xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năng lực cạnh tranh Việt Nam cải thiện mạnh

Xuân Mai

Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng hạng nhanh nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực

Theo "Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019" được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hôm 9-10, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 67 trong số 141 nền kinh tế được xếp hạng, tăng 10 bậc so với năm ngoái. Cụ thể, Việt Nam đạt 61,5/100 điểm, tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF nhấn mạnh Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng hạng mạnh mẽ nhất tại châu Á - Thái Bình Dương. Cũng theo WEF, Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Bảng xếp hạng trên được dựa trên kết quả phân tích 103 tiêu chí, được chia thành 12 trụ cột. Các cột trụ này được chia thành 4 nhóm chính, gồm: Môi trường thuận lợi (thể chế, cơ sở hạ tầng, sự phổ cập công nghệ thông tin - viễn thông, ổn định vĩ mô), Thị trường (sản phẩm, lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường), Nhân lực (sức khỏe, kỹ năng) và Hệ sinh thái đột phá sáng tạo (sự năng động trong kinh doanh, khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số "Quy mô thị trường" đứng thứ 26 với 71,8 điểm, "Ổn định kinh tế vĩ mô" đạt 75 điểm đứng ở vị trí 64. Xếp hạng thấp nhất là kỹ năng, đứng thứ 93 toàn cầu. Các chỉ số còn lại dao động từ hạng 41 đến hạng 93. So với năm ngoái, điểm số của gần như toàn bộ 12 trụ cột đều tăng. Về các chỉ số thành phần, Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Cả hai hạng mục này Việt Nam đạt trọn vẹn 100 điểm.

Năng lực cạnh tranh Việt Nam cải thiện mạnh - Ảnh 1.

Một công nhân làm việc trong nhà máy cơ khí ở Hà Nội Ảnh: REUTER

Báo cáo của WEF nhận định căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến nền kinh tế trở nên bất ổn và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu. Dù vậy, một số quốc gia cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong năm nay dường như đang hưởng lợi từ những biến động này. Bà Saadia Zahidi, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Xã hội mới thuộc WEF, nhận định mức tăng 10 bậc của Việt Nam phần nào là do nền kinh tế đã tận dụng tốt tình hình hiện tại để thu hút các khoản đầu tư và trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Cũng theo đánh giá của WEF, Singapore đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, sự hợp tác mạnh mẽ giữa lao động và quản lý. Cũng nằm trong tốp 10 còn có Hồng Kông, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Anh, Đan Mạch. Đáng chú ý, Trung Quốc đứng thứ 28 trong lúc Ấn Độ giảm 10 hạng xuống vị trí 68. Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và chủ tịch điều hành WEF, nhận định với trang Business Insider rằng những quốc gia nào có chính sách kinh tế chú trọng đến cơ sở hạ tầng, kỹ năng, nghiên cứu, phát triển…đang thành công hơn so với những nước chỉ tập trung vào các yếu tố tăng trưởng truyền thống. 

Nỗ lực cải cách được quốc tế thừa nhận

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định thông tin Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh trong đánh giá của WEF là đáng mừng trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đánh giá của một trong những diễn đàn uy tín trên thế giới cũng chứng tỏ nỗ lực cải cách của nước ta đã được quốc tế thừa nhận. Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, bảng xếp hạng là gợi ý cho các nhà làm chính sách cần tiếp tục đưa ra phương án cải cách mạnh mẽ hơn nữa về mặt thể chế, chú trọng đến cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần nỗ lực hơn trong cải thiện khả năng đổi mới sáng tạo, mức độ năng động của khối DN. Riêng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, dù đã có tiến bộ nhảy vọt nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa vì đây là điểm then chốt của nền kinh tế trong bối cảnh số hóa.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng bộ tiêu chí xếp hạng của WEF có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình cải cách, nâng hạng môi trường cạnh tranh của Việt Nam. Gần đây, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nhiều nỗ lực khác gắn với cải cách thể chế, hội nhập sâu rộng…, mức độ cạnh tranh của Việt Nam đã cải thiện tích cực. Nhiều nghị quyết về cải cách trong nước cũng đưa ra nhiều bộ chỉ số với đòi hỏi cải thiện môi trường mạnh mẽ.

Do vậy, các tiêu chí của WEF có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp thêm một bộ chỉ số từ góc nhìn quốc tế giúp chúng ta có thêm chiều cạnh khác để tham khảo, phục vụ cho nhu cầu cải cách vốn đang vô cùng bức thiết. Chẳng hạn, từ bảng xếp hạng, Việt Nam sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về tiêu chí chỉ số sáng tạo, độ tinh xảo trong quản trị, sự quan trọng của thị trường tài chính…, để cải thiện đúng và trúng cái mà thị trường, nhà đầu tư quốc tế đang cần. Khi đó, chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng loay hoay, đổ nhiều công sức để cải cách mà không được như kỳ vọng.

Phương Nhung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo