xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầm đồ vẫn đắt khách

SỸ HƯNG - QUỐC CHIẾN

Người đến cầm cố tài sản đa số là thanh thiếu niên do vướng nợ nần. Nhiều tài sản không rõ nguồn gốc vẫn được các tiệm cầm đồ thâu nhận

Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo công an các quận, huyện trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, rà soát các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, đặc biệt là tiệm cầm đồ, để kéo giảm tội phạm. Thế nhưng, ở một số địa phương, loại hình này vẫn vi phạm.

“Lo hết rồi” (!?)

Chiều 16-2, chúng tôi đến tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM để cầm chiếc xe máy Sirius biển số tỉnh. Một người phụ nữ khoảng 35 tuổi tự giới thiệu là chủ tiệm hỏi: “Cầm xe phải không?”. Chúng tôi gật đầu, cô ta yêu cầu xuất trình giấy tờ xe và CMND để làm thủ tục cầm cố.

Khi chúng tôi bảo phương tiện không có giấy tờ, chủ tiệm lắc đầu nói không cầm được vì sợ công an. Ngó nghiêng chiếc xe một hồi, cô ta phán: “Được rồi, nếu 2 em kẹt tiền thì chị cầm cho 1,5 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Đây là chị giúp thôi chứ bọn em mang chiếc xe này đi các tiệm ở đây không ai dám nhận đâu vì sợ phiền phức”.


Chủ tiệm cầm đồ trên đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, TP HCM đồng ý cầm xe Wave Nhật không chính chủ giá 5 triệu đồng Ảnh: Sỹ Hưng

Chủ tiệm cầm đồ trên đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, TP HCM đồng ý cầm xe Wave Nhật không chính chủ giá 5 triệu đồng Ảnh: Sỹ Hưng

Chúng tôi tiếp tục đến tiệm cầm đồ T.T.2 trên đường D2 (phường 25, quận Bình Thạnh) để cầm cố chiếc xe máy trên thì được nam thanh niên đồng ý với mức giá 1 triệu đồng, lãi suất 20.000 đồng/ngày. Chúng tôi năn nỉ thì anh ta gọi điện thoại cho một người tên T. để hỏi về việc nâng giá cầm chiếc xe. Sau cuộc điện thoại, nam thanh niên đồng ý cầm xe với giá 2 triệu đồng nhưng yêu cầu chúng tôi đến chi nhánh khác trên đường Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh gặp T. để làm hợp đồng vì “ở đó dễ hơn”.

Khoảng 20 phút sau, chúng tôi có mặt thì được T. dẫn vào trong trao đổi nhưng chỉ đồng ý cầm chiếc xe chừng 1 triệu đồng. Thấy chúng tôi không đồng ý, T. dọa: “Tôi biết đây là xe gian, các ông cầm rồi cũng bỏ chứ không quay lại lấy đâu. Nói thật, xe không có giấy tờ là mệt lắm. Chỗ tôi bao nhiêu xe có giấy tờ đến cầm mà còn bị hành”.

Tại tiệm cầm đồ ghi “lãi suất thấp” trên đường Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, chúng tôi ngỏ ý muốn cầm chiếc xe Wave Nhật, chủ tiệm liền hô giá 6 triệu đồng, lãi suất 18.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Khi chúng tôi hỏi “cầm xe người khác đứng tên không sợ ai sao?”, chủ tiệm tuyên bố: “Ông cứ cầm đi, công an chúng tôi lo hết rồi. Làm nghề này không “lo lót” thì lấy gì mà ăn”!

Chẳng cần chính chủ, giấy tờ

Ngày 17-2, chúng tôi đến tiệm cầm đồ H.L trên đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM để hỏi cầm chiếc xe Wave Nhật không chính chủ. Sau khi xem giấy tờ không phải chúng tôi đứng tên, người đàn ông giới thiệu là chủ tiệm ra giá 5 triệu đồng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, ông ta cho biết do xe không chính chủ nên phải mang đến bãi giữ xe nơi khác để “đánh lạc hướng” cơ quan chức năng. Chủ tiệm cầm đồ còn yêu cầu chúng tôi đóng thêm 5.000 đồng/ngày, gọi là phí thuê mặt bằng để gửi xe không chính chủ. “Dạo này công an không làm căng nên phải tranh thủ kiếm chác thôi. Lãi suất chỗ tôi khá thấp, ông đồng ý cầm thì làm hợp đồng” - chủ tiệm đốc thúc.

Theo ghi nhận, tình trạng tiệm cầm đồ vi phạm về hoạt động kinh doanh như trên còn diễn ra ở các đường Tỉnh lộ 43, Kha Vạn Cân, Đặng Văn Bi, Quốc lộ 1K… (quận Thủ Đức). Điển hình, tiệm cầm đồ T.T trên Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức không ngần ngại đồng ý cho chúng tôi cầm chiếc xe Wave Nhật không chính chủ với mức giá 7 triệu đồng, lãi suất 18.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Để tạo niềm tin cho khách, chủ tiệm còn khoe chỗ ông ta nhận thế chấp nhiều phương tiện không chính chủ, thậm chí không có giấy tờ nhưng chưa từng bị xử phạt.

“Tiệm tôi cũng thường xuyên bị kiểm tra nhưng có cách thì xong cả thôi. Làm nghề này mà không biết điều thì làm sao cạnh tranh với người ta. Nếu không tin thì ông mang xe đi nơi khác cầm xem có mức giá cao như chỗ tôi không? Lãi suất tôi lấy cao hơn nơi khác vì phải lo lót khi bị kiểm tra. Đồng ý cầm thì ông đến chuộc hoặc đóng lãi đúng hạn nhé, không tôi bán thì đừng có trách” - ông này dọa.

Theo một chủ tiệm cầm đồ trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, đây là thời điểm ăn nên làm ra của giới kinh doanh dịch vụ cầm đồ. “Cứ dịp sau Tết, người ta cầm cố tài sản nhiều, đặc biệt là xe máy, vàng… Người đến cầm cố tài sản đa số là thanh thiếu niên do vướng vào nợ nần. Tôi biết cầm cố tài sản không chính chủ, không có giấy tờ là sai quy định nhưng vẫn phải làm liều thôi” - ông nói.

Sẽ kiểm tra, xử lý

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết trong đợt cao điểm tấn công tội phạm vừa qua, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo công an các quận, huyện tập trung kiểm tra, rà soát các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, đặc biệt là tiệm cầm đồ, để kéo giảm tội phạm.

“Dịch vụ cầm đồ phải có giấy phép đăng ký hoạt động kinh doanh theo đúng quy định. Địa phương nào để xảy ra tình trạng tiệm cầm đồ hoạt động sai quy định, cầm phương tiện, tài sản không chính chủ, không có giấy tờ… là không đúng. Tuy nhiên, cụ thể sự việc như thế nào, vi phạm ra sao, chúng tôi sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm” - đại tá Quang khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo