xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Abe tính đường dài

HOÀNG PHƯƠNG

Giới phân tích cho rằng việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục nắm quyền là thông tin tốt cho đất nước

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 20-9 được bầu lại làm chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - một kết quả dọn đường cho ông tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 3 năm nữa. Nếu còn tại vị vào tháng 11-2019, ông sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản nắm quyền lâu năm nhất từ trước đến giờ, theo báo The Guardian.

Nhiều thách thức

Chiến thắng nói trên được cho là thúc đẩy ông Abe tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu nay là chỉnh sửa hiến pháp, bất chấp không ít trở ngại và rủi ro chính trị phía trước. "Đã đến lúc giải quyết vấn đề chỉnh sửa hiến pháp… Hãy cùng nhau làm nên một nước Nhật Bản mới" - ông Abe tuyên bố sau khi chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu và nhấn mạnh sẽ quyết tâm thực hiện các mục tiêu chính sách của mình.

Lên làm thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai từ tháng 12-2012, ông Abe đã củng cố vị thế lãnh đạo LDP và nhận được nhiều ủng hộ do mang lại sự ổn định cho các chính sách kinh tế, ngoại giao. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn đối mặt một số thách thức không nhỏ, như dân số lão hóa và sụt giảm, kế hoạch tăng thuế tiêu dùng bị hoãn hai lần, thách thức an ninh từ mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, tranh cãi thương mại với Mỹ…

Thách thức tức thì đến từ cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại TP New York - Mỹ vào tuần tới. Tại cuộc gặp này, ông Abe nhiều khả năng chịu sức ép cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ (hiện ở mức 69 tỉ USD).

Về lâu dài, điều dư luận quan tâm là liệu ông Abe có thúc đẩy được việc chỉnh sửa bản hiến pháp hòa bình do lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo năm 1947 hay không - điều mà chưa nhà lãnh đạo nào của LDP làm được trước đó. Thủ tướng Nhật cho biết ông hy vọng đảng mình sẽ trình quốc hội bản dự thảo hiến pháp sửa đổi để thông qua trước khi đưa ra trưng cầu ý dân. Theo AP, ông Abe đang đề xuất bổ sung một điều khoản vào điều 9 Hiến pháp, theo đó nói rõ việc cho phép sự tồn tại của quân đội (đang được gọi là Lực lượng Phòng vệ) Nhật Bản. Điều 9 này hiện có nội dung từ bỏ quyền phát động chiến tranh và cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Ông Abe tính đường dài - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 20-9. Ảnh: RETUERS

Chia rẽ sâu sắc

Ba năm trước, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tái định nghĩa vai trò của quân đội thông qua một đạo luật cho phép lực lượng này tham gia phòng thủ tập thể. Về lý thuyết, điều này cho phép binh sĩ Nhật hỗ trợ trong trường hợp đồng minh bị tấn công ngay cả khi lãnh thổ của Tokyo không bị đe dọa.

Liên minh cầm quyền do LDP đứng đầu đang kiểm soát 2/3 ghế tại cả lưỡng viện quốc hội và đây là yếu tố cần để họ trình đề xuất chỉnh sửa hiến pháp. Dù vậy, vấn đề này vốn gây chia rẽ sâu sắc và hiện chưa rõ ông Abe có bảo đảm được đủ 2/3 lá phiếu cần thiết để đề xuất được thông qua tại quốc hội hay không. Trong khi đó, thời gian lại không đứng về phía nhà lãnh đạo này khi cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo dự kiến diễn ra vào mùa hè năm tới.

Với công chúng, chuyện hiến pháp không khiến họ bận tâm nhiều bằng những vấn đề liên quan đến cuộc sống, như lương bổng, giáo dục, chi phí chăm sóc con cái… - theo một số cuộc khảo sát mới đây. Riêng một cuộc thăm dò của đài NHK đầu năm nay cho thấy 31% người được hỏi ủng hộ đề xuất của ông Abe, 23% phản đối và 40% chưa quyết định. Trong trường hợp đề xuất này không nhận được đa số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân, ông Abe nhiều khả năng sẽ từ chức.

Từ giờ cho đến khi chuyện chỉnh sửa hiến pháp ngã ngũ, giới phân tích cho rằng việc ông Abe tiếp tục nắm quyền là thông tin tốt cho đất nước. "Một chính phủ ổn định dưới sự lèo lái của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ là điều tốt cho cả kinh tế và ngoại giao" - ông Yu Uchiyama, chuyên gia tại Trường ĐH Tokyo, nhận định. Tuy nhiên, ông Uchiyama nói thêm năng lực lãnh đạo mạnh mẽ trong thời gian dài của ông Abe khiến chính trường mất đi tính cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ trong cuộc bỏ phiếu nói trên, khi ông Abe dễ dàng đánh bại đối thủ duy nhất, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, với số phiếu áp đảo 807/553.

"Bắt tay phải, giữ nắm đấm nơi tay trái"

Việc tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản tham gia diễn tập tại biển Đông tuần rồi đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về một lập trường cứng rắn hơn trước tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.

Điều này được nêu bật qua bước đi bất thường của Nhật Bản hôm 17-9, khi nước này công khai thông báo cuộc tập trận nói trên với sự tham gia của cả 2 tàu khu trục và 1 tàu sân bay trực thăng. Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định cuộc tập trận không nhằm vào quốc gia cụ thể nào nhưng giới phân tích nói đó là thông điệp rõ ràng gửi tới Trung Quốc. "Chúng ta đang phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm" - ông Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách National Graduate ở Tokyo, nhận định.

Đây là cuộc tập trận đầu tiên được biết tới của Nhật có sự tham gia của tàu ngầm ở biển Đông. Sự kiện này có thể khiến Trung Quốc tức giận vì tàu ngầm đại diện cho một mối đe dọa lớn hơn nhiều so với các tàu nổi mặt nước từng tập trận ở đó. Điều đáng nói là cuộc tập trận diễn ra giữa lúc quan hệ Tokyo - Bắc Kinh tương đối nồng ấm. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng tới.

Theo báo The New York Times, các chuyên gia phân tích cho rằng Nhật đang muốn mở rộng giới hạn trong bối cảnh quan hệ với đối thủ trên đường hồi phục. "Đây là một ví dụ rất hay về sự phức tạp trong mối quan hệ hai nước lúc này" - bà Kristi Govella, chuyên gia về nghiên cứu châu Á tại Trường ĐH Hawaii (Mỹ), nói. "Nhật và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau và có nhiều lợi ích qua lại nhưng cùng lúc đó, hai bên vẫn tồn tại một số vấn đề và căng thẳng thật sự".

Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á lâu nay tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku (đang do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông và bị Trung Quốc đòi chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư). Bất chấp quan hệ kinh tế đang tiến triển, Nhật Bản vẫn dẫn đầu nỗ lực lập một khối kinh tế không bao gồm Trung Quốc. Phó đô đốc đã nghỉ hưu Toshiyuki Ito, nay là giáo sư về quản lý khủng hoảng và quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Kanazawa, nhận định Tokyo không còn phân định rạch ròi bạn và thù như trước. Ông nói: "Nhật cuối cùng đã trưởng thành, bắt tay phải trong khi giữ nắm đấm nơi tay trái".

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo