xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đương đầu lệnh trừng phạt: Những quan hệ ngầm khó ngờ

ĐỖ QUYÊN

Theo các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Mỹ, buôn bán ngầm và xây dựng mạng lưới công ty bình phong chỉ là 2 trong nhiều biện pháp được Triều Tiên sử dụng để lách cấm vận, nhằm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân

Nghiên cứu mới nhất của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) đưa ra hồi tháng rồi cho thấy hiện nay, ít nhất 10 nước châu Phi vẫn cố tình làm ngơ trước các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để mua vũ khí và các dịch vụ huấn luyện quân sự của Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng bỏ túi mỗi năm hơn 100 triệu USD từ các phi vụ với lục địa đen.

Cắm rễ sâu vào châu Phi

Một ủy ban của LHQ đang tập trung điều tra hoạt động nêu trên của Bình Nhưỡng, liên quan tới các cáo buộc cụ thể: huấn luyện lực lượng bảo vệ tổng thống cho Congo, Angola; bán vũ khí tự động cho Congo; bán vũ khí, radio quân sự cho Eritrea; bán hệ thống tên lửa chống máy bay cho Mozambique; sửa chữa, nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống radar phòng không của Uganda; bán vũ khí, khí tài quân sự cho Tanzania... Giới phân tích cho rằng số tiền thu về được Bình Nhưỡng đổ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ủy ban nêu trên cũng đang điều tra về những vi phạm lệnh trừng phạt chưa được nêu cụ thể của Benin, Botswana và Zimbabwe - những "bạn hàng" khác của Triều Tiên. Cơ quan này còn xác minh liệu có phải Triều Tiên đang xây dựng một trung tâm thu thập thông tin tình báo và nhà máy sản xuất đạn dược ở Namibia hay không.

Đương đầu lệnh trừng phạt: Những quan hệ ngầm khó ngờ - Ảnh 1.

Xe chở tên lửa Triều Tiên có logo hãng vận tải Trung Quốc Sinotruk trong lễ duyệt binh hồi tháng 4-2014 Ảnh: REUTERS

Đặc biệt quan ngại về mối quan hệ Namibia - Triều Tiên, LHQ và Mỹ đã gây áp lực để các nhà lãnh đạo đất nước Tây Nam châu Phi cắt đứt quan hệ với quốc gia đang khao khát được công nhận là cường quốc hạt nhân này. Thế nhưng, Triều Tiên đã thực sự "cắm rễ" rất sâu ở Namibia. Trong khi đó, Uganda bị cáo buộc có quan hệ sâu sắc với Bình Nhưỡng, Tổng thống Yoweri Museveni thậm chí còn thông thạo cả tiếng Triều Tiên.

Trên thực tế, châu Phi từ lâu đã có truyền thống xem thường các nghị quyết của LHQ. Chỉ 7% các nghị quyết liên quan tới châu lục này được họ ủng hộ.

Mối dây dưa giữa châu Phi và Bình Nhưỡng đã được đặt nền móng từ hơn 50 năm trước, khi Triều Tiên hậu thuẫn cuộc chiến chống thực dân ở lục địa đen. Mozambique được cho là đã thoát khỏi ách thống trị của Bồ Đào Nha nhờ sự trợ giúp của Triều Tiên. Thậm chí, một đại lộ ở khu vực trung tâm thủ đô Maputo còn được đặt tên là Avenida Kim Nhật Thành.

"Trong cuộc nội chiến Congo, Triều Tiên bị cáo buộc cung cấp lực lượng lính đánh thuê để đổi lấy quyền kiểm soát một mỏ uranium" - chuyên gia nghiên cứu Marcus Noland tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington - Mỹ) cho hay. Theo ông, Congo đang bị LHQ để mắt vì cáo buộc nước này mua vũ khí và thuê lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên.

Báo cáo của MIT cho thấy Burkina Faso đang là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Bình Nhưỡng tại châu Phi. Theo số liệu được thu thập gần đây, riêng năm 2015, đất nước nhỏ bé này đã mua khoảng 32,8 triệu USD hàng hóa từ Triều Tiên. Tổng cộng, theo MIT, có tới 29 quốc gia châu Phi nhập khẩu hàng Triều Tiên.

Bất chấp cấm vận

LHQ gần đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Thế nhưng, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về hiệu quả và sự phù hợp của những biện pháp đó.

Theo báo cáo từ các chuyên gia thuộc Ủy ban Giám sát trừng phạt Triều Tiên của LHQ hồi đầu tháng 9-2017, bất chấp lệnh cấm vận của LHQ, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu than đá, sắt và các mặt hàng khác trị giá ít nhất 270 triệu USD cho Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka trong 6 tháng - kết thúc vào đầu tháng 8 vừa qua. 

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 1-10 dẫn báo cáo mới nhất của Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc ước tính Triều Tiên sở hữu kho tài nguyên khoáng sản trị giá khoảng 2.790 tỉ USD, tính đến năm 2016, chủ yếu do doanh nghiệp (DN) Trung Quốc khai thác.

Báo cáo của LHQ cho thấy Triều Tiên đã trực tiếp đổi than đá và các khoáng sản lấy những thứ họ cần như linh kiện vũ khí, thậm chí xa xỉ phẩm. Chiêu hàng đổi hàng nghe có vẻ thô sơ này lại giúp quốc gia đang bị trừng phạt tránh nguy cơ bị phát hiện dấu vết chuyển tiền. Trong một vụ việc phần nào hé lộ hoạt động ngầm này, tháng 8-2017, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Công ty Vật tư thép Dandong Zhicheng Metallic Material của doanh nhân Trung Quốc Chi Yupeng - bị cáo buộc mua thép, than đá từ Triều Tiên và đổi lại bằng các bộ phận tên lửa, thiết bị hạt nhân.

Trong khi đó, cánh buôn lậu lại cực kỳ ma mãnh, cũng giúp Bình Nhưỡng qua mặt các lệnh trừng phạt. Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết những kẻ buôn lậu từ các nước, như Trung Quốc, đã vô hiệu hóa máy phát nhận tín hiệu trên tàu của họ khi đi vào vùng biển Triều Tiên. Sau đó, họ chở hàng hóa Triều Tiên sang nước khác rồi nói rằng chúng được sản xuất tại quốc gia này.

Những lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ đã đưa vào danh sách đen nhiều DN được coi là "cỗ máy hút ngoại tệ" của Bình Nhưỡng, trong đó có Tập đoàn Mansudae chuyên xuất khẩu lao động. Thế nhưng, theo chuyên gia Lim Soo-ho thuộc Viện Chính sách Kinh tế quốc tế tại Hàn Quốc, Triều Tiên đơn giản chỉ cần đổi tên cho Mansudae để né trừng phạt. Các chuyên gia LHQ còn cho biết hãng vận tải biển Ocean Maritime Management của Triều Tiên cũng đã đổi tên và đăng ký lại một số tàu của mình bằng giấy tờ giả để thoát khỏi tầm ngắm của các cơ quan kiểm tra quốc tế. 

Doanh nghiệp bình phong

Nhiều công ty Triều Tiên đã thiết lập tài khoản ngân hàng cho DN bình phong ở nước ngoài để gửi tiền vào đó. Điều này giúp việc chuyển tiền cho các ngân hàng tại Bình Nhưỡng tránh khỏi con mắt của các nhà điều tra.

Theo LHQ, công ty sản xuất thiết bị truyền thông quân sự của Triều Tiên Glocom được cho là đã sử dụng một số DN bình phong ở Singapore, Malaysia và Hồng Kông để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp. Trong một vụ việc đáng chú ý, tháng 9-2016, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc doanh nhân Trung Quốc Ma Xiaohong sử dụng công ty Dandong Hongxiang Industrial Development của mình để giúp Tập đoàn Ngân hàng Kwangson của Triều Tiên "rửa tiền" ở nước ngoài.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-10

Kỳ tới: Iran lách khe cửa hẹp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo