xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Niềm tin ASEAN!

LỤC SAN

ASEAN theo đuổi các mục đích then chốt là hòa nhập về chính trị và xã hội giữa các nước thành viên cũng như trở thành liên minh kinh tế

Có nhiều thành tựu đáng tự hào khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm thành lập (8.8.1967 - 8.8.2017) với chủ đề "Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN".

Hòa bình và ổn định

Trải qua 50 năm, ASEAN đã ghi vào lịch sử của mình những thành tựu quan trọng. ASEAN không ngừng phát triển, đóng góp hiệu quả cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Mặc dù có những điểm chưa hoàn thiện nhưng như báo The Economist nhận xét, hiệp hội này là "sân chơi duy nhất ở châu Á" với các mạng lưới "tạo ra cơ hội hiếm có cho các nhà lãnh đạo toàn cầu xây dựng sự tin cậy".

ASEAN từ lâu đã là tấm gương sáng cho thấy các quốc gia nhỏ bé có thể làm cho cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng nói tập thể của mình. Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) nhận định: Hy vọng ASEAN sẽ phát triển hơn nữa như một cốt lõi hòa bình và ổn định ở châu Á. "Thật dễ dàng chỉ trích ASEAN về những thiếu sót nhưng chúng ta hãy thử hình dung xem khu vực này và thế giới sẽ ra sao nếu không có ASEAN" - bà Retno L.P.Marsudi, nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Indonesia, tự hào đánh giá.

Theo bà, Đông Nam Á vốn là nơi mà các cuộc tranh chấp dễ dàng chuyển thành chiến tranh toàn diện, mỗi quốc gia chỉ thiên về cạnh tranh và không muốn cộng tác. Còn ở tầm thế giới, Đông Nam Á chỉ là một vũ đài để các cường quốc biểu dương sức mạnh. Thế nhưng, nhờ ASEAN, khu vực này đã thoát khỏi các cuộc xung đột vũ trang lớn.

Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, ASEAN đã đưa ra nhiều khuôn khổ cho đối thoại đa phương vốn cũng liên quan các quốc gia bên ngoài khối. Từ đó, dư luận rất hoan nghênh và trân trọng những nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước, góp phần rất nhiều vào sự ổn định trong khu vực.

Theo báo South China Morning Post, sự hợp tác khắp khu vực được củng cố bởi hơn 1.000 cuộc họp ASEAN mỗi năm - có thể lên đến 1.400 hoặc hơn nếu bao gồm cả các cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với 7 nước thành viên ASEAN có tham gia APEC.


Niềm tin ASEAN! - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thượng đỉnh Đông Á lần 7 tại Manila - Philippines hôm 7-8 Ảnh: REUTERS

Hướng đến tương lai

Với tổng dân số hơn 600 triệu người, nhiều hơn Liên minh châu Âu (EU), ASEAN được dự báo sẽ phát triển kinh tế ổn định, trong vòng 10 năm sẽ qua mặt Nhật Bản về tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tổ chức này đang theo đuổi các mục đích then chốt là hòa nhập về chính trị và xã hội giữa các nước thành viên cũng như trở thành liên minh kinh tế.

Với thỏa thuận thương mại tự do năm 1992, kim ngạch thương mại trong khu vực đã tăng vọt từ 80 tỉ USD năm 1993 lên gần 550 tỉ USD năm 2015. Nhờ đó, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. Nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng hơn 150 lần kể từ năm 1967, Thái Lan tăng 70 lần và Malaysia 90 lần, còn Philippines cũng tăng trưởng 40 lần.

Năm 1967, kinh tế châu Âu lớn gấp 28 lần các quốc gia thành lập ASEAN nêu trên. Ngày nay, trong bối cảnh cả ASEAN và EU đều mở rộng đáng kể, nền kinh tế châu Âu chỉ còn lớn hơn 6 lần. Kinh tế nước Mỹ ban đầu lớn hơn ASEAN 36 lần nhưng nay chỉ còn hơn 7 lần.

Hơn nữa, từ một hiệp hội lỏng lẻo, ASEAN đã tiến triển thành một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Ngay cả khi một số khu vực đã ít nhiều bị chia rẽ, từ chuyện Anh rời khỏi EU (Brexit) đến cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, ASEAN vẫn giữ được sự thống nhất và ổn định.

Theo báo The Straits Times, là những người được thừa hưởng một khu vực hòa bình và thịnh vượng hơn, thế hệ trẻ ngày nay có trách nhiệm tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho ASEAN. Chặng đường kế tiếp của ASEAN sẽ có tính chất hướng đến phục vụ nhu cầu của nhân dân trong toàn khu vực và được người dân lèo lái nhiều hơn.

Một nhiệm vụ quan trọng định hình tương lai ASEAN chính là xử lý các mối quan hệ với bên ngoài, đặc biệt là với các siêu cường, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến đổi nhanh chóng, mối đe dọa của khủng bố...


Mô hình liên kết khu vực rất thành công

Ngày 7-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu khẳng định tầm quan trọng của sự kiện 630 triệu người dân Đông Nam Á chính thức đón thời khắc "vàng" kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh từ 5 nước ban đầu, ASEAN đã trở thành cộng đồng gồm 10 quốc gia làm chủ vận mệnh của mình và ngày càng trưởng thành về chính trị, vững vàng về kinh tế, hoàn thiện về thể chế, gắn kết trong quan hệ. "Chúng ta cùng tự hào về ngôi nhà chung ASEAN - mô hình liên kết khu vực rất thành công" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh trải qua thăng trầm lịch sử, vượt kỳ vọng ban đầu, ASEAN không chỉ biến Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết mà đỉnh cao là hình thành Cộng đồng ASEAN đứng thứ 6 thế giới với GDP đạt gần 3.000 tỉ USD/năm. Trong quan hệ với bên ngoài, kể cả với các cường quốc thế giới, ASEAN luôn chủ động đối thoại, hợp tác, là lực lượng dẫn dắt các cơ chế diễn đàn khu vực về mọi vấn đề, từ biến đổi khí hậu, chống khủng bố đến hòa bình ổn định trên biển Đông, qua đó nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN và từng thành viên.

Thủ tướng nhấn mạnh tham gia ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn cùng các bước lớn mạnh của ASEAN. Thế kỷ XXI đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới "một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm". Việt Nam cam kết sẽ cùng các nước xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, tự cường; thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, khơi gợi lòng tự hào về cộng đồng; xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, giữ vai trò chủ đạo ở khu vực, có lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Dương Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo