xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuộc địa hóa tiểu hành tinh

ĐỖ QUYÊN

Nhiều chuyên gia cảnh báo giá trị quá lớn của những "kho báu" thuộc các tiểu hành tinh có thể phá hủy hệ thống giá cả hàng hóa và đánh sập nền kinh tế toàn cầu

Một thời đại vũ trụ mới đang nổi lên và cái gọi là nền kinh tế không gian sẽ sớm trở thành ngành công nghiệp hàng ngàn tỉ USD trong vòng 2 thập kỷ tới. Đó là tư vấn vừa được đưa ra hồi tháng rồi từ Goldman Sachs (Mỹ) với các khách hàng của tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới này.

Đổ tiền vào vũ trụ

Trong bản lưu ý viết cho các nhà đầu tư của Goldman Sachs, chuyên gia phân tích Noah Poponak đưa ra những con số hẳn khiến nhiều người bị cuốn hút: Một tiểu hành tinh (THT) có kích cỡ tương đương sân bóng có thể chứa trữ lượng bạch kim khoảng 25-50 tỉ USD. Chuyên gia này nhấn mạnh hơn 50 hãng đã đầu tư vào mảng kinh doanh vũ trụ trong năm 2015 khiến lượng tiền đổ vào lĩnh vực này trong 1 năm còn nhiều hơn 15 năm trước đó cộng lại.


Thuộc địa hóa tiểu hành tinh - Ảnh 1.

Công ty Deep Space Industries công bố hình ảnh minh họa về kế hoạch khai mỏ các tiểu hành tinh lướt qua Trái đất Ảnh: Deep Space Industries

Nhiều nhà khoa học của Nga từ năm 2013 đã khẳng định thuộc địa hóa các THT là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất của công cuộc khai phá vũ trụ, không chỉ ở nguồn khoáng sản dồi dào. Nếu có thể tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn kín thì các THT có thể biến thành những căn cứ không gian lý tưởng.

Theo người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu - Sản xuất không gian Khrunichev của Nga, ông Sergey Antonenko, THT không khó tiếp cận bởi có những thời điểm, chúng di chuyển rất gần Trái đất. Ông cho biết khoảng 10.000 THT quay quanh Trái đất và tiếp cận chúng được cho là dễ hơn Mặt trăng.

Dù để mắt "miếng bánh" này đã lâu song cho tới đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc (TQ) mới công khai tuyên bố các kế hoạch tìm kiếm, đổ bộ lên THT và khai thác các kim loại, quặng quý hiếm vào những năm 2020-2025. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhà khoa học không gian kiêm cố vấn chính trị Diệp Bồi Kiên, thuộc Học viện Công nghệ không gian TQ, đã nói với giới chức Bắc Kinh rằng tàu du hành vũ trụ đầu tiên có thể khởi hành trong khoảng 3 năm tới. 

Ông Diệp cho rằng THT lọt vào tầm ngắm không chỉ giải quyết cơn khát tài nguyên của nền kinh tế số 2 thế giới mà còn có thể trở thành căn cứ cho các sứ mệnh thám hiểm liên hành tinh của TQ.

Nhà khoa học đồng thời cũng là "tư lệnh" chương trình chinh phục Mặt trăng của TQ này giải thích tại một diễn đàn khám phá THT ở Bắc Kinh: "Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ nghiên cứu cách đưa robot hoặc phi hành gia tới khai mỏ các THT rồi chuyển về Trái đất". Theo ông Diệp, những kim loại quý hiếm khai thác được từ các THT có thể bù đắp chi phí quá đắt đỏ của công cuộc khám phá vũ trụ.

Trong khi đó, về dài hạn, TQ muốn sử dụng nguồn tài nguyên từ THT để xây dựng các cơ sở trong không gian hoặc cung cấp vật tư hỗ trợ những chuyến du hành giữa các vì sao. Ngoài ra, một số THT có thể được dùng để làm căn cứ thám hiểm liên hành tinh.

Tiểu hành tinh 10 tỉ tỉ USD

Những mốc thời gian mục tiêu mà TQ vạch ra "vô tình" lại tương tự kế hoạch được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố hồi tháng 1-2017. Theo đó, hai sứ mệnh không gian mới của NASA có tên Lucy và Psyche sẽ bắt đầu khởi hành để tiếp cận các THT lần lượt vào năm 2021 và 2023.

Phó quản lý Ban Sứ mệnh khoa học của NASA Thomas Zurbuchen cho hay Lucy sẽ ghé thăm môi trường của các THT Trojan bí ẩn thuộc sao Mộc. Trong khi đó, Psyche sẽ nghiên cứu một THT kim loại độc đáo chưa từng được khám phá trước đây được đặt tên là 16 Psyche.

Theo Daily Mail, 16 Psyche nằm trong một vành đai THT lớn giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nó có thể từng là một hành tinh trước khi bị phá hủy thành từng phần trong quá trình hình thành hệ Mặt trời. Theo nhà khoa học phụ trách dự án Lindy Elkins - Tanton, đây cũng là thiên thể kim loại duy nhất được biết đến trong hệ Mặt trời, cấu tạo hầu như hoàn toàn bằng sắt và niken, bên cạnh một số kim loại quý hiếm như vàng, bạch kim với trữ lượng trị giá 10 tỉ tỉ USD - gấp khoảng 130.000 lần giá trị nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, NASA không định chuyển "kho báu" của 16 Psyche, THT được cho là nắm giữ những bí mật về sự khởi nguyên của các hành tinh, về Trái đất. Nhiều chuyên gia cảnh báo giá trị quá lớn của những "kho báu" thuộc các THT có thể phá hủy hệ thống giá cả hàng hóa và đánh sập nền kinh tế toàn cầu!

Điều đó cũng không ngăn được các doanh nghiệp Mỹ vào cuộc. Công ty khởi nghiệp Deep Space Industries có ý định phóng một phi đội tàu không người lái săn các THT nhỏ khi chúng lướt qua Trái đất để tìm kiếm bạch kim. Công ty này tự giới thiệu trên trang web của mình: Deep Space Industries là công ty khai mỏ THT, chuyên phát triển các công nghệ tìm kiếm, khai thác và cung cấp tài nguyên THT - mặt hàng có thể biến đổi nền kinh tế không gian.

Đáng chú ý, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015 đã ký một sắc lệnh về thương mại không gian, mở cửa cho các doanh nghiệp nước này khám phá tài nguyên vũ trụ. Sự bật đèn xanh của ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ đã thôi thúc nhiều đại gia công nghệ hàng đầu, như ông chủ SpaceX Elon Musk và người sáng lập Amazon.com Jeff Bezos, dấn thân vào cuộc đua lên vũ trụ.

Theo các nhà phân tích, dù cực kỳ âm thầm, chương trình vũ trụ dân sự của TQ ước tính mỗi năm tiêu tốn khoảng 3 tỉ USD trong thời gian gần đây. Trong khi đó, ngân sách dành cho NASA được công khai là 19,3 tỉ USD trong năm 2016. Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng chương trình không gian tới năm 2030 và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ tăng gấp 3 lần chi tiêu dành cho khoa học vũ trụ, thúc đẩy phát triển cả công nghiệp khoa học vũ trụ tư nhân.


"Tay chơi" Luxembourg

NASA bắt đầu để tâm tới việc khai mỏ THT từ năm 2013 nhưng thực tế, nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong lĩnh vực này cho tới nay lại là Luxembourg.

Tháng 6-2016, đất nước thuộc hàng nhỏ nhất thế giới này đã đầu tư 225 triệu USD để hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai thác THT trị giá hàng ngàn tỉ USD. Tháng 4 vừa qua, Luxembourg đã công bố thành lập cơ quan không gian và rót thêm hơn 100 triệu USD cho các dự án này.

Kỳ tới: Thực hư người ngoài hành tinh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo