xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bỏ xứ mà đi

Bài và ảnh: THANH NHÀN

Hơn 200 năm làm ngói liệt để cung cấp cho nhiều công trình đệ phủ, lăng tẩm vua chúa xứ thần kinh nhưng giờ đây, người làng Nam Thanh chỉ biết bỏ xứ mà đi

Về làng Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế một chiều nắng hiếm hoi của mùa đông, chúng tôi chạnh lòng khi ghé thăm một cơ sở sản xuất ngói liệt trong cảnh đìu hiu, không người làm việc. Hàng trăm ngàn tấm ngói liệt đã ra lò và xếp chồng lên nhau “đắp chiếu” chờ có người tới mua trong cơ sở không người này.

Một thời vang bóng

Từ đời Gia Long, nhà vua tuyển chọn những người chuyên làm nghề gạch ngói từ làng Thanh Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) ra Phú Xuân chọn tìm vùng đất để đúc gạch, ngói đưa vào trong đại nội. Khi tìm được vùng đất sét thích hợp cho việc sản xuất ngói, làng Nam Thanh (ghép tên tỉnh Quảng Nam và làng Thanh Hà) đã được dựng nên. Từ đó, nghề làm ngói liệt hình thành và tồn tại đến ngày nay. Cả làng Nam Thanh có 7 hộ làm ngói với 44 nhân khẩu, 32 lao động và hơn 300 lao động làm thuê là người ngoài địa phương.

Ngói liệt một thời được sử dụng để lợp tại các nhà rường ở Huế...
Ngói liệt một thời được sử dụng để lợp tại các nhà rường ở Huế...

Ngói được nung bằng củi hoàn toàn thủ công trong các lò. Bình quân mỗi lò chất 30 - 40 m3 củi, đun trong 20 - 30 ngày, sau đó để nguội trong một tuần mới cho ra sản phẩm hoàn thiện. Bình quân mỗi lần sản xuất 100.000 viên/lò.

img


... Nay ngói liệt nằm “đắp chiếu” chờ người mua (ảnh trên) trong một cơ sở sản xuất tập hợp 5 lò nung của 5 hộ gia đình đang trong tình trạng ngưng hoạt động

... Nay ngói liệt nằm “đắp chiếu” chờ người mua (ảnh trên) trong một cơ sở sản xuất tập hợp 5 lò nung của 5 hộ gia đình đang trong tình trạng ngưng hoạt động

Thời đó, làng Nam Thanh có hàng chục lò sản xuất gạch ngói, chuyên cung cấp gạch vồ và ngói liệt để phục vụ cho việc xây Hoàng thành, lăng tẩm và những ngôi nhà rường ở Huế. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ: “Nguyên tắc nhà rường của Huế đi liền với mái ngói được lợp bằng ngói liệt. Chính ngói liệt là đặc trưng của Huế”.

Theo các nhà nghiên cứu, vì vùng đất cố đô có khí hậu khắc nghiệt, nắng thì quá nóng, còn mưa thì mưa dầm nên nếu sử dụng các loại ngói khác như ngói âm dương, ngói vảy cá thì dễ xảy ra hiện tượng bị dột hoặc nóng. Những người thợ ngày xưa đã sáng tạo ra hình thức ngói liệt vừa bền vừa chống được nóng.

Khi lợp ngói, người ta phải lát một lớp ngói liệt ở dưới, còn phía trên, cách khoảng một phân thì đặt thêm một cây ngói tiếp. Cứ cách một phân thì chồng một viên ngói. Mỗi lớp lợp đến 5-6 miếng ngói như vậy.

Chính vì cấu trúc lợp khác biệt nên ngói liệt khi làm xong sẽ tạo ra một mảng bằng rất đẹp. Không những thế, nhờ mỗi lớp ngói có 5-6 miếng nên cách nhiệt tốt, vào mùa nắng rất mát, còn mùa mưa thì gió bão cũng không lật được lớp ngói để mưa thấm vào.

Này ngay, ngói liệt được dùng tu bổ những di tích, lợp ngói nhà thờ họ, đình chùa để có được vẻ đẹp truyền thống. “Đó là một sáng tạo của vùng đất kinh kỳ, chỉ có vua chúa, quan lại và những gia đình quyền quý mới có điều kiện để sử dụng” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định.

Chẳng biết về đâu

Đã từng vang bóng một thời với làng nghề làm ngói liệt như vậy nhưng kể từ năm 2003, làng nghề sản xuất gạch ngói Hương Toàn bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần xử lý triệt để theo tinh thần Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nguyên liệu đất sét để làm ngói cũng không còn nhiều nên sau một thời gian sản xuất cầm chừng, đến nay, 7 chủ lò gạch ngói ở thôn Nam Thanh, xã Hương Toàn không còn cách nào khác là phải cam kết chấm dứt hoạt động, giải thể và chuyển đổi sang ngành nghề.

Bây giờ, đến làng Nam Thanh, chúng tôi không còn thấy những làn khói thoát ra từ lò nung và cũng chẳng cảm nhận được nhịp điệu làm việc khẩn trương, hối hả nhào đất, chất củi vào lò nung của người dân như trước đây. Những ngọn lửa rừng rực cháy hơn 20 ngày đêm để cho ra mẻ ngói chất lượng đượm màu quê đã tắt lịm.

Ông Phạm Văn Bàng - 80 tuổi, người có 65 năm trong nghề làm ngói liệt - ngậm ngùi: “Cả nhà tôi làm ngói liệt từ thời vua Gia Long cho đến giờ, cũng được 5-6 thế hệ. Cha truyền con nối đã mấy đời. Giờ làng nghề truyền thống ngói liệt không còn nữa cũng buồn. Người làm thuê phải kiếm việc khác để mưu sinh, các con tôi cũng bỏ đi làm ăn nơi khác rồi”.

Trước đây, bình quân mỗi lò làm ngói liệt giải quyết việc làm cho khoảng 15 - 20 lao động. Sau khi các lò ngưng sản xuất, số lao động này phải tự kiếm việc làm mới để mưu sinh. Những ai có điều kiện về mặt bằng, vốn thì chuyển qua kinh doanh vật liệu xây dựng, buôn bán nhỏ…; còn phần lớn phải tứ tán đi làm thợ hồ, bán vé số, làm thuê với mức thu nhập không ổn định và làm theo thời vụ.

Hiện tại, nhiều người dân làm ngói liệt ở làng Nam Thanh vẫn đang trong tình trạng kiếm việc cầm chừng để chờ cơ chế chuyển đổi nghề. Một số người thì tha hương cầu thực khi không thể tiếp tục gắn bó với nghề làm ngói liệt một thời vang bóng này nữa.

Băn khoăn đề án chuyển đổi nghề

Để giải quyết chuyển đổi việc làm cho người dân thôn Nam Thanh, dự thảo về đề án chuyển đổi nghề cho các hộ làm nghề gạch, ngói thủ công tại thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh) và thôn Nam Thanh đến năm 2020 đã được đưa ra. “Nghề làm ngói liệt đang mai một dần. Chính quyền cũng tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp để khỏi bị thất nghiệp” - ông Lý Văn Quyết, trưởng thôn Nam Thanh, nói.

Theo ông Quyết, các nghề được định hướng cho người dân chuyển đổi gồm: may, nề, chăn nuôi, thú y, trồng trọt. Trung tâm Dạy nghề thị xã Hương Trà sẽ tạo điều kiện dạy may mà không lấy chi phí khi họ chuyển đổi nghề. Sau khi học may xong, họ được đưa vào các cơ sở, doanh nghiệp may để làm việc.

Tuy nhiên, ông Quyết nhận định các nghề như chăn nuôi, trồng trọt không khả thi với vùng đất làng Nam Thanh. “Đất đai, vườn tược ở làng Nam Thanh hẹp, người đông nên nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì được, chứ nuôi theo kiểu trang trại thì không có đất. Còn như chăn nuôi trâu bò mà thả ngoài đường thì cũng ảnh hưởng đến môi trường. Về trồng trọt, đất ở đây chủ yếu là đất thổ cư, đất nông nghiệp rất ít. Toàn thôn chỉ có 17 hộ làm nông nghiệp với 10 mẫu ruộng. Do đó, đề án đưa ra cũng chỉ mới ngang mức dự thảo, chưa thể thực hiện được” - ông Quyết băn khoăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo