xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tín hiệu trái ngược của ông Donald Trump

HOÀNG PHƯƠNG

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ cảnh báo những mối đe dọa gia tăng từ 2 "cường quốc đối thủ" Nga và Trung Quốc

Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mới của Mỹ đã phác thảo nền tảng và những ưu tiên được cho là sẽ thúc đẩy chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Xem nhẹ biến đổi khí hậu

Nội dung NSS được công bố hôm 18-12 cảnh báo Mỹ đang đối mặt những mối đe dọa gia tăng từ 2 "cường quốc đối thủ" Nga và Trung Quốc cùng với những chế độ bị gọi là "bất hảo", nhất là Triều Tiên và Iran. Đáng chú ý, NSS còn gọi Nga và Trung Quốc là 2 "cường quốc xét lại", qua đó phản ánh nỗi lo các nước này đang tìm cách viết lại những quy định của trật tự thời hậu Thế chiến II để phù hợp với lợi ích kinh tế và tham vọng toàn cầu của họ.

Theo đài CNN, chiến lược nêu trên đánh giá an ninh kinh tế là an ninh quốc gia nhưng không còn xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa đến an ninh đất nước. Điều này đi ngược lại quan điểm của Lầu Năm Góc - tiếp tục nêu bật những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ một khí hậu không ngừng thay đổi, như dòng người tị nạn, sức mạnh gia tăng của bão và hậu quả của nước biển dâng cao.

Để đối phó những thách thức trong và ngoài nước, NSS cho rằng chính phủ cần đặt "nước Mỹ trên hết", củng cố an ninh biên giới, xé bỏ những thỏa thuận thương mại không công bằng, xây dựng lại sức mạnh quân sự, tăng cường hành động chống lại các nhóm khủng bố và chủ nghĩa cực đoan hóa…

Vấn đề là trong bài diễn văn công bố NSS, ông Donald Trump lại không giải thích rõ bản chất những mối đe dọa trên mà trở lại với giọng điệu thường thấy khi vận động tranh cử. Cụ thể, theo báo The New York Times, nhà lãnh đạo Mỹ lặp lại lời kêu gọi xây bức tường dọc biên giới với Mexico; tự khen về màn thể hiện tích cực của thị trường chứng khoán, tỉ lệ thất nghiệp thấp và kế hoạch cắt giảm thuế, trong lúc không quên chỉ trích những người tiền nhiệm.

Sự thiếu kết nối giữa bài diễn văn và NSS không chỉ nêu bật yếu tố khó đoán của ông Donald Trump mà còn khiến chính phủ các nước thấy bối rối trong việc tìm hiểu những tín hiệu trái ngược của ông chủ Nhà Trắng. Chẳng hạn, ông Donald Trump nói về chuyện Nga và Trung Quốc "tìm cách thách thức ảnh hưởng, các giá trị và sự thịnh vượng của Mỹ" nhưng lại không nhắc gì đến cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, ngay cả khi NSS có nội dung chỉ trích "Nga sử dụng các công cụ để làm suy yếu tính hợp pháp của những nền dân chủ".

Tín hiệu trái ngược của ông Donald Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về chiến lược an ninh quốc gia mới hôm 18-12. Ảnh: REUTERS

Quan điểm thời chiến tranh lạnh

Trong lúc 2 chiến lược an ninh quốc gia của người tiền nhiệm Barack Obama nhấn mạnh sự hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, phiên bản NSS của ông Donald Trump vừa nhấn mạnh đến khẩu hiệu tranh cử "nước Mỹ trên hết" vừa khẳng định Washington không bác bỏ chuyện bắt tay với các đối tác, miễn là Mỹ có lợi.

Ngoài ra, trong dấu hiệu cho thấy sự quay lại của quan điểm về thế giới thời chiến tranh lạnh, NSS mới nêu rõ Washington có thể mở rộng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, xem đây là "nền tảng của chiến lược nhằm gìn giữ hòa bình và sự ổn định bằng cách ngăn chặn sự gây hấn nhằm vào Mỹ". Văn kiện này nêu rõ vũ khí hạt nhân Mỹ có thể được sử dụng để chống lại một loại đe dọa mới, gọi là "tấn công chiến lược phi hạt nhân".

Một số chuyên gia nhận định những khác biệt giữa ông Donald Trump và nhóm an ninh quốc gia làm dấy lên thắc mắc về mức độ nghiêm túc và tính thời sự của NSS nêu trên, nhất là khi nó xem nhẹ mối đe dọa của biến đổi khí hậu. "Kinh nghiệm của tôi cho thấy các chiến lược an ninh quốc gia thường có tuổi thọ khá ngắn ngủi. Chính quyền này sẽ sớm đối mặt thực tế đó" - ông Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nói với tờ The New York Times.

Bị nêu đích danh trong NSS, không có gì lạ khi Trung Quốc lập tức phản ứng bằng cách chỉ trích Mỹ "đang tự cô lập mình" và "ích kỷ". Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cảnh báo 2 nước sẽ khó tránh tổn thất nếu đối đầu xảy ra. Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền ông Donald Trump có thể biến lời nói thành hành động hay không.

Cứng rắn không kém, Điện Kremlin gọi phiên bản NSS của chính quyền ông Donald Trump mang tính "đế quốc" và thể hiện sự ác cảm đối với một thế giới đa cực. Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, hoan nghênh việc Washington sẵn sàng hợp tác với Moscow trong những lĩnh vực cùng quan tâm. 

Không còn lựa chọn

Mỹ không có lựa chọn nào ngoài việc giải quyết thách thức từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đó là tuyên bố của Tổng thống Donald Trump khi công bố NSS mới hôm 18-12.

NSS của các chính quyền tiền nhiệm đôi khi "bắn tín hiệu" báo trước hành động tương lai: Chiến lược năm 2002 của ông George W. Bush từng làm sống lại cuộc tranh luận về hành động quân sự phủ đầu. Điều này phần nào giúp định hình lý lẽ cơ bản cho cuộc xâm lược Iraq của Mỹ 6 tháng sau đó, với cảnh báo về những nguy cơ từ việc không hành động khi đối mặt mối đe dọa lớn.

Tuy nhiên, dù đã trút hàng loạt đe dọa cuồng nộ thời gian qua nhưng NSS đầu tiên của ông Donald Trump lại không nhắc tới chữ "phủ đầu" khi đề cập Triều Tiên. Tờ The New York Times gọi đó là một sự "bỏ sót", dù Cố vấn an ninh quốc gia, Tướng H. R. McMaster, khẳng định nếu các biện pháp ngoại giao và trừng phạt thất bại, chiến tranh phòng ngừa, hoặc một cuộc tấn công phủ đầu, có thể cần thiết để ngăn Triều Tiên tấn công Mỹ. Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 19-12, ông McMaster cũng nhấn mạnh Washington sẵn sàng buộc Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa.

Cùng ngày, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, cho biết Mỹ có thể điều động tàu từ bờ Đông Thái Bình Dương để tăng cường sức mạnh của hải quân tại châu Á, nhằm đối phó các hiểm họa mới tại khu vực, nhất là từ Triều Tiên. Theo lời vị tư lệnh trong cuộc họp báo trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đậu ngoài khơi Nhật Bản, tàu chiến từ Hạm đội 3 có thể được điều động để đáp ứng các yêu cầu trên.

Reuters nhận định căng thẳng với Triều Tiên cùng sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc đã làm tăng áp lực lên Hạm đội 7 (đóng ở Yokosuka - Nhật Bản) của Mỹ. Ông Richardson nhấn mạnh cần phải có một lực lượng hải quân lớn hơn, hệ thống hơn, trang bị những hệ thống vũ khí mới nhất.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến các học giả Trung Quốc lo ngại về nguy cơ tình hình trở nên mất kiểm soát. Phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc tuần rồi, ông Vương Hồng Quang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, cảnh báo xung đột quân sự có thể bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên bất cứ lúc nào kể từ nay cho đến tháng 3-2018 và Bắc Kinh cần chuẩn bị cho kịch bản này.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo