xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

37 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc: Quên là có tội!

Văn Duẩn thực hiện

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương cho rằng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc vẫn còn nhiều “khoảng lặng” làm day dứt những người đang sống cũng như những người đã trải qua cuộc chiến.

Phóng viên: Thưa ông, chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 37 năm. Ông đánh giá thế nào về bản chất, vị trí của cuộc chiến này trong lịch sử dân tộc?

- Thiếu tướng Lê Mã Lương:

img

Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta cần tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự hy sinh đó.

Đại tá Tống Chư, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lào Cai giai đoạn 1974 - 1985, xúc động khi kể về tình hình chiến sự tháng 2-1979 tại mặt trận Lào Cai Ảnh: Mạnh Duy
Đại tá Tống Chư, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lào Cai giai đoạn 1974 - 1985, xúc động khi kể về tình hình chiến sự tháng 2-1979 tại mặt trận Lào Cai Ảnh: Mạnh Duy

Từ mờ sáng 17-2 đến 5-3-1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu). Quân Trung Quốc đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới; giết hại nhiều dân thường vô tội như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

Thực tế, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài đến năm 1988. Như vậy, chúng ta mất 10 năm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Cái từ “run sợ” hay “lo sợ” chưa bao giờ có trong tư duy quân sự cũng như trong suy nghĩ của người Việt Nam. Người Việt Nam luôn có một tấm lòng bao dung, tinh thần hòa hiếu, khát vọng hòa bình và không bao giờ run sợ. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 là một minh chứng.

Như ông nói, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Vậy chúng ta phải làm gì để tôn vinh những người đã hy sinh cũng như trả lại vị trí xứng đáng cho cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2-1979 trong lịch sử dân tộc?

- Chiến tranh biên giới phía Bắc đã qua đúng 37 năm nhưng vẫn còn nhiều “khoảng lặng” làm day dứt những người đang sống cũng như những người đã trải qua cuộc chiến. Những khoảng lặng đấy là điều hết sức đáng buồn và day dứt. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ anh dũng hy sinh và bây giờ rất nhiều hài cốt của họ vẫn đang nằm đâu đó trong những cánh rừng, trên núi cao, bờ sông, bờ suối nơi biên cương. Đặc biệt, tại Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) nơi có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong những năm từ 1984-1988, đang nằm tại những hang đá, điểm cao trong rừng mà chưa có cách gì để quy tập hài cốt về các nghĩa trang bởi nơi đó còn quá nhiều bãi mìn sót lại sau cuộc chiến.

Nhân đây, tôi cũng cảm ơn Đảng, nhà nước đã cho xây dựng và nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang quốc gia. Tuy nhiên, nghĩa trang vẫn còn nhỏ bé, chưa thể hiện được tầm vóc, hy vọng sẽ được đầu tư để khang trang hơn. Cuộc chiến tranh này là một chương trong lịch sử dân tộc. Lịch sử vốn dĩ rất công bằng, không ai có thể bóp méo được. Vì vậy, chúng ta phải trả lại sự công bằng vốn có của nó.

Nên chăng, trong khi chưa đưa được hài cốt của những người lính đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc trở về thì chúng ta cần phải có hình thức tôn vinh như thế nào đó cho xứng đáng với công lao của họ. Bây giờ chúng ta không làm thì bao giờ mới làm?

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần phải vào cuộc và từng bước quy tập hài cốt của các liệt sĩ. Có thể dựng tượng đài, cây hương hay văn bia tưởng niệm về sự kiện tháng 2-1979 tại những nơi mà quân dân ta đã anh dũng hy sinh, để ghi nhận công trạng họ. Người thân, đồng đội, đồng bào có thể đến để thắp hương, tưởng nhớ.

Chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận cuộc chiến này một cách khách quan, đầy đủ. Lịch sử không tô vẽ nhưng cũng không được xóa nhòa, chỉ cần nói đúng, nói đủ. Chúng ta không ghi lại làm sao con cháu sau này hiểu rõ? Tại sao không tuyên truyền một cách mạnh mẽ, đầy đủ hơn cho xứng tầm với một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc? Sự hy sinh của các chiến sĩ, nhân dân, dù ở thời đại nào cũng đều đáng trân trọng, miễn sao sự hy sinh đó là vì Tổ quốc.

Đã đến lúc chúng ta nên nói rõ, đầy đủ về sự hy sinh của các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến này. Đừng để những người lính trải qua cuộc chiến đã 37 năm phải dằn vặt bởi một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc như thế. Chúng ta phải đưa sự kiện này vào sách giáo khoa và phải làm một cách nghiêm túc, đầy đủ. Lịch sử cần được ghi lại và chúng ta không ai được phép lãng quên.

Qua cuộc chiến tháng 2-1979, có bài học nào cần rút ra? Bởi từ khi cuộc chiến tranh kết thúc, Trung Quốc vẫn liên tục vi phạm những cam kết về đường ranh biên giới hay trên biển Đông. Chúng ta cần ứng xử thế nào cho phù hợp?

- Khi nói về lịch sử một thời đã qua, kể cả trong quan hệ quốc tế, có những lúc thăng, lúc trầm với nước láng giềng nhưng chúng ta phải nhắc đến và ôn lại. Nhắc và ôn lại không phải để phê phán một cá nhân nào hay để tạo ra mối thù hận với một đất nước, dân tộc nào mà là để nhắc nhở con cháu tránh những cái cần phải tránh để không dẫn đến những tổn thất cho đất nước cũng như những bài học cần ghi nhớ. Đấy là cái đích.

Không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình

Thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ chiến tranh. Vì không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình. Thái độ của chúng ta với nước láng giềng cần phải rõ ràng, rạch ròi. Từ cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tháng 2-1979, có thể rút ra những bài học: phải luôn luôn cảnh giác cao độ; trong mọi tình huống, hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện tính chủ động vì lợi ích quốc gia, dân tộc để hành động. Trong quan hệ quốc tế, không để cho bất cứ một thế lực nào tạo ra sức ép khiến chúng ta mất tự chủ.

 

 

Phải tôn trọng lịch sử

img

Ông Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho rằng sự kiện ngày 17-2-1979 và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc là một phần của lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bất cứ thời điểm nào cũng cần phải tôn trọng tính trung thực của lịch sử, tôn trọng và minh bạch sự thật.

“Lịch sử dân tộc bao gồm những di sản vinh quang và cả những di sản cay đắng, mất mát, những điều không vui… Song, qua đó để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm đã phải đổ bằng xương máu. Bài học lớn nhất được rút ra từ sau những cuộc chiến tranh chính là mong ước có được hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia; tiếp đó là bài học ứng xử trong quan hệ đối nội và đối ngoại” - ông Quốc nhấn mạnh và nói việc cần làm hiện nay cũng như của các thế hệ tương lai là nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo, sâu sắc bài học lịch sử chiến tranh, còn giáo dục, truyền thụ phổ biến ở mức độ, thời điểm nào thì cần có quyết định hết sức tỉnh táo để tránh không có lợi cho công cuộc phát triển của đất nước.

“Cụ thể, đối với cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 cũng như thời điểm hiện tại với vấn đề biển Đông và trước đó là Pháp, Nhật, Mỹ… cũng từng có chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng ta luôn phải khắc ghi, tôn trọng lịch sử để rút ra những bài học về sự chủ động, ứng xử. Không được né tránh cũng như quá cực đoan khi nhìn nhận về lịch sử dân tộc” - ông Quốc nhìn nhận và cho rằng phải phổ biến, giáo dục chiến tranh biên giới bằng sách giáo khoa hay một hình thức cơ bản nào khác để mọi người dân đều hiểu rõ. Song, thể hiện ở mức độ nào, những điều gì chưa thể nói ra hết hoặc không nói ra thì đó là nghệ thuật chính trị và ứng xử ở tầm quốc gia. Đây là một lĩnh vực khoa học gắn chặt với chính trị nên không thể lúc nào cũng cảm tính. Th.Dũng ghi

 

Bảo vệ từng tấc đất biên cương

Lịch sử dân tộc sẽ mãi khắc ghi những ngày tháng 2 oanh liệt, khi quân dân ta đánh trả cuộc tấn công của quân Trung Quốc

Văn Duẩn - Mạnh Duy

Rạng sáng 17-2-1979, Trung Quốc huy động một lực lượng lớn quân đội mở cuộc tấn công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới từ huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đến địa đầu thị xã Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Tại tỉnh Lai Châu, quân Trung Quốc tấn công vào Ma Ly Pho, Cao Sơn Chải và phía Tây đường 12. Tại tỉnh Lào Cai, chúng huy động bộ binh có pháo binh yểm trợ tấn công thị trấn Mường Khương, thị xã Lào Cai, nhà máy điện, ga Phố Mới…

Tội ác kinh hoàng

Tại tỉnh Cao Bằng, bộ binh Trung Quốc đánh vào các chốt dân quân ở Quảng Hòa, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh. Tại tỉnh Lạng Sơn, quân Trung Quốc dùng bộ binh, xe tăng, pháo binh tấn công các đồn công an vũ trang; các chốt dân quân du kích; thị trấn Đồng Đăng, xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng). Tại tỉnh Quảng Ninh, pháo lớn và bộ binh Trung Quốc bắn tới tấp vào thị xã Móng Cái, Pò Hèn và Hoành Mô (huyện Bình Liêu).

Quân Trung Quốc tấn công liên tục, gây nhiều tội ác kinh hoàng. Tại xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), hàng chục phụ nữ, trẻ em bị giết hại dã man ngay trong ngày đầu tiên chúng xâm lược.

Ở tỉnh Cao Bằng, rất nhiều người dân xã Hoàng Tung (huyện Hòa An) còn nhớ rõ ngày quân Trung Quốc tràn sang. Bà Nghiêm Thị Thế (59 tuổi) kể sáng hôm đó, bà đang ở nhà cùng con gái mới 4 tuổi. “Xe tăng Trung Quốc cắm cờ Việt Nam nên chúng vào đến đầu làng thì dân mới biết là quân Trung Quốc khi nhìn thấy chữ Bát Nhất. Tôi chỉ kịp cõng con chạy vào núi, không kịp mang gì theo” - bà Thế nhớ lại.

Ông Hoàng Như Lý chỉ một vị trí có 7 chiến sĩ hy sinh vào ngày 17-2-1979Ảnh: Văn Duẩn
Ông Hoàng Như Lý chỉ một vị trí có 7 chiến sĩ hy sinh vào ngày 17-2-1979Ảnh: Văn Duẩn

Người dân ở xã Hoàng Tung vẫn còn may mắn hơn dân ở thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) bên cạnh. Trong ngày 9-3, trước khi rút về nước, quân Trung Quốc đã giết 43 người, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và công nhân một trại heo. Hầu hết họ bị bắn chết hoặc hành hạ dã man đến chết rồi vứt xác xuống giếng.

“Hôm ấy, nhà em gái ông Để ở bản Nà Riềm có mấy mẹ con bị giết. Nói thì đau lòng và kinh hoàng lắm” - bà Thế ngậm ngùi. Còn bà Lê Thị Tâm (cũng ở xã Hoàng Tung) nhớ khi quân Trung Quốc tràn vào xã trong sáng 17-2, bà đang đi bừa. Người dân í ới gọi nhau “Tàu về rồi”. Thế là bà bỏ cày, chạy về nhà bế đứa con mới 5 tháng tuổi chạy. “Họ giết hết những ai mặc đồ như bộ đội và cán bộ” - bà Tâm nói.

Nơi ấy có máu, xương của đồng đội tôi!

Chúng tôi đã đi hơn 1.000 km dọc chiều dài đường biên giới thiêng liêng phía Bắc của Tổ quốc, từ Đồn Biên phòng Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh) đến Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu). Trên con đường ấy, chúng tôi đã thắp hương tại nhiều nơi an nghỉ của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Nghĩa trang Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) có trên 1.700 mộ liệt sĩ. Có những ngôi mộ chỉ có bảng đề dòng chữ “liệt sĩ đặc công”; “liệt sĩ chưa biết tên”. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, nhiều người mới rời ghế nhà trường và cũng nhiều người chưa kịp có người yêu.

Chiều muộn, chúng tôi cùng ông Hoàng Như Lý, nguyên chuẩn úy trinh sát Đồn Biên phòng Pò Hèn (một trong số rất ít cựu binh lúc ấy, hiện sống ở TP Móng Cái) vào Nghĩa trang Liệt sĩ Pò Hèn thắp hương cho các liệt sĩ. “Chỉ chưa đầy 2 tháng, hầu hết đồng đội của tôi có mặt trong tấm ảnh này đã hy sinh vào ngày 17-2 khi cầm súng để bảo vệ đồn. Tấm ảnh này chụp vào dịp anh em liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979” - ông Lý nghẹn ngào và chỉ cho chúng tôi tấm ảnh đen trắng treo ở phòng khách của Đồn Biên phòng Pò Hèn. 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn (bấy giờ là của lực lượng công an vũ trang) đã giành giật từng tấc đất, từng mét giao thông hào, dùng lựu đạn, tiểu liên và lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch đến hơi thở cuối cùng.

“Cuộc chiến đã lùi xa nhưng chúng ta không bao giờ được phép lãng quên. Những cựu binh như chúng tôi chẳng thể nào quên điều gì đâu, bởi nó là một phần của lịch sử dân tộc. Nơi ấy - Pò Hèn - có máu, xương của đồng đội tôi đang nằm” - ông Lý nghẹn lời.

 

Mong được sống trong hòa bình

Ông Sầm Khôi - nguyên Bí thư Chi bộ, chỉ huy lực lượng dân quân xã Hoàng Tung (một xã của tỉnh Cao Bằng) tham gia đánh quân Trung Quốc tháng 2-1979 - bảo rằng cuộc chiến đã lùi xa 37 năm nhưng chẳng ai quên được và cũng không được phép lãng quên. “Đây là cuộc chiến bất đắc dĩ và tự vệ chính đáng của chúng ta. Nay, người dân biên giới chúng tôi chỉ mong được sống trong hòa bình, hữu nghị; nhân dân 2 nước có thể sống tốt với nhau” - ông Khôi nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo