xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàu ngầm vào cuộc đua

HOÀNG PHƯƠNG

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang phát triển thế hệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân tiếp theo, qua đó đẩy nhanh một cuộc đua vũ trang dưới biển giữa ba cường quốc hải quân hàng đầu thế gới này.

Mục tiêu chiến lược khác nhau

Cho đến giờ, theo đánh giá của giới phân tích, lực lượng tàu ngầm Mỹ vẫn thống trị ngay cả khi các đối thủ lớn tăng tốc. Ngoài ra, mỗi quốc gia dường như có những mục tiêu chiến lược riêng khi phát triển lực lượng này. Trong lúc Washington muốn giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, Bắc Kinh và Moscow tập trung cải tiến công nghệ và nâng cao khả năng tàng hình của tàu ngầm.

Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông leo thang, ba quốc gia đều đang tích cực chuẩn bị cho nguy cơ xung đột hạt nhân hoặc xung đột trong lòng biển bằng cách phát triển hoặc hoàn thiện loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) và tàu ngầm tấn công (SSN). Theo kế hoạch của hải quân Mỹ, khoảng 106,4 tỉ USD được chi để đóng tàu mới giai đoạn tài khóa 2019-2023, trong đó gần phân nửa dành cho SSBN và SSN. Cụ thể, sẽ có 32,9 tỉ USD được chi cho 10 SSN và 16,7 tỉ USD cho 1 chiếc SSBN.

SSN được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc đất liền, trong đó có tàu ngầm và tàu chiến nổi. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hoặc đáp trả nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới. Khi kết hợp với nhau, hai loại tàu ngầm nói trên có thể mang lại ưu thế không nhỏ.

"Mặt biển và bầu trời là những nơi cực kỳ rủi ro trong thời đại của tên lửa và máy bay không người lái. Dù vậy, môi trường dưới biển vẫn mơ hồ bất chấp những tiến bộ về công nghệ máy tính và cảm biến" - ông James R. Holmes, chuyên gia tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định với tờ USA Today.

Tàu ngầm vào cuộc đua - Ảnh 1.

Một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ Ảnh: USA TODAY

Ưu tiên cao

Một số nhà phân tích đánh giá SSBN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc trong thập kỷ tới. "Phát triển SSBN đang là ưu tiên cao nhất của hải quân Mỹ" - nhà nghiên cứu J.D. Williams của tổ chức RAND Corporation (Mỹ), đánh giá. Washington hiện cho đóng chiếc SSBN lớp Columbia đầu tiên để thay thế tàu ngầm lớp Ohio và công việc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.

Công ty General Dynamics, một nhà thầu của hải quân Mỹ, kỳ vọng nước này sẽ có 12 SSBN lớp Columbia vào thập niên 2040. Phía Nga dự kiến đến năm 2025 đóng được 4 tàu ngầm lớp Borei-II và Trung Quốc dự kiến bắt đầu đóng các tàu ngầm Type 096 trong vài năm tới. Cả 2 loại tàu ngầm này đều có khả năng di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý, nhanh hơn SSBN lớp Columbia 10 hải lý. Trong khi Mỹ chú trọng tuổi đời hoạt động của SSBN lớp Columbia thì tốc độ và khả năng tàng hình lại là những năng lực được Nga và Trung Quốc chú tâm nhất trong thế hệ SSBN tiếp theo.

Sự cạnh tranh cuộc đua phát triển SSN giữa 3 nước trên cũng nóng không kém. Do được trang bị tên lửa hành trình, SSN là vũ khí quan trọng và linh hoạt nhất của hải quân một nước trong bất kỳ cuộc tấn công trực diện nào. Mỹ hiện sở hữu 13 SSN lớp Virginia và dự kiến có thêm 15 chiếc nữa vào cuối năm 2018.

Không chịu thua, Nga và Trung Quốc cũng đang mở rộng hạm đội SSN dù với tốc độ chậm hơn. Bắc Kinh đang đóng thêm 2 tàu ngầm Type 095 và dự định đóng thêm 5 chiếc nữa. Trong khi đó, Nga dự kiến bổ sung 6 tàu ngầm lớp Yasen-M vào năm 2020.

SSN mới của Mỹ được thiết kế để linh hoạt và có thời gian hoạt động lâu hơn. Tuy nhiên, 2 đối thủ còn lại chú trọng khả năng tránh bị phát hiện. Cụ thể, Nga muốn tàu ngầm tàng hình tốt hơn và được trang bị nhiều vũ khí hơn, trong khi Trung Quốc tập trung cải tiến khả năng hoạt động yên lặng.

Bất chấp những cải tiến của tàu ngầm Nga và Trung Quốc, hải quân Mỹ tin rằng những khoản đầu tư sắp tới sẽ bảo đảm đội tàu ngầm Mỹ thế hệ tiếp theo duy trì vị thế thống trị. Vấn đề là, theo ông Holmes, Mỹ dường như có thể đã tính toán số tàu ngầm cần hiện diện tại Thái Bình Dương thấp hơn thực tế trong bối cảnh nguy cơ xung đột gia tăng. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo