xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ không dễ trừng phạt Nga

CAO LỰC

Ngay cả khi Mỹ sử dụng "phương án hạt nhân", phải mất một quãng thời gian trước khi giới tinh hoa Nga bắt đầu thấm đòn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21-1 gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại TP Geneva - Thụy Sĩ trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo chuyên gia Orysia Lutsevych của Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh), cuộc gặp nêu trên là dịp để ông Blinken trấn an Kiev và đồng minh về tuyên bố 2 ngày trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người khẳng định phương Tây có thể sẽ không đáp trả thống nhất nếu Nga chỉ tiến hành một cuộc tấn công nhỏ nhằm vào Ukraine.

Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh Moscow sẽ hứng chịu hậu quả thảm khốc nếu họ tấn công Ukraine, ám chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt mà Washington và đồng minh liên tục nhắc đến trong thời gian gần đây.

Theo đài Al Jazeera, ngày càng nhiều chuyên gia khẳng định khả năng của Washington trong việc sử dụng lệnh trừng phạt nhằm thay đổi quyết định chiến lược của Moscow hiện vẫn còn "hạn chế".

Kể từ năm 2014, Mỹ đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga tổn thất khoảng 50 tỉ USD/năm - Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cho biết. Dù vậy, theo chuyên gia David Cortright của Viện Nghiên cứu Kroc thuộc Trường ĐH Notre Dame (Mỹ), chúng vẫn không thể khiến Điện Kremlin chùn bước về vấn đề Ukraine. 

Mỹ không dễ trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại TP Geneva - Thụy Sĩ hôm 21-1 Ảnh: REUTERS

Washington vẫn còn nhiều biện pháp trừng phạt Nga khắc nghiệt hơn, trong đó có "phương án hạt nhân" để loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính SWIFT (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Maria Shagina của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan, phương án này có thể tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu và ngân hàng Nga nhưng cũng khiến châu Âu chịu nhiều tổn thất, bởi các nước trong khu vực mỗi năm sử dụng SWIFT để thanh toán hàng tỉ USD tiền khí đốt cho Nga.

Washington cũng có thể ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (NS2) của Moscow. Tuy nhiên, nước đi táo bạo này có thể phản tác dụng, đặc biệt là khi châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Đức cũng tiến thoái lưỡng nan. Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu khác sẽ gây sức ép buộc Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngăn NS2 đi vào hoạt động. Nhưng điều này đồng nghĩa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, vốn khiến giá cả năng lượng leo thang phi mã trong thời gian gần đây.

 "Chính quyền Thủ tướng Scholz không muốn làm Mỹ thất vọng, bởi đây là đồng minh quan trọng nhất của họ ngoài châu Âu. Tuy nhiên, họ cũng không muốn chọc giận Nga" - nhà phân tích Marcel Dirsus của Trường ĐH Kiel (Đức) khẳng định với Reuters.

Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden bỏ qua những rủi ro nêu trên để trừng phạt Moscow, phải mất một quãng thời gian trước khi giới tinh hoa Nga bắt đầu thấm đòn.

"Về lâu dài, những biện pháp trừng phạt nêu trên có thể khiến kinh tế Nga sụp đổ. Nếu Điện Kremlin tấn công Ukraine, họ chẳng khác nào đặt tương lai đất nước vào tình trạng bị đe dọa" - chuyên gia Yuval Weber của Trường ĐH Texas A&M (Mỹ) khẳng định.

Chiến tranh Nga - Ukraine cũng có thể khiến người dân Mỹ, những người đã mệt mỏi vì lạm phát, "trả giá đắt". Theo đài CNN ngày 20-1, giá dầu đã chạm mốc cao chưa từng thấy trong 7 năm trở lại đây và cuộc xung đột vũ trang kể trên có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng.

Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Biden áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng vốn là trụ cột kinh tế của Nga, giá nhiên liệu và khí đốt có nguy cơ tăng mạnh hơn nữa, qua đó khiến lạm phát "lên tầm cao mới" - Giám đốc năng lượng Robert Yawger của Ngân hàng Mizuho Securities (Nhật Bản) nhấn mạnh. 

Thế giới "kém sắc"!

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 20-1 cho rằng tình hình thế giới đang xấu đi so với 5 năm trước. Nguyên nhân là vì đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng khí hậu và các căng thẳng địa chính trị.

Ông Guterres, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Thư ký LHQ thứ 2, cho biết lời kêu gọi vì hòa bình mà ông từng đưa ra trong ngày đầu nhậm chức hôm 1-1-2017 cũng như các ưu tiên trong nhiệm kỳ đầu vẫn không thay đổi, bao gồm ngăn xung đột và giải quyết bất bình đẳng toàn cầu, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Theo AP, ông Guterres nói Hội đồng Bảo an LHQ đang bị chia rẽ, đặc biệt là giữa 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Nga và Trung Quốc liên tục bất đồng với Mỹ, Anh và Pháp về các vấn đề quan trọng, gồm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.

Trong bài phát biểu hôm 21-1, ông Guterres chỉ ra 3 vấn đề cấp bách trong năm 2022, gồm tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, giảm 45% lượng khí thải CO2 trong thập kỷ này để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và hệ thống tài chính bất công trên thế giới.

Ông Guterres nhận định nhiều nước đang phát triển có rất ít tài nguyên, nợ nần chồng chất, phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với châu Âu hoặc Bắc Mỹ, thiếu vắc-xin và chịu tác động của biến đổi khí hậu một cách không cân xứng.

Tổng Thư ký LHQ cũng thúc giục cải cách hệ thống tài chính quốc tế sâu rộng để bảo đảm các nguồn lực giúp mọi nơi hồi phục hậu Covid-19.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo