xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi qua vùng lũ đầu nguồn

Bài và ảnh: ĐỨC KHÁNH

Cả tháng nay, nước lũ đã tràn ngập các cánh đồng ở những huyện đầu nguồn vùng lũ Tân Châu, Châu Đốc, Châu Thành (An Giang) và Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp).

“Con nước năm nay lên sớm quá! Tụi tôi đang tất bật ngày đêm sửa lại nhà cửa cho chắc chắn đây”. Ông Tư Hảo, một lão nông ngụ tại ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, nói trong lo âu.

Sửa nhà, đóng phương tiện chạy... lũ!

Với thân hình vạm vỡ, mồ hôi nhễ nhại và làn da ngăm đen, ông Tư Hảo cùng với mấy người thợ đang sửa lại nhà mình để chống lũ. Bằng giọng chậm rãi, ông nói: “Vào mùa lũ là vậy! Người dân ở đây ai ai cũng đều gia cố, sửa lại nhà cho thật chắc”. Chia tay ông Tư Hảo trong cơn mưa chiều trên vùng lũ, chúng tôi chạy xe dọc theo những cánh đồng nằm trên Quốc lộ 30 cặp con kênh Hồng Ngự- Tân Hồng nước đã ngập đến nửa thân người. Trên vùng thượng nguồn của vùng lũ, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người người đang hì hục cưa gỗ và khuân vác đất đá gia cố lại nhà.

Cả tháng nay, nước lũ đã tràn ngập các cánh đồng ở những huyện đầu nguồn vùng lũ Tân Châu, Châu Đốc, Châu Thành (An Giang) và Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp). Từ Hồng Ngự chạy vòng qua thượng nguồn vùng lũ ở các ấp 1, 2, 3, 4, 5 thuộc xã Vĩnh Xương; ấp Long Hiệp, xã Long An, huyện Tân Châu (An Giang) rồi đến một số xã của huyện Châu Thành (An Giang), nước lũ đã mấp mé tràn vào những căn nhà sàn xập xệ. Ở hai bên đường, nhiều người dân đóng ghe, xuồng để làm phương tiện đi lại trong mùa lũ. Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ tại ấp 1, xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, cho biết: “Tranh thủ đóng mới lại cái ghe vì nghe nói đâu năm nay nước lũ lên cao hơn mọi khi. Trong nhà có ghe là mình thấy yên tâm, nó là phương tiện đi lại chính của người dân vùng lũ miền Tây mà”.

Chợ “di động”

Tại các xã của vùng Tứ giác Long Xuyên như Cô Tô (Tri Tôn), Vọng Đông (Thoại Sơn), Vĩnh Bình (Châu Thành), những ngày cuối tháng 8 bắt đầu xuất hiện “chợ di động” phục vụ người dân vùng lũ. Muốn tiêu thụ được nhiều hàng, người bán phải tranh thủ đẩy xe di chuyển từ nơi này sang nơi khác thật nhanh để kịp cung cấp cho khách hàng. Chị Nguyễn Thị Trúc, ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành buôn bán đã gần 15 năm, bảo: “Để kiếm được vài chục ngàn đồng, từ sáng sớm tôi phải đẩy xe đi bán hàng chục cây số đến khi nào hết đồ trên xe thì thôi”.

Cùng cảnh ngộ với chị Trúc, chị Huệ (ngụ xã Vĩnh Bình) cho biết gia đình chị có đến 8 miệng ăn, nhưng không có một tấc đất sản xuất. Cũng nhờ vào mùa nước lũ mà chị có thêm thu nhập khi cùng với đứa con gái lớn gia nhập vào “đội ngũ” bán hàng ở những “chợ di động”.

img
Người dân vùng lũ ấp Tân Phú A, xã Tân An, huyện Tân Châu, An Giang đang sửa lại nhà

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, đường sá ở hầu hết khu dân cư vùng lũ ĐBSCL cơ bản đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất ở một số cụm, tuyến dân cư hiện nay là chưa có nhà vệ sinh. Tại tuyến dân cư Cần Sen, khu vực 2, ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, có đến 130 hộ dân sinh sống, nhưng số hộ có được nhà vệ sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Nguyễn Thị Út than vãn: “Hai năm qua, người dân ở đây mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay tiền để xây nhà vệ sinh, nhưng chẳng thấy đâu cả”. Ông Nguyễn Bé Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, nhìn nhận: “Trong số 130 hộ dân thì chỉ có vài người tự bỏ tiền ra xây nhà vệ sinh, số còn lại phần lớn là hộ nghèo nên không có điều kiện làm việc này”. Ông Tám cho biết thêm, năm 2005 có chương trình cho vay tiền để xây nhà vệ sinh tự hoại, nhưng thời điểm đó địa phương chưa bố trí dân vào ở. Hiện tại xã đang thống kê số hộ để kiến nghị lên huyện cho vay tiền xây nhà vệ sinh. Nếu không, tình trạng người dân đi vệ sinh “lụi” vào mùa lũ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước hết sức trầm trọng.

Còn tại cụm tuyến dân cư bờ Đông Nam Hang, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự có đến 220 hộ vẫn không có nhà vệ sinh. Đây cũng là thực trạng đáng buồn ở nhiều cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL hiện nay.

Sản vật mùa lũ

Trên Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh đi Hồng Ngự (Đồng Tháp) có một đoạn đường mà người dân nơi đây thường quen gọi là “Con đường ốc”. Cứ bắt đầu mùa nước nổi, con đường chưa đầy 2 km này (nằm tại ấp 3, xã An Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) lại xuất hiện hàng chục điểm mua bán 2 loại ốc phổ biến là ốc gạo và ốc lác. Ở miền Tây, chợ đầu nguồn Hồng Ngự là nơi tập trung đủ loại hàng tươi sống của mùa nước nổi, như: bông điên điển, bông súng, rau muống đồng, chuột, rắn, cá đồng... Trong đó, bông điên điển là loại đặc sản luôn được người tiêu dùng chú ý nhất. Một mặt hàng “độc” khác là rắn mối, chỉ duy nhất chợ Hồng Ngự mới có. Một đặc sản mùa nước nổi ai cũng trông chờ là cá linh. Ở thời điểm này, các chợ đầu nguồn Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc, Cao Lãnh đều có bán cá linh. Do lượng cá đầu mùa về chợ rất ít, nên giá cả tại các chợ rất khác nhau và đều rất cao (từ 35.000- 40.000 đồng/kg).

img
Bông điên điển, một sản vật mùa nước lũ. Ảnh: Đ.KHÁNH

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo