 2001.

 

Bà Phan Thúy Thanh trong Lễ hội Việt Nam đầu tiên ở Trung Đông, tổ chức tháng 10-2013 tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Bà Phan Thúy Thanh trong Lễ hội Việt Nam đầu tiên ở Trung Đông, tổ chức tháng 10-2013 tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất

 

Khi rời vị trí người phát ngôn để làm đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), bà Thúy Thanh được các PV tổ chức buổi chia tay với những dòng lưu niệm đầy lưu luyến trên một tấm thiệp chung. Có người nhắc lại lần bà đến dự tiệc sinh nhật đầu tiên của họ ở Việt Nam. Có người viết: “Đến bao giờ tôi lại được nhìn thấy tà áo dài bà thường mặc trong các buổi họp báo”…

Trở thành nữ đại sứ hiếm hoi của Việt Nam lúc đó (2003-2007), những năm tháng tại Bỉ, bà Thúy Thanh đã nỗ lực không mệt mỏi trong các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy đầu tư, giải quyết hồ sơ tồn đọng... Đại sứ quán (ĐSQ) và phái đoàn đã đóng góp tích cực để Việt Nam tiếp tục được duy trì là nước duy nhất ở châu Á nhận nguồn vốn hợp tác phát triển của Bỉ; các cuộc đàm phán về quota cho hàng dệt may, duy trì quy chế ưu đãi thuế quan cho hàng hóa Việt Nam vào EU, kết thúc đàm phán Việt Nam - EU về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá...

Đó là kết quả của những ngày miệt mài tìm hiểu luật pháp, suy nghĩ tìm cách vận động hành lang, tìm kiếm thông tin nhằm có được những kiến nghị xứng tầm. “Có lúc tôi mang cả xe ra sân bay đón đối tác đưa về sứ quán, nấu phở mời họ rồi sau đó làm việc, trao đổi thông tin và báo cáo về nhà cho kịp” - bà nhớ lại.

Là một người say mê công việc và tự nhận là “cầu toàn”, trước mỗi nhiệm vụ, khi còn là một nhân viên trẻ cho đến lúc làm vụ trưởng, người phát ngôn, đại sứ và phu nhân đại sứ, bà Thúy Thanh đều tìm mọi biện pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Năm 1997, khi làm phó giám đốc Trung tâm Báo chí Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (Francophonie) - hội nghị quốc tế lớn đầu tiên mà Việt Nam đăng cai, bà và cộng sự phải tự mày mò, tìm hiểu để tổ chức một trung tâm báo chí quốc tế. Trong thời gian làm đại sứ, mỗi cái Tết Việt Nam đều được bà và 10 cán bộ ĐSQ nỗ lực biến thành một ngày hội trọn vẹn cho bà con người Việt chứ không chỉ là một buổi gặp mặt theo thông lệ. Những ngày hội đó được bà con mong chờ, chào đón, lặn lội từ xa xôi đến dự, có dịp hơn 3.500 người tham gia.

Những đóng góp của bà Thúy Thanh không chỉ được quê nhà ghi nhận mà còn được Hoàng gia Bỉ trân trọng, trao tặng Huân chương Leopold Đệ nhị cao quý.

 

Bà Thúy Thanh ngày được Hoàng gia Bỉ trao tặng Huân chương Leopold Đệ nhị (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Thúy Thanh ngày được Hoàng gia Bỉ trao tặng Huân chương Leopold Đệ nhị (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Trung thực, chân thành

Trong ngành ngoại giao, đặc biệt ở lĩnh vực ngoại giao đa phương, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga được rất nhiều người yêu mến và cảm phục. Bà là nữ vụ trưởng đầu tiên về kinh tế ở Bộ Ngoại giao, hàm đại sứ, quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), phó trưởng Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại…

 

Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng Ngoại giao về kinh tế đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng Ngoại giao về kinh tế đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

 

Gặp chúng tôi mới đây, bà Nguyệt Nga vui mừng khoe kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào năm 2017 do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương xây dựng vừa được thông qua. Đây là một bước đi hết sức quan trọng do APEC là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, đại diện khoảng 55% GDP toàn cầu.

Khi được giao làm vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, bà Nguyệt Nga đã rất lo lắng vì cán bộ ngoại giao thường chỉ quen những vấn đề về chính trị, an ninh, còn kinh tế là lĩnh vực mới và khó. Song, với tính cách “không quen từ chối công việc dù khó đến đâu”, bà vẫn nhận với tâm trạng vui vẻ. “Lãnh đạo có tin thì mới giao việc nên phải vui chứ” - bà giải thích.

Nữ đại sứ cho biết nhờ quá trình vận động để Việt Nam gia nhập WTO khi là Công sứ ĐSQ Việt Nam tại Mỹ mà bà cảm nhận được tầm quan trọng của đối ngoại kinh tế. Khi đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ bế tắc vào tháng 5-2006, là người phụ trách quan hệ với các văn phòng quốc hội Mỹ, bà Nguyệt Nga được giao tới ngay 2 văn phòng lớn của các thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain để vận động ủng hộ Việt Nam. Lúc đó, bà không kịp hẹn trước và chỉ xin gặp 1 phút vì “đây là lợi ích rất lớn với quan hệ 2 nước”. Sự khẩn thiết và nỗ lực ấy đã được bạn bè ngoại giao hồi đáp. Lập tức, đại diện các văn phòng của nghị viện Mỹ đã kết nối với Bộ Thương mại Mỹ đề nghị nối lại đàm phán của 2 nước. Một đêm thức trắng nhưng sáng hôm sau, bà và các đồng nghiệp vỡ òa trong niềm vui khi nhận được tin 2 bên đã đạt được thỏa thuận.

Ngày bà Nguyệt Nga mới chập chững vào nghề những năm đầu thập niên 1980, ngành ngoại giao Việt Nam phải vượt qua nhiều sóng gió vì bị bao vây cấm vận, từng bước xác lập đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Lúc đó, ông Nguyễn Cơ Thạch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là người có phong cách làm việc gần gũi và thiết thực, có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ làm ngoại giao kế cận. Bà đã học hỏi từ ông nhiều điều.

“Một lần, tôi hỏi bộ trưởng trong những cuộc tiếp xúc đối tác, bạn bè quốc tế hoặc PV nước ngoài, gặp những câu hỏi khó trả lời thì phải làm sao. Ông căn dặn một câu đơn giản nhưng rất sâu sắc: Khó thì mình cứ nói thật thôi, nói thật một cách dễ nghe chứ không được nói dối” - bà Nguyệt Nga hồi tưởng. Từ kinh nghiệm của nhà ngoại giao tiền bối đáng kính, bà hiểu ra và luôn tâm niệm phương châm nghề nghiệp của mình: Trung thực và chân thành là điều quyết định tạo nên uy tín của một nhà ngoại giao.

Là một nhà ngoại giao trong 33 năm - suốt ngày phải đi, thậm chí chạy, ăn nhanh và thức trắng đêm đã trở thành chuyện bình thường - bà Nguyệt Nga ít có dịp tĩnh tâm để nghĩ về bản thân. Khi chúng tôi thắc mắc về bí quyết giữ được nụ cười tươi tắn và vẻ đẹp duyên dáng dù bận rộn đến đâu, nữ đại sứ tiết lộ bà luôn quan niệm phụ nữ muốn thành công cần phát huy tối đa nữ tính. Nữ tính mà bà muốn nói chính là coi trọng làm đẹp cho bản thân, không phải cứ nói chuyện quần áo là tầm thường.

“Khi quan tâm đến cái đẹp thì ngay cả trong công việc mình cũng đòi hỏi cái đẹp, cái hoàn hảo. Mình vui thì chất lượng công việc cũng tăng lên. Việc làm đẹp giúp chị em cân bằng trạng thái những khi áp lực công việc căng thẳng quá. Tôi luôn nghĩ phụ nữ có quá nhiều lo lắng về xã hội và gia đình. Nếu ai nuôi được ý chí, duy trì khát vọng phấn đấu đến cùng thì sẽ thành công” - bà nhìn nhận.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nhiều người nghĩ làm ngoại giao là đi nước ngoài nhiều, “nói ngọt” và ăn mặc đẹp nhưng ít ai biết rằng họ cũng có những lúc… xấu. “Xấu vì vội vàng và thức trắng đêm, thậm chí có lúc 10 đêm liên tục. Có những lúc chúng tôi căng thẳng vô cùng, có lúc thất bại cay đắng nhưng cũng nhiều khi cảm thấy niềm vui vỡ òa và tự hào vì thành công trong những cuộc đàm phán, đấu tranh vô cùng gay gắt” - bà bày tỏ.

 

“Giữ lửa” cho gia đình

Là một phụ nữ bận rộn, bà Phan Thúy Thanh cho biết mình rất may mắn khi có người chồng làm cùng ngành biết cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ. Bà luôn tâm niệm thời gian ở nhà dù nhiều hay ít nhưng nếu người phụ nữ thực sự quán xuyến công việc gia đình, yêu thương, quan tâm đến các thành viên thì tình cảm và sự gắn bó sẽ tự đến. “Gia đình nào cũng có lúc khó khăn nhưng nếu người phụ nữ biết “giữ lửa”, chèo lái qua được thì cuối cùng sẽ được hưởng phúc” - bà tâm sự.

Trong khi đó, đằng sau sự bận rộn và thành công của một phụ nữ giỏi việc nước, bà Nguyễn Nguyệt Nga cũng là người thích nấu ăn, chăm sóc gia đình. Trong nhà bà không bao giờ có người giúp việc. “Giữa gia đình và công việc, tôi xử lý việc gia đình trước. Gia đình chính là nơi tạo nguồn vui để tôi hoàn thành tốt công việc” - bà bộc bạch.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo