xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tham vọng cải cách thuế toàn cầu

CAO LỰC

Nếu đánh thuế kỹ thuật số công bằng hơn, sẽ có đủ kinh phí để tiêm phòng Covid-19 đầy đủ cho toàn bộ dân số thế giới

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12-7 quyết định hoãn kế hoạch áp thuế kỹ thuật số gây tranh cãi đến mùa thu năm nay nhằm thúc đẩy triển vọng của thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Còn nhiều chông gai

Trong khuôn khổ kế hoạch của mình, EC sẽ áp thuế lên hàng trăm công ty trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager tuyên bố vào đầu tháng này. Dù vậy, theo báo Financial Times, dưới sức ép của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, EC đã hoãn kế hoạch của họ đến ngày 20-7 để tạo điều kiện cho thỏa thuận áp thuế toàn cầu tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Trong cuộc họp vào cuối tuần rồi tại TP Venice - Ý, bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí với thỏa thuận này. Bên cạnh đó, họ ủng hộ kế hoạch buộc các công ty công nghệ đa quốc gia quy mô lớn, như Facebook và Amazon, đóng thuế tại các quốc gia mà sản phẩm và dịch vụ của họ được bán, kể cả khi họ không hiện diện vật lý ở đó.

Dù được ca ngợi là "mang tính lịch sử" và đã nhận được sự ủng hộ của hơn 130 quốc gia, thỏa thuận trên vẫn bị các nước áp thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài như Ireland, Hungary và Estonia phản đối.

Nếu không nhận được sự đồng thuận của Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận nhiều khả năng rơi vào bế tắc. Trong nỗ lực nhằm thuyết phục các nước phản đối ký thỏa thuận trước hạn chót tháng 10 tới, bà Yellen đã gặp gỡ người đồng cấp Ireland Paschal Donohoe tại Brussels, người đến đây với tư cách là chủ tịch Eurogroup - Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Sau "cuộc thảo luận mang tính xây dựng" ngày 12-7, Bộ trưởng Yellen nói bà hy vọng Ireland sẽ ủng hộ thỏa thuận vốn đã được bàn bạc trong suốt thập kỷ qua tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Dù vậy, vẫn còn một câu hỏi khác là liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thuyết phục một quốc hội đang chia rẽ sâu sắc phê chuẩn thỏa thuận hay không. Theo bà Yellen, thỏa thuận nhiều khả năng không được các nhà lập pháp Mỹ cân nhắc đến mùa xuân năm 2022.

Tham vọng cải cách thuế toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc họp với người đồng cấp Ireland Paschal Donohoe tại Brusselss - Bỉ hôm 12-7 Ảnh: RTE

Nguồn lợi lớn

Kế hoạch áp thuế tối thiếu 15% dự kiến ảnh hưởng chưa đến 10.000 công ty lớn nhưng theo ước tính của OECD, có thể mang về thêm 150 tỉ USD/năm cho doanh thu thuế toàn cầu.

Thỏa thuận là một nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức đến từ nền kinh tế toàn cầu hóa và kỹ thuật số gia tăng mà lợi nhuận có thể được chuyển đến những quốc gia đánh thuế thấp trong khi các công ty thu về lợi nhuận trực tuyến ở những nơi mà họ không có trụ sở để đánh thuế.

Bên cạnh đó, thỏa thuận còn được xem là công cụ nhằm ngăn chặn chiến tranh thương mại toàn cầu. Các nước dẫn đầu bởi Pháp đã đơn phương đánh thuế kỹ thuật số lên những gã khổng lồ công nghệ.

Theo Tổ chức Tax Foundation (Mỹ), đến giờ đã có khoảng 50% các nước châu Âu thuộc OECD thông báo, đề xuất hoặc áp thuế lên các công ty kỹ thuật số, với hình thức và mức thu khác nhau (từ 1,5% ở Ba Lan đến 7,5% ở Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong khi Áo và Hungary chỉ áp thuế nhằm vào doanh thu quảng cáo trực tuyến, quy mô thuế của Pháp rộng hơn rất nhiều, bao gồm doanh thu từ việc cung cấp giao diện kỹ thuật số, quảng cáo nhắm đối tượng và truyền dữ liệu về người dùng cho mục đích quảng cáo.

Vì các khoản thuế này ảnh hưởng chủ yếu đến các công ty Mỹ nên Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hồi đầu tháng rồi cảnh báo quốc gia của bà có thể áp thuế quan trả đũa 25% nhằm vào 2 tỉ USD hàng hóa đến từ 6 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận áp thuế tối thiểu 15%, các nước do Pháp dẫn đầu đồng ý sẽ ngừng các khoản thuế kỹ thuật số đơn phương của họ.

Trong khi đó, nhóm nhân quyền ActionAid (trụ sở Nam Phi) khẳng định hệ thống thuế quốc tế hiện hành không thể hiện chính xác mức hiện diện kinh tế của các công ty công nghệ toàn cầu và thỏa thuận áp thuế tối thiểu có thể góp phần ngăn chặn hành vi trốn thuế.

Cũng theo ActionAid, các nước G20 mỗi năm mất khoảng 32 tỉ USD doanh thu thuế chỉ từ 5 công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Tổ chức phi chính phủ này nhấn mạnh nếu đánh thuế kỹ thuật số công bằng hơn, thế giới sẽ có đủ kinh phí để tiêm phòng Covid-19 đầy đủ cho toàn bộ dân số. 

Lực đẩy hậu Covid-19

Trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Venice - Ý hôm 9-7, một lá thư do 124 nhà kinh tế đồng ký tên được gửi đến với nội dung nếu áp dụng ngay thuế giao dịch tài chính (FTT), các nền kinh tế sẽ có thêm sức bật và tạo ra các khoản đầu tư công cần thiết.

Theo các nhà kinh tế này, FTT có thể đem lại khoảng 100 tỉ USD/năm để đáp ứng các chi phí hậu đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy tạo việc làm. "Ít nhất 50% trong khoảng 100 tỉ USD/năm này có thể chuyển cho các nước đang phát triển để hỗ trợ mảng y tế, giáo dục và chuẩn bị cho các đại dịch tương lai. 50% còn lại được các nước giữ lại để hỗ trợ những người dân khó khăn nhất tại nước mình, đặc biệt là bảo vệ và tạo thêm việc làm" - lá thư viết.

Báo Guardian (Anh) cho biết 9 thành viên của G20 hiện đã áp dụng FTT, bao gồm thuế trước bạ đối với các giao dịch trên thị trường xám (thị trường phi chính thức) tại Anh. Các nhà kinh tế cho rằng tất cả các nước không chỉ nên tận dụng FTT mà còn nên mở rộng quy mô và tăng mức thuế này. Theo lá thư nêu trên, cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và ngoại hối đều đang được "đánh thuế cực kỳ thấp" và hiện nay là thời điểm phù hợp để nhóm người giàu nhất thế giới đóng góp nhiều hơn.

Các nước đang phát triển tỏ ra thất vọng khi hội nghị thượng đỉnh G7 (các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) tại Anh hồi tháng trước không đem lại nhiều hỗ trợ tài chính cho các chương trình vắc-xin Covid-19, đầu tư cho y tế… Do đó, họ đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ thượng đỉnh G20 lần này.

Hải Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo