xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cứu lấy Tây Nguyên

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn chưa thật sự hiện diện trở lại trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà chỉ xuất hiện hiếm hoi trong lễ hội

Sau 11 năm được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tôn vinh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang ngày một biến dạng.

Biến tướng lễ hội

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm, nhà nước đã phân bổ kinh phí phục dựng các lễ hội, truyền dạy diễn tấu ching chêng. Sau khi hoàn thành kế hoạch phục dựng và truyền dạy ở nơi này, sang năm hoặc quý sau lại phải đầu tư cho chỗ khác. Vì thế, việc phục dựng các lễ hội hầu như không dựa trên nhu cầu tự thân và sự đóng góp của cả cộng đồng mà phụ thuộc vào sự chọn lựa và hỗ trợ về kinh phí của chính quyền, đoàn thể. Nếu năm sau không có nguồn kinh phí này, việc tổ chức lễ hội sẽ gặp khó khăn.

Việc truyền dạy diễn tấu ching chêng cho lớp trẻ đa phần cũng nằm trong kế hoạch ngân sách, tuần tự mỗi huyện hoặc nhiều hơn là mỗi năm một xã. Khi nào có thông báo về một cuộc liên hoan nào đó, các đội ching trẻ mới tụ họp luyện tập để thi đấu và hầu như chỉ đánh được mỗi một bài.

Nhà sàn ngày một vắng bóng vì không có gỗ để sửa. Thị hiếu của lớp trẻ không thích cái gì cũ nữa. Nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng xây bằng vật liệu bền vững chỉ là nơi hội họp của địa phương bởi không có hồn, cốt của người dân ở đó. Bến nước nếu còn hoặc đã được phục hồi cũng vắng hoe.

Dưới tác động của nhiều nguyên nhân, môi trường diễn xướng đang đứng trước nguy cơ biến dạng và biến mất. Trước hết, sự thay đổi cơ cấu kinh tế vùng khiến quy trình sản xuất theo nông lịch nương rẫy phải hoàn toàn đổi thay. Khái niệm “Mùa ăn năm uống tháng” trong dịp nông nhàn cũng không thể duy trì. Bên cạnh đó, sự thay đổi quan niệm tín ngưỡng, kéo theo việc từ bỏ các lễ nghi cúng Yang, xóa bỏ các lễ hội truyền thống, ching chêng, trống (phương tiện chính để giao lưu với các vị thần linh xưa) không còn dịp vang lên. Những hình thức hát kể, những cuộc vui chơi hát đối đáp, tâm sự... đâu còn được cất lời tỏ bày.


Lễ ăn trâu của đồng bào Tây Nguyên

Lễ ăn trâu của đồng bào Tây Nguyên

Một nguyên nhân quan trọng khác là làn sóng di dân tự do ồ ạt bên cạnh việc quy hoạch các liên hiệp công, nông, lâm trường, rầm rộ tuyển dụng lao động các nơi. Sự giao thoa văn hóa từ nhiều miền tụ về Tây Nguyên và sự tiếp thu văn hóa nghe nhìn trên các phương tiện thông tin đại chúng thiếu chọn lọc cũng là tác nhân khiến môi trường diễn xướng văn hóa dân gian Tây Nguyên càng ngày càng teo lại.

“Thật đáng buồn khi số đông thanh niên Tây Nguyên tuy sinh ra và lớn lên, đi học vẫn ở trong buôn làng nhưng cho đến tận lúc tốt nghiệp đại học, vẫn chưa một lần được nghe hát - kể trường ca - sử thi Khan, Ôt n’rông, Hri, Hơ mon - loại hình văn học truyền miệng độc đáo rất được ngưỡng mộ của dân tộc mình” - bà Linh Nga Niê Kđăm lo lắng.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục lễ hội đặc trưng của các đồng bào dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đã biến mất. Hiện nay, nếu còn tồn tại thì cũng đã biến tướng cả về hình thức và ý nghĩa của lễ hội.

Lễ ăn trâu là một nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm tạ ơn thần linh, cầu mùa màng bội thu... Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, một số dân tộc làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, người ta lâu lâu lại đâm một nhát khiến con trâu đau đớn, lồng lộn, đầy máu me nhằm kéo dài thời gian cho du khách xem. Khó lòng mà tìm được một lễ ăn trâu theo phong tục cổ truyền nữa. Lễ ăn trâu thực sự có ý nghĩa khi cả cộng đồng đó mong muốn thực hiện và phải được gắn vào không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, bến nước... Hiện nay, người ta thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện văn hóa - du lịch nào đó để thu tiền

Khôi phục môi trường diễn xướng

Theo bà Linh Nga Niê Kđăm, cần giảm bớt những lễ thức rườm rà, tăng phần hội, tạo môi trường diễn xướng cho mọi hình thức văn nghệ dân gian cổ truyền phát huy. Nghệ thuật diễn xướng dân gian Tây Nguyên là kho tàng đồ sộ, phong phú và đa dạng. Khôi phục lại môi trường, đồng nghĩa với việc trả lại cho cộng đồng các dân tộc bản địa vốn nghệ thuật truyền thống của chính họ.

Trước nguy cơ biến mất của cả một nền văn minh nương rẫy phong phú, đồ sộ và độc đáo, nước ta đã có nhiều nghị quyết, chính sách nhằm khôi phục phát huy các truyền thống văn hóa dân gian Tây Nguyên, phần nào tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm và ý thức hệ của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tất cả hoạt động này dường như chỉ nằm ở dạng bao cấp của nhà nước, do các đơn vị thuộc ngành văn hóa đứng ra chịu hoàn toàn mọi kinh phí tổ chức hoặc có sự tài trợ của các viện nghiên cứu, các hãng phim, đài truyền hình... để quay phim, ghi hình. Các cuộc liên hoan thường chỉ thực hiện ở các trung tâm văn hóa của tỉnh, huyện... với số lượng người đến tham dự rất hạn hẹp. Chủ nhân đích thực của kho tàng văn hóa độc đáo ấy, những người đã sản sinh, gìn giữ và vẫn đang rất “đói” sinh hoạt văn hóa lẫn thông tin, không mấy khi được trực tiếp có mặt. Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn chưa thật sự hiện diện trở lại trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên một cách chủ động, thậm chí tự phát như trước đây.

Để khôi phục lại môi trường này, theo bà Linh Nga, trước tiên phải kể đến vai trò của các nghệ nhân, các già làng. Họ không chỉ động viên, thúc giục chính quyền phải nhớ tổ chức mà còn trực tiếp tham gia việc điều hành, phân công trách nhiệm trong việc duy trì lễ thức và truyền dạy âm nhạc cổ truyền. Sau nữa là sự hiểu biết và quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của các cấp lãnh đạo, ngành văn hóa địa phương hỗ trợ kinh phí.

“Khôi phục môi trường diễn xướng cho văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên để gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng trong lành là một việc làm khó. Nhưng nếu có tâm và kiên trì, nhất định sẽ làm được” - bà Linh Nga hy vọng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-9

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo