xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới

Xuân Mai - Clip: Quốc Thắng

(NLĐO) - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM, ông Watanabe Nobuhiro, cho biết Nhật Bản và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng, các công ty Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam từ góc độ dài hạn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng lãnh sự Watanabe Nobuhiro chia sẻ về nhiều vấn đề như mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vắc-xin, đại dịch Covid-19 và triển vọng hợp tác song phương.

- So với các đối tác như Hàn Quốc, Singapore…, Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh Covid-19. Ông có thể lý giải về việc này? Liệu có thể xem đây là bước phát triển sau quyết định chuyển dịch, tái cơ cấu sản xuất từ cuối năm 2020?

. Ông Watanabe Nobuhiro: Nhật Bản là quốc gia hàng đầu tài trợ ODA cho Việt Nam, số lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 2 tính theo lũy kế và là đối tác thương mại lớn thứ 4. Nhật Bản và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng, các công ty Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam từ góc độ dài hạn.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM Watanabe Nobuhiro. Ảnh: Quốc Thắng

Dựa trên tình hình kinh tế thế giới, điển hình như quan hệ kinh tế Mỹ -Trung gần đây, chúng tôi đã và đang hỗ trợ các dự án giới thiệu thiết bị nhằm mục đích đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản kể từ năm 2020.

Trong số 81 dự án đã được thông qua cho đến nay, Việt Nam có 37 dự án, là quốc gia có số lượng dự án lớn nhất.

Tôi cho rằng sự ổn định về chính trị, xã hội của Việt Nam và mạng lưới FTA/EPA của Việt Nam với nhiều nước là những yếu tố rất quan trọng khi nhà đầu tư xem xét lựa chọn thị trường Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới và đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản.

Kể từ tháng 10, khi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được nới lỏng và hoạt động kinh tế dần được khởi động trở lại, các công ty Nhật Bản trong khu vực đang nỗ lực để phục hồi mức sản xuất như trước dịch.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới - Ảnh 2.

Ảnh: Quốc Thắng

Trong tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Nhật Bản vào tháng 11-2021 với tư cách là chính khách nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Kishida Fumio sau khi nhậm chức.

Đây là một trong những nỗ lực hướng đến "Phục hồi kinh tế - sống chung an toàn với dịch Covid-19". Tại cuộc gặp, nhiều sáng kiến nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã được đưa ra giữa hai chính phủ.

Ngoài ra, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Nhật Bản, "Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam" đã được tổ chức tại Tokyo, nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các công ty đã được kí kết (45 thỏa thuận với tổng giá trị 10 tỉ USD).

Điều này là dấu hiệu cho thấy nhiều kỳ vọng của các công ty Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam dù trong tình hình dịch Covid-19.

Trong tương lai, định hướng chiến lược "Sống chung với dịch Covid-19" là sự kết hợp giữa kiểm soát lây nhiễm và khôi phục hoạt động kinh tế, một chuỗi cung ứng mạnh mẽ sẽ được xây dựng, các công ty Nhật Bản sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Tôi tin rằng quan hệ kinh tế Nhật Bản - Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 đã có tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó, hơn 1000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại TP HCM và các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Long An, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam được định vị là địa điểm sản xuất đóng vai trò như nền tảng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cả Nhật Bản và Việt Nam đều cần suy nghĩ để duy trì sản xuất ở Việt Nam – điểm rất quan trọng về mặt chiến lược, dựa trên kinh nghiệm và bài học rút ra từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trước khi vào hội đàm hồi tháng 11-2021. Ảnh: VGP

TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Bất chấp dịch Covid-19, dân số TP HCM được dự đoán sẽ tiếp tục tăng và trở thành một trong những siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam.

 Cần phải giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và các vấn đề môi trường đang dần trở nên nghiêm trọng hơn do dân số tăng và quá trình đô thị hóa.

Hồi năm ngoái, TP Thủ Đức được thành lập trực thuộc TP HCM, được kỳ vọng sẽ phát triển trong các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin và đổi mới. Qua đó, tôi hy vọng rằng thành phố sẽ phát triển hơn nữa như một đô thị quốc tế thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Về vấn đề này, việc phát triển các mạng lưới cơ sở hạ tầng khác nhau, bao gồm cả Tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP HCM đang được phát triển bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản sẽ cải thiện kết nối với thành phố và khu kinh tế phía Nam Việt Nam, giúp thu hút đầu tư hơn nữa.

- Ông nghĩ thế nào về chính sách ứng phó đại dịch Covid-19 của Việt Nam? Thời gian qua, Nhật Bản đã hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam. Nhật Bản có những hỗ trợ tiếp theo ra sao để giúp Việt Nam hồi phục kinh tế?

Sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 ở miền Nam Việt Nam, các hoạt động xã hội dần được khôi phục tại TP HCM từ đầu tháng 10 năm ngoái và thành phố đã sôi động trở lại.

Lần này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền TP HCM, các cơ quan ban ngành liên quan và các chuyên gia y tế đã nỗ lực trong suốt thời gian dài với ưu tiên cao nhất là tính mạng con người và ngăn chặn sự lây lan với tốc độ chưa từng có của đại dịch trong đợt bùng phát dịch lần này.

Vào tháng 6 năm ngoái, Nhật Bản đã cung cấp vắc-xin cho Việt Nam trước cả những nước khác. Đồng thời, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Kishida cũng công bố Việt Nam sẽ nhận thêm 1,54 triệu liều vắc-xin. Như vậy, tổng số vắc-xin Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam tới thời điểm hiện tại là vào khoảng 5,6 triệu liều.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng Kishida cũng cho biết sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ liên quan đến việc phát triển và sản xuất vắc-xin Covid-19 thông qua hợp tác công-tư. Sau hội nghị thượng đỉnh này, biên bản ghi nhớ hợp tác cũng đã được ký kết giữa Công ty TNHH Dược phẩm Shionogi của Nhật Bản và Cục khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ y tế Việt Nam.

Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng chống dịch Covid-19 trong hợp tác công-tư.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới - Ảnh 6.

Chuyến bay của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) mang số hiệu NH897 NRT-HAN chuyên chở vắc-xin do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hạ cánh tại Nội Bài ngày 16-6-2021. Số vắc-xin này được bảo quản và vận chuyển ngay vào TP HCM trong ngày 17-6-2021. Ảnh: NIA

Ngoài ra, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM đã đóng góp 20.000 USD cho Quỹ vắc-xin của chính phủ Việt Nam và các công ty Nhật Bản cũng đã quyên góp riêng lẻ nhiều khoản.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có các dự định hợp tác trong tương lai bao gồm hỗ trợ thiết bị y tế (ECMO) cho Bệnh viện Chợ Rẫy và hỗ trợ thiết bị để thiết lập phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 như hỗ trợ cho Viện Pasteur.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Việt Nam gần đây, Thủ tướng Kishida đã nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng ông mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm của quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 nhằm tăng cường đầu tư của các công ty Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố sẽ chủ động cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm nhiều công ty Nhật Bản. Nhiều quan chức Nhật Bản cũng kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sau khi vượt qua đại dịch.

Tất nhiên, để hiện thực hóa điều này, việc cải thiện điều kiện liên quan đến các công ty Nhật Bản như nối lại hoạt động giao lưu giữa hai nước là không thể thiếu.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ cảm nhận về Tết cổ truyền của Việt Nam

- Trong những năm gần đây, thị trường lao động Nhật Bản vẫn được đánh giá nhiều tiềm năng. Nhật Bản mong muốn tuyển dụng lao động lĩnh vực nào ở Việt Nam trong thời gian tới? Người lao động Việt Nam cần trang bị những kỹ năng cần thiết nào? Để lao động Việt Nam vững chân ở thị trường Nhật Bản, Nhật Bản có những chính sách nào nhằm ổn định chất lượng đời sống người lao động Việt Nam tại Nhật Bản?

Số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng mạnh trong những năm gần đây, vượt qua Trung Quốc (420.000 người) vào năm 2020, đứng vị trí số 1 (440.000 người). Nguyên nhân chính là sự gia tăng số lượng thực tập sinh kỹ năng và hiện nay, người Việt Nam chiếm hơn một nửa tổng số thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản.

Tôi được biết một số tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng và kỹ năng đặc định đang được thực hiện bởi các cơ quan phái cử. Tuy nhiên, tôi cho rằng ngoài kỹ năng liên quan đến công việc, việc tiếp thu các kiến thức đời sống để sinh hoạt tại Nhật Bản (các quy tắc sống, kiến thức để tránh liên quan đến tội phạm...) cũng là một phần không thế thiếu.

Mặt khác, vào tháng 4-2019, tư cách lưu trú mới là "Kỹ năng đặc định" đã được thiết lập để tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới. Trong tương lai, nguồn lao động từ Việt Nam với tư cách lưu trú mới này vẫn sẽ tiếp tục được kì vọng đóng góp cho 14 lĩnh vực công nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, như điều dưỡng, sản xuất, xây dựng, nông nghiệp…

Người nước ngoài có tư cách lưu trú "Kỹ năng đặc định", có các kỹ năng trong những lĩnh vực cụ thể (được công nhận qua các kỳ thi…) và trình độ tiếng Nhật cần thiết cho cuộc sống và công việc hàng ngày, được kì vọng đóng vai trò tích cực như những người lao động có kỹ năng chuyên môn cao.

Về chất lượng và sự ổn định cuộc sống của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 24-11-2021, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính, NAGOMi (Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài của Nhật Bản) và VAMAS (Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam) đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động dịp năm mới - Ảnh 9.

Ảnh: Quốc Thắng

Tôi nghĩ rằng việc ký kết các hợp đồng lao động đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc và các chính sách liên quan đến hỗ trợ đời sống sẽ được tăng cường hơn nữa.

Dưới sự hợp tác giữa hai nước, tôi cho rằng cần sớm có chính sách với sự hợp tác từ các tổ chức, giúp người Việt Nam lựa chọn lao động tại Nhật Bản có thể cùng sống và làm việc trong xã hội Nhật Bản, đồng thời ổn định chất lượng cuộc sống của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

- Sau gần 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21-9-1973), ông có cảm nhận thế nào về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua?

Từ ngày 22 đến ngày 25-11-2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm Nhật Bản với tư cách là vị chính khách đầu tiên được tiếp đón bởi chính quyền Thủ tướng Kishida.

Việc nhiều sự kiện được tổ chức bởi chính phủ, chính quyền địa phương và các công ty tư nhân của Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng cường quan hệ với Việt Nam ở nhiều cấp độ.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Nhật Bản và Việt Nam, tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời xây dựng mối quan hệ tin cậy vững chắc giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo.

Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi tin rằng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo động lực cho một năm đáng nhớ của cả hai nước.

Để kỷ niệm 50 năm, hai nước sẽ chuẩn bị nhiều sự kiện khác nhau vào năm 2022. Nhân chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo hai nước đã công bố thành thành lập Uỷ ban điều hành các hoạt động kỷ niệm phía Nhật Bản và có sự hợp tác của phía Việt Nam.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều người tham gia sự kiện kỷ niệm 50 năm này để hiểu thêm về mối quan hệ gắn bó giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng như tạo ra nhiều cơ hội để bước đi cùng nhau trong 50 năm tới.

- Trong thời gian sinh sống và làm việc tại TP HCM, ông cảm nhận không khí Tết, văn hóa và con người Việt Nam thế nào? Tổng Lãnh sự có đôi điều chia sẻ với bạn đọc Báo Người Lao Động, đặc biệt là nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới?

Tôi đến Việt Nam vào tháng 6-2020 và năm 2021 là lần đầu tiên tôi đón Tết tại TP HCM. Thật không may, tôi nghĩ rằng tôi đã không được tận hưởng không khí Tết trọn vẹn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cũng đã tham gia triển lãm tại đường hoa Nguyễn Huệ và bản thân tôi được trải nghiệm Tết tại TP HCM ngập tràn sắc hoa mùa xuân. Ngoài ra, tôi nhận được rất nhiều những món ăn ngày Tết như bánh chưng và chúng rất ngon.

Ở Việt Nam, gia đình quây quần cùng ăn Tết nên tôi hiểu rằng Tết quan trọng như thế nào đối với người Việt Nam. Hoa sen là biểu tượng của Việt Nam, bản thân tôi cũng rất yêu hoa sen.

Nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, tôi muốn gửi lời nhắn tới quý vị độc giả rằng năm nay, khi tình hình dịch Coivd-19 được kiểm soát và giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam được khôi phục, tôi mong mọi người hãy đến thăm và tự mình trải nghiệm Nhật Bản.

Ngoài ra, năm 2023 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy, trong năm 2022, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức tại TP.HCM cũng như khu vực miền Nam Việt Nam, hướng đến năm kỷ niệm. Rất mong mọi người sẽ theo dõi thông tin trên Facebook của tổng lãnh sự quán và cùng tham gia những sự kiện này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo