xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ: Lạm phát tăng vọt

HẢI NGỌC

Trước khi tình hình hạ nhiệt, việc giá cả tăng vọt trên diện rộng ở Mỹ sẽ gây nhiều khó khăn cho Tổng thống Joe Biden

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ tháng 2-1982, theo thông báo ngày 10-2 (giờ địa phương) của Bộ Lao động nước này.

Tính theo tỉ lệ phần trăm thì giá dầu tăng nhiều nhất trong tháng 1 với mức tăng 9,5% trong khi mức tăng trong 1 năm qua là 46,5%. Bình quân giá năng lượng tại Mỹ tăng 0,9% trong tháng qua và tăng 27% trong năm qua, còn giá thực phẩm cùng giai đoạn lần lượt tăng 0,9% và 7%, theo đài CNBC.

Đáng lo hơn, theo báo The New York Times, là báo cáo của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra lạm phát đã vượt ra khỏi những hàng hóa và dịch vụ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như chạm vào mọi ngóc ngách trong nền kinh tế Mỹ.

Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citi Research, nhận định trên đài CNBC rằng dữ liệu lạm phát mới nhất này "giống như cú đấm vào giữa bụng" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và làm tăng khả năng FED sẽ hành động mạnh mẽ hơn để ổn định tình hình.

 Trước mắt, FED có thể tăng lãi suất trong lần họp tiếp theo vào tháng 3 tới. The New York Times trích dẫn dự đoán của Phố Wall cho rằng trước cuối năm nay, lãi suất có thể tăng vượt mốc 1,75% từ mức gần 0 hiện nay.

Mỹ: Lạm phát tăng vọt - Ảnh 1.

Nhiều người dân Mỹ than phiền giá hàng hóa tăng cao (ảnh chụp tại khu Harlem của Manhattan, TP New York) Ảnh: REUTERS

Bà Teneshia Moore, một giáo viên 51 tuổi sống ở bang Michigan, kể với The New York Times rằng bà đã không còn mua thịt gà nữa vì giá quá cao.

Trong khi đó, ông Daniel Ashley than phiền chi phí mua hàng tạp hóa hằng tuần của ông đã tăng khoảng 20% trong những tháng gần đây dù danh mục hàng hóa hầu như không thay đổi. Vị trợ lý pháp lý 46 tuổi sống tại New York này nói lẽ ra ông có thể xoay xở mua thực phẩm được nếu giá gas và giá điện không đồng loạt tăng cao như vậy.

Lạm phát leo thang đúng vào thời điểm quan trọng của kinh tế Mỹ. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng nhanh của năm 2021 sẽ chậm lại do ảnh hưởng của các gói kích thích tài chính và tiền tệ phai nhạt.

Theo The New York Times, hầu hết nhà kinh tế tin rằng lạm phát sẽ nguội đi vào cuối năm nay khi chuỗi cung ứng thông suốt hơn. Nhưng trước khi tình hình hạ nhiệt, tình trạng giá cả tăng vọt trên diện rộng ở Mỹ sẽ gây nhiều khó khăn cho Tổng thống Joe Biden.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh thị trường lao động đang rất ổn định và lương đã tăng nhanh hơn mức tăng của giá trong tháng trước. Song, The New York Times đưa tin nhìn chung cả năm qua thì lương vẫn không bắt kịp giá và tâm trạng chung của người dân Mỹ là bi quan.

Tin tức về lạm phát Mỹ đã gây biến động cho các thị trường toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch sáng 11-2 (giờ địa phương) tiếp tục giảm điểm sau màn bán tháo một ngày trước đó, theo đài CNBC.

Cổ phiếu giảm giá cũng diễn ra tại châu Á - Thái Bình Dương trong ngày 11-2. Hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component của Trung Quốc giảm lần lượt 0,66% và 1,546% khi hết phiên. Tương tự, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,87%, S&P/ASX 200 (Úc) giảm 0,98%, MSCI (trừ Nhật Bản) giảm 0,97%…

Trong khi đó, Reuters đưa tin giá dầu giảm xuống trong ngày 11-2. Giá dầu thô Brent của Anh giao tương lai giảm 0,6%, còn 90,83 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,5% còn 89,43 USD/thùng.

"Triển vọng FED hành động mạnh tay sẽ tác động lên giá dầu. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang có vẻ hứa hẹn, qua đó cũng đẩy giá dầu xuống" - ông Warren Patterson, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Tập đoàn ING (Hà Lan), lý giải.

Thỏa thuận trên, một khi được hồi sinh, sẽ giúp dầu Iran không còn bị trừng phạt và thị trường được giải tỏa phần nào. Ngược lại, giá vàng đã chạm mốc cao nhất trong hai tuần qua vào ngày 10-2, một phần do đồng USD yếu đi và lạm phát Mỹ tăng mạnh. 

Ưu tiên mới của Trung Quốc

Giai đoạn siết chặt chính sách quản lý mạnh tay nhất của Trung Quốc đã qua và hiện quốc gia này đang tập trung hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giới chuyên gia khẳng định với đài CNBC ngày 10-2. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa chính phủ Trung Quốc muốn kết thúc chiến dịch siết chặt chính sách, họ chỉ đơn thuần là muốn hướng đến ổn định kinh tế trong năm nay.

Những thay đổi đột ngột ở hàng loạt lĩnh vực - từ thương mại điện tử đến bất động sản và giáo dục - đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 4% trong quý IV/2021 so với giai đoạn cùng kỳ của năm trước đó - mức tăng chậm nhất trong 18 tháng.

"Làn sóng thắt chặt kiểm soát trong giai đoạn 2020-2021 đã gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, khiến niềm tin kinh doanh suy yếu, thị trường bất động sản lao dốc và giá cả hàng hóa leo thang" - chuyên gia Larry Hu của Tập đoàn Macquarie Group (Úc) khẳng định.

Trong thời gian gần đây, những tuyên bố chính thức từ nền kinh tế số 2 thế giới dường như báo hiệu về một "lập trường mềm mỏng hơn" nhằm bảo vệ mức tăng GDP 5% trong năm 2022, vốn là ưu tiên mới của giới lãnh đạo Trung Quốc - theo ông Hu.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10-2 lạc quan khi dự đoán tăng trưởng GDP của Liên minh châu Âu (EU) sẽ quay về mức tiền đại dịch 4% trong năm nay, bất chấp hàng loạt rủi ro. Theo EC, lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 4,8% trong quý I/2022 rồi giảm còn 3% đến mùa thu trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu được khơi thông và tác động kinh tế của làn sóng lây nhiễm hiện tại suy giảm.

Tại Anh, báo Daily Mail ngày 11-2 dẫn số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) cho biết GDP của quốc gia này giảm 0,2% trong tháng 12-2021 vì các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Dù vậy, con số này thấp hơn so với mức dự đoán 0,5% của phần lớn giới chuyên gia.

Tính cả năm 2021, kinh tế Anh tăng trưởng 7,5% - mức tăng hằng năm ấn tượng nhất kể từ Thế chiến II. Trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, kinh tế Anh hứng chịu một trong những đợt suy thoái nặng nề nhất khi GDP giảm 9,4% so với năm trước đó.

Lộc Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo