xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ đội Cụ Hồ với sứ mệnh mũ nồi xanh

Dương Ngọc

Với những sĩ quan Việt Nam tình nguyện tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đi vào các điểm nóng, bất ổn trên thế giới để cứu giúp người dân, tái thiết hòa bình cũng là một cách bảo vệ Tổ quốc từ xa

Thượng tá Trần Nam Ngạn, cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam - Bộ Quốc phòng, là một trong 2 sĩ quan tiên phong của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB Liên Hiệp Quốc (LHQ). Hoàn thành nhiệm vụ, về nước hơn 1 năm nay nhưng những ấn tượng sâu sắc về Bor (bang Jongley, Cộng hòa Nam Sudan), nơi thượng tá Ngạn làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại phái bộ LHQ từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015, vẫn in đậm trong anh.

Thiếu lương thực, thừa súng đạn

Phái bộ LHQ tại Nam Sudan có 4 phân khu Đông, Tây, Nam, Bắc; mỗi phân khu có một căn cứ địa bàn chính và xoay quanh đó là các căn cứ địa bàn vệ tinh. Tuy nhiên, ở Phân khu Đông chỉ có căn cứ địa bàn chính tại Bor do căn cứ vệ tinh ở Akobo đã bị quân ly khai kiểm soát sau các cuộc xung đột, nổ súng.

Dù đã tìm hiểu kỹ về Nam Sudan song khi đặt chân đến quốc gia ở Đông Phi này, thượng tá Ngạn vẫn không khỏi bất ngờ. Đất nước rộng gấp 3 lần Việt Nam này chỉ có 60 km đường nhựa tập trung ở thủ đô Juba, còn lại là đường đất và lối mòn. Vào mùa mưa - kéo dài 6-9 tháng, các phương tiện gần như không thể di chuyển.

Khoảng 10 triệu dân Nam Sudan sống rải rác khắp cả nước, chủ yếu mưu sinh bằng săn bắn, hái lượm và nuôi gia súc. “Ngoài vài trung tâm lớn, người dân còn lại sống như cách đây nhiều thế kỷ. Nhiều bộ lạc còn giữ phong tục khỏa thân” - anh Ngạn hồi tưởng.


Thượng tá Trần Nam Ngạn trong một lần tham gia xử lý bom đạn chưa nổ ở Nam Sudan (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thượng tá Trần Nam Ngạn trong một lần tham gia xử lý bom đạn chưa nổ ở Nam Sudan (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cũng làm nhiệm vụ GGHB tại Bor từ tháng 7-2015 đến 7-2016, đại úy Nguyễn Đức Thắng kể lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Juba, anh đã “choáng” trước quầy nhập cảnh sơ sài trong một căn nhà cấp 4 xập xệ. Nam Sudan nghèo khó hơn anh tưởng tượng rất nhiều. Do nội chiến kéo dài nên đất nước kiệt quệ, người dân sống dưới mức nghèo khổ.

“Phần lớn người dân sống dựa vào thiên nhiên, thiếu thốn lương thực nhưng lại luôn trong tình trạng bất an, lo sợ nội chiến nổ ra bất cứ lúc nào. Nhiều chuyến công tác, tôi thấy có tới 9-10 người sống chen chúc trong lều tukul - kiểu lều truyền thống, hình tròn, lợp lá - với đường kính chỉ khoảng 3-4 m” - đại úy Thắng nhớ lại.

Nội chiến kéo dài giữa chính quyền Nam Sudan và chính quyền ly khai của phó tổng thống, xung đột sắc tộc giữa 2 dân tộc chủ yếu là Dinka và Nuer khiến người dân chìm trong tình trạng đói khát, cướp bóc, nghi kỵ lẫn nhau. Một số đoàn xe cứu trợ của LHQ đã bị tấn công, có người bị bắn chết. Ngay trước khi thượng tá Ngạn sang Nam Sudan, khu trại tị nạn sát căn cứ LHQ mà anh sắp đến bị tấn công, vài trăm người dân bị giết. Còn trước khi anh về nước, các phe phái đánh nhau bắn cả vào khu nhà LHQ ở TP Malakal thuộc Phân khu Bắc...

Thiếu thốn đủ thứ nhưng Nam Sudan lại thừa thãi súng đạn - ước tính trung bình có tới 4 khẩu súng/người dân.

Đi vào điểm nóng

Thượng tá Trần Nam Ngạn có nhiệm vụ giúp phái bộ LHQ và các cơ quan của chính phủ Nam Sudan tại địa phương, các phe phái chính trị, quân sự, tổ chức quốc tế, băng nhóm, bộ lạc... liên hệ với nhau; tham gia đàm phán, thương thuyết, hòa giải, ngăn ngừa các cuộc đụng độ vũ trang; bảo đảm an toàn cho hoạt động phân phối hàng cứu trợ nhân đạo, tạo điều kiện cứu giúp dân thường.

“Do thuộc nhóm không vũ trang, không được mang theo súng để tự vệ, sĩ quan liên lạc là người tiền trạm, duy trì thông tin để bảo đảm các nhóm trong những phe phái nắm được toàn bộ chuyến bay, chuyến phà vận chuyển hàng cứu trợ... của LHQ, tránh những đụng độ không cần thiết” - thượng tá Ngạn giải thích.

Cuộc sống của sĩ quan liên lạc tại Nam Sudan là những chuyến đi liên tục: tuần tra nắm tình hình, hộ tống đoàn của LHQ, hộ tống hàng cứu trợ... Những chuyến đi từ vài ngày đến 1-2 tuần, trung bình mỗi tháng đi tuần tra dài ngày 2 lần, thường cách căn cứ khoảng 1-2 giờ bay bằng trực thăng. Có lúc họ phải đi bộ 6-7 km dưới cái nắng và nóng lên tới 50 độ C, có lúc xe bị sa lầy hàng giờ...

Với những chiến sĩ GGHB tại Nam Sudan, phải đi công tác qua các vùng hai bên đang nổ súng, chịu cảnh tên rơi đạn lạc là điều bình thường. Thượng tá Ngạn nhớ lại: “Lần tôi đi công tác ở Akobo 1 tuần đã gặp cảnh 2 làng bắn nhau, chết hàng chục người chỉ vì hiểu lầm”.

Nhiều người dân Nam Sudan sinh sống theo kiểu bộ lạc, việc trả thù được nâng cao thành một loại “văn hóa”. Ví dụ, khi 2 dòng tộc, bộ lạc mâu thuẫn nhau thì họ tìm giết những thủ lĩnh hay người có uy tín của phía bên kia. Một nữ bác sĩ trong Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã kể cho thượng tá Ngạn nghe chuyện một đồng nghiệp của cô đã bị chết oan vì một vụ trả thù như vậy.

Trong những chuyến đi tới các địa bàn do rất nhiều lực lượng khác nhau nắm giữ, thượng tá Ngạn làm việc với người làm chủ khu vực đó nhằm tìm hiểu thông tin, tổng hợp, báo cáo để LHQ lên kế hoạch trợ giúp nhân đạo. Họ có thể thuộc chính quyền hoặc một bộ lạc hay phe phái, có khi là một vị tướng về quê tập hợp lực lượng, lập khu tự trị…

“Trong tình trạng chiến tranh, không phải ai cũng tin tưởng và muốn tiếp xúc với LHQ. Kỹ năng quan trọng nhất của người sĩ quan liên lạc là đàm phán. Ở Nam Sudan, ngôn ngữ chính là tiếng Anh nhưng người dân chủ yếu nói tiếng dân tộc nên việc đàm phán gặp không ít khó khăn” - thượng tá Ngạn cho biết.

Kỳ tới: Sống giữa “thành phố chết”

Tạo dựng uy tín

Là một trong 2 sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, thượng tá Ngạn đã nỗ lực hết sức. Do có uy tín trong đội nên khi chỉ huy trưởng đi vắng, anh được giao đảm nhận chức trách này.

Một lần, thượng tá Ngạn đi công tác cùng một đồng nghiệp người New Zealand và gặp một toán vũ trang đang bắt cóc, lột trần, đánh đập một cô bé giữa chợ vì cho rằng anh trai cô ăn trộm trâu bò của họ. Cảnh sát địa phương làm ngơ. Người sĩ quan New Zealand định giải cứu cô bé song thượng tá Ngạn - trưởng nhóm - không cho phép vì chưa chắc đã cứu được mà còn gây nguy hiểm hơn cho nạn nhân. Sau đó, anh đã yêu cầu đơn vị bảo vệ tại phái bộ phối hợp với lực lượng cảnh sát của LHQ giải cứu cô bé thành công.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo